Mèo được coi là con vật linh thiêng ở Ai Cập. Ảnh: Papyrus/Pinterest. |
Mèo là loài động vật gắn bó với đời sống con người, là thú cưng được người dân khắp thế giới yêu thích. Trải qua hàng nghìn năm, mỗi nền văn hóa sáng tạo và gắn hình tượng mèo với những ý nghĩa khác nhau.
Ai Cập
Vào thời hoàng kim của nền văn minh Ai Cập, cách đây 3000 năm, mèo là con vật thần thánh. Ở đây, mèo được coi là thiêng liêng nên hình ảnh của chúng xuất hiện trên đồ trang sức quý giá.
Sự sùng bái đối với mèo ở Ai Cập đã đạt đến đỉnh cao với việc thờ phụng nữ thần đầu mèo Bastet - một trong những người con gái của Thần Mặt trời Ra trong văn hóa Ai Cập, và là biểu tượng của hạnh phúc và sự đầm ấm.
Bastet được mệnh danh là thần bảo vệ, có đầu mèo lúc bình thường và hóa đầu sư tử khi có chiến tranh, bảo hộ vua trên chiến trường. Nữ thần thường cầm một nhạc cụ là đàn rung và một cái mộc có hình đầu sư tử cái.
Mèo được ướp và chôn trong các ngôi mộ ở Ai Cập. Ảnh minh họa: Cuteness/Pinterest. |
Thời cổ đại, khi một trong những con mèo thiêng ở Ai Cập cổ đại chết, thân thể của nó được ướp rồi được bọc vải và đặt trong ngôi mộ đặc biệt. Các nhà khảo cổ học từng khai quật các ngôi mộ và tìm thấy hàng trăm nghìn xác mèo chết chồng lên nhau.
Tháng 11/2018, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng chục xác ướp mèo và một bộ sưu tập xác ướp bọ hung quý hiếm trong 7 quan tài bằng đá có tuổi đời lên đến 6.000 năm. Các quan tài này được chôn ở khu vực nằm ngoài rìa khu nghĩa trang cổ đại Saqqara, phía Nam Cairo, thủ đô của Ai Cập.
Nhật Bản
Mèo vẫn được coi là sinh vật tượng trưng cho sự xảo quyệt, gắn với năng lực siêu nhiên trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi những con mèo đuôi dài bị xem là "miêu hựu" (mèo ác), mèo cộc đuôi ở xứ Phù Tang lại được coi là biểu tượng cho triển vọng và tương lai tốt đẹp.
Hình tượng mèo may mắn xuất phát từ Nhật Bản đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á khác, bao gồm cả Việt Nam.
Mèo may mắn có tên maneki-neko, là một chú mèo cộc đuôi, ngồi thăng bằng với hai chân sau và một chân trước giơ lên cao. Trong văn hóa Nhật Bản, khi muốn mời chào ai đó tới chỗ mình, họ sẽ để lòng bàn tay hướng về phía trước, ngón tay hướng xuống dưới.
Truyền thuyết về maneki-neko bắt đầu từ thời Edo và gắn với đền Gotoku-ji (phường Setagaya, Tokyo). Theo các nhà sử học, trong khi săn chim ưng, vị lãnh chúa suýt bị sét đánh trúng. Tuy nhiên, con mèo của sư trụ trì Tama đã giơ tay, ra dấu cho lãnh chúa đi vào đền. Điều này giúp lãnh chúa thoát nạn và ông rất biết ơn con mèo.
Mèo may mắn trong văn hóa Nhật Bản đã phổ biến khắp thế giới. Ảnh: National Geographic. |
Vị lãnh chúa phong cho con mèo thành "bảo hộ" của ngôi đền, nhận được sự tôn kính từ mọi người. Ông cũng hứa chu cấp tiền bạc để duy trì ngôi đền mãi về sau.
Ngày nay, đền Gotoku-ji còn được biết đến với tên "đền mèo". Lý do là trong đền có hàng nghìn tượng maneki-neko với đủ kích thước khác nhau. Du khách có thể mua tượng tại chùa và đem về nhà để cầu bình an, may mắn.
Một truyền thuyết khác cũng phổ biến ở Nhật Bản kể về maru-shime no neko (phiên bản khác của maneki-neko). Vào năm 1852, một bà lão sống ở Imado nghèo đến nỗi không đủ tiền mua thức ăn cho con mèo của mình. Đêm nọ, con mèo xuất hiện trong mơ và nói bà lão hãy làm những bức tượng về nó rồi may mắn sẽ đến.
Theo lời dặn, bà lão làm tượng nhỏ hình con mèo và đến bán ở cổng ngôi đền gần đó. Bức tượng được nhiều người yêu thích, hỏi mua. Bà lão từ đó cũng thoát cảnh nghèo khó.
Ngày nay, maneki-neko trở thành biểu tượng may mắn ở nhiều quốc gia. Tượng của chú mèo này, với nhiều biến thể khác nhau, được đặt trong các cửa hàng, cơ sở kinh doanh để "hút khách" và cầu mong tài lộc.
Ở các nước châu Âu
Nhiều quốc gia châu Âu gắn hình tượng mèo với sự xui xẻo, tiêu cực. Phổ biến nhất là niềm tin một con mèo đen băng qua khi ai đó đang đi sẽ mang lại vận xui.
Ở Ireland, khi một con mèo đen đi qua trước mặt có nghĩa bệnh tật sẽ đến. Ở Roma, Moldavia và Cộng hòa Séc, quan niệm một con mèo đen đi ngang qua trước mặt sẽ mang lại điềm xui còn tồn tại cho đến ngày nay.
Hình ảnh con mèo nằm bên cạnh mụ phù thủy mũi khoằm xuất hiện trong nhiều truyện dân gian, biến con vật này thành biểu tượng của thế lực ma quái, mang lại tai họa. Điều này dẫn đến việc lùng diệt mèo diện rộng vào thời trung cổ.
Chính việc diệt mèo làm gia tăng nạn chuột hoành hành, góp phần gây ra đại dịch Cái chết Đen - lây lan qua những con bọ chét trên chuột bị bệnh.
Khi khoa học phát triển, người ta lý giải được một phần nguyên nhân các tai họa và không còn đổ lỗi cho mèo. Song nhiều người vẫn mang niềm tin rằng mèo đen sẽ đem lại vận xui.
Tuy nhiên, không phải nơi nào ở châu Âu cũng coi mèo mang vận xui. Ví dụ, ở Scotland, con mèo đen lạ chạy vào nhà sẽ đem lại thịnh vượng cho gia chủ. Vì vậy, vợ của các ngư dân ở đây thường giữ mèo đen trong nhà vì tin rằng chúng có thể ngăn chặn mọi điều xấu xảy ra với chồng họ khi trên biển.
Freyja - nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và sự sinh sôi trong thần thoại Bắc Âu - được miêu tả là thường cưỡi trên một chiếc xe kéo bởi mèo.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.