Đó là nhận định của trang Forbes sau lần xuất hiện đầu tiên của bà Melania Trump trên cương vị Đệ nhất phu nhân Mỹ. Forbes viết: "Hôm nay nước Mỹ có Đệ nhất phu nhân mới. Bà ấy - một cựu người mẫu - tất nhiên xinh đẹp với tủ đồ hoàn hảo, đáng ngưỡng mộ. Bà ấy cũng có đủ tiền để mua bất cứ trang phục cao cấp nào mình muốn".
"Nhưng có lẽ người ta sẽ vẫn nhớ về Michelle Obama nhiều hơn - người phụ nữ gần như không có bất cứ mối liên quan nào đến thời trang trước khi bước chân vào Nhà Trắng. Điều này cũng đơn giản và dễ hiểu thôi. Bởi để trở thành biểu tượng thời trang, xinh đẹp và nổi tiếng thôi chưa đủ", tạp chí này khẳng định.
Hình ảnh thanh lịch của Melania Trump trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Ảnh: Getty. |
Theo Forbes, không thể phủ nhận Melania Trump mặc đẹp và nổi bật trong ngày ông Donald Trump nhậm chức. Bà diện bộ trang phục màu xanh da trời, gồm váy ôm sát và áo bolero jacket, của nhà mốt nổi tiếng Ralph Lauren. Các phụ kiện đi kèm như găng tay, giày cao gót càng làm tôn nét cổ điển, thanh lịch.
Tuy nhiên, bộ cánh ngay lập tức khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh cựu Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy cách đây 56 năm. Trong lễ nhậm chức của ông John F.Kennedy hồi năm 1961, bà Jackie từng mặc bộ suit với màu sắc và kiểu dáng tương tự.
Do đó, lựa chọn của Melania Trump bị nhận xét vừa an toàn vừa gây nghi ngờ. Trước đó, bà Trump từng để lại ấn tượng xấu vì bị tố đạo bài phát biểu của Michelle Obama.
Quay trở lại năm 2009, trang Forbes đánh giá cao trang phục của Michelle Obama, dù bà chọn nhà thiết kế Mỹ gốc Cuba không mấy tên tuổi - Isabel Toledo. Nó là một minh chứng cho thấy ngay từ đầu Michelle Obama đã xác định bà sẽ ủng hộ những nhà thiết kế đang lên và không nhất thiết phải là người gốc Mỹ.
Khoảnh khắc rạng rỡ của Barack Obama và phu nhân cách đây 8 năm. Bà Michelle Obama mặc đồ của NTK Isabel Toledo. Ảnh: Getty. |
Mới đây, trang Women’s Wear Daily đăng tải lời cảm ơn của nhiều nhà thiết kế gửi đến cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ, trong đó có Jason Wu, Prabal Gurung, Christian Siriano...
Nhà thiết kế gốc Đài Loan Jason Wu - người có lẽ gắn bó nhiều nhất với bà Obama - chia sẻ: "Cảm ơn bà vì sự hỗ trợ tuyệt vời dành cho tôi và những người làm công việc sáng tạo, dám mơ ước ở đất nước này. Bà là người truyền cảm hứng cho tôi. Tôi có thể tự hào nói rằng tôi đã chạm đến giấc mơ Mỹ của mình".
Với Michelle Obama, thời trang không chỉ là mặc đẹp. Bà dùng thời trang để truyền tải những thông điệp và nói lên tiếng nói của mình.
Chẳng hạn trong buổi tiệc tiếp đón cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và phu nhân hồi năm 2009, Michelle Obama mặc mẫu thiết kế của nhà thiết kế người Mỹ gốc Ấn - Naeem Khan.
Tháng 9/2015, khi gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện, bà Michelle lại chọn bộ đầm đuôi cá gợi cảm do Vera Wang thiết kế.
Qua cách chọn lựa trang phục, bà Obama không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho khách, mà còn truyền đi thông điệp: Nước Mỹ chào đón mọi người trên khắp thế giới.
Bà Michelle Obama không chỉ mặc đẹp mà còn truyền cảm hứng. Ảnh: Getty. |
Lộng lẫy váy áo tại các buổi tiệc quan trọng, nhưng với phong cách thường ngày, Michelle Obama thường mặc đồ của những hãng bán lẻ như J.Crew hay Target. Bởi sau tất cả, bà muốn nói với mọi công dân Mỹ rằng bà cũng chỉ là một người mẹ của hai cô con gái như bao phụ nữ khác.
Đây là điều Đệ nhất phu nhân hiện tại Melania Trump khó có thể làm được. Bà Trump chỉ có vẻ đẹp lộng lẫy như một nữ diễn viên trên thảm đỏ Oscar. Bà đẹp, sang trọng, thanh lịch nhưng không truyền cảm hứng. Trang phục của bà hướng về quá khứ hơn là tương lai.
Trong khi đó, một biểu tượng thời trang (fashion icon) phải có sức ảnh hưởng đến những người xung quanh và có khả năng "tạo ra những con sóng".