Giọng hát Việt mùa thứ ba đã không còn trở thành tâm điểm có tính chi phối thị trường giải trí như hai lần lên sóng trước. Nhưng với sự hiện diện của Mỹ Tâm cùng Thu Phương, những người quan tâm tới sân chơi này (dù đã rơi rụng nhiều thì cũng còn không ít vì dù sao giờ phát sóng cũng là giờ vàng, ngày vàng) cũng có đủ đề tài bàn tán sau mỗi đêm thi.
Và chủ đề nóng nhất sau đêm chung kết lại không xoay quanh chuyện ai cuối cùng sẽ thắng, mà là: Các huấn luyện viên (HLV) đang làm gì với học trò của mình, trong “cuộc chiến” có tính quyết định?
Cho tới thời điểm này, dư luận có vẻ rất phân tán xung quanh những gì họ được chứng kiến trong đêm chung kết. Ở phần thi được chờ đợi nhất: song ca với HLV, khi các HLV tung ra những chiêu thức mà chắc bản thân họ nghĩ là “thâm hậu” để học trò của mình giành được lợi thế trước đêm công bố kết quả.
Thu Phương và học trò như muốn khẳng định Giọng hát Việt là phải... hát hay. |
HLV không dại gì thử nghiệm
Thu Phương và Hoàng Dũng chứng tỏ họ có thể hát tốt những bài kinh điển nhạc Việt, bằng lối hát mang tính kinh viện, như muốn chứng minh rằng “the Voice” là như thế. Tuấn Hưng và Yến Lê hát nhạc trẻ thời thượng để cùng nhau khoe giọng khủng và lối biểu diễn có phần bụi phủi.
Trong khi đó, Mỹ Tâm và Đức Phúc hát một liên khúc những bài nhạc ABBA đã quá quen thuộc vừa tranh thủ khoe giọng vừa cho thấy khả năng trình diễn sân khấu tưng bừng đầy tính giải trí. Nhưng đỉnh điểm của “diễn” là phần thi của Đàm Vĩnh Hưng và Tố Ny với cả một hoạt cảnh cùng âm nhạc pha trộn dân gian, hiện đại, trong một bài hát mà ca sĩ phải hát những loại nhạc rất... không liên quan tới nhau.
Quan sát qua như vậy có thể thấy Thu Phương và Tuấn Hưng thiên về hướng cho học trò thể hiện giọng hát thuần túy còn Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng thì hướng về lối trình diễn phối hợp hiệu ứng sân khấu. Nếu nhất thiết phải đặt họ lên bàn cân thì ai hơn ai trong những cách thức này?
Câu trả lời cuối cùng rất khó thậm chí dường như là không có. Cho dù chúng ta có đem các phiên bản The Voice khác vào để nói rằng “The Voice” – “Giọng hát” mới là quan trọng, nhưng đừng quên rằng đã là Giọng hát Việt thì điểm quy chiếu phải là thị trường giải trí Việt. Mà thị trường của chúng ta thì chẳng liên quan gì tới Mỹ hay Anh hay Trung Quốc cả.
Ở một môi trường giải trí mà truyền hình chiếm thế thượng phong, khán giả không có nhiều lựa chọn, khán giả đành trút hết sự chờ đợi vào sóng truyền hình, vì thế các chương trình giải trí truyền hình ở ta thường mang tính tạp kỹ là vậy.
Vì khán giả truyền hình thích thế. Người thích âm nhạc chỉ để nghe, thì có khi họ chẳng xem tivi (bởi với chất lượng âm thanh thu và phát live luôn ở mức trung bình yếu thì sao có thể gọi là thưởng thức?). Còn khán giả trẻ nếu có xem, thì việc quan tâm tới giọng hát chỉ chiếm thứ yếu, đứng sau nhu cầu ủng hộ đội của thần tượng hoặc có chút ăn thua khi thích thí sinh này, ghét thí sinh kia với vô vàn các lý do trên trời dưới đất.
Giải trí như cách Mỹ Tâm dàn dựng tiết mục biểu diễn cùng học trò Đức Phúc cũng là một tiêu chí quan trọng của game show truyền hình. |
Các dễ nhất là đem phong cách đặc trưng của mình, áp dụng cho học trò. Không có gì khó hiểu khi Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng chọn các thiên về trình diễn. Bởi họ chính là những nghệ sĩ lấy hình thức biểu diễn là hướng phát triển sự nghiệp chủ yếu, hình mẫu ngôi sao giải trí là bí quyết thành công của họ. Cho dù ít nhất Mỹ Tâm có thể chọn đi theo hướng diva hoặc những dòng nhạc thiên về sáng tạo dù cô có giọng hát hay, nhưng cô không chọn thế mà đi theo hướng giải trí. Hay Đàm Vĩnh Hưng, dù hát đủ loại từ nhạc xưa tới nhạc ngoại, thì hình ảnh anh quán triệt vẫn là một ngôi sao nhiều màu sắc. Họ đã thành công với mô hình đó thì dại gì họ lại đi thử nghiệm cho học trò những điều nằm ngoài tầm quan tâm của mình.
Trong các kỳ thi, người ta vẫn khuyến khích thí sinh làm bài dễ trước bài khó sau, nếu có hết thời gian ít nhất bài dễ còn giúp ta có điểm. Với thi hát, có thể áp dụng công thức này, là làm tốt cái dễ, làm cho nó hay, cho sinh động hấp dẫn còn hơn là lao vào cái khó rồi bị phán xét, bị so sánh không cần thiết.
Thực ra phần thi của Tố Ny với HLV của mình không thể gọi là dễ được, mà là rất khó! Nhưng vì mang tính trình diễn, yếu tố giải trí đặt lên hàng đầu, nên khán giả, ít nhất là của Đàm Vĩnh Hưng, thấy dễ tiếp nhận hơn nhiều, bởi nó cũng giống những gì mà thần tượng của họ đã làm bao năm nay.
Với Mỹ Tâm, phong cách âm nhạc của cô khá đơn giản, cho nên cô chẳng việc gì phải làm phức tạp lên, bởi việc đó cũng đâu có hứa hẹn gì đem lại số phiếu bầu nhiều hơn cho thí sinh đội của cô. Như vậy, những bài này sẽ giúp các fan của hai ca sĩ không cảm thấy xa lạ và sự đồng lòng trong bình chọn sẽ cao hơn.
Còn Thu Phương, cô đã luôn muốn làm những điều khó trong sự nghiệp của mình. Cô hát rất nhiều những bài hát khó và cũng nhiều lần không thành công với những bài nặng ký... Nhưng có lẽ cô và các cố vấn của mình tin rằng làm những cái khó mà người khác không làm, thì ít nhất cũng mang lại phần thi gọi đùa là có tính “hù dọa”, áp đảo đối phương và người nghe, trên tinh thần bài hát đã hay sẵn rồi, chỉ hát tròn trịa là được. Và hát những bài ấy có thể chinh phục được khán giả nằm ngoài khu vực fanbase. Có vẻ cô và Hoàng Dũng cũng làm được phần nào điều đó, dù hai bài hát kinh điển kia lẽ ra không nên được hát một cách hời hợt như vậy.
Tuấn Hưng lại có vẻ rất nhàn, vì anh và học trò của mình chỉ đơn giản hát một bài hit của chính anh, đã quá quen thuộc, như cách anh hát song ca với bất kỳ bạn diễn nào, từ trước tới giờ. Cho nên nếu fan của anh đủ đông thì cuộc đua với Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng sẽ thú vị hơn nhiều.
Cho dù The Voice vẫn luôn là một chương trình hot trên truyền hình ở hầu hết các phiên bản tại nhiều quốc gia, những video được chia sẻ trong các mùa thi nhất là The Voice Mỹ và Trung Quốc thường thu hút rất đông người xem và bình luận, phần nhiều là thán phục những giọng hát vô danh mà lại gây choáng váng vì hát hay quá.
Các HLV - ngôi sao quyết định tới sức hút của Giọng hát Việt thậm chí còn hơn cả thí sinh. |
Nhưng bình tĩnh nhìn lại thì cũng thấy là sau cuộc thi, phần lớn các quán quân The Voice, nhất là Mỹ, đều khá im ắng, họ không có được thành công như những quán quân Idol. Có thể giải thích dựa vào cách vận hành của thị trường giải trí Mỹ, nơi mà các hãng đĩa vẫn giữ vai trò quyết định trong công cuộc lăng–xê một ai đó.
Nhưng cũng có cách hiểu khác là ở một cuộc chơi mà vai chính được dành cho các HLV, và họ có nhiệm vụ tạo ra hoặc những bản sao giống mình, hoặc ít nhất là những gương mặt mới mang dấu ấn của mình, thì khi cuộc thi chấm dứt, khán giả sẽ lại chờ tiếp những ai sắp được đưa vào “lò luyện”, các gà nòi sau khi được luyện xong, nhận giải, về nhà, làm gì thì làm, đã hoàn thành sứ mệnh rồi. Bởi lăng-xê những gương mặt The Voice rất khó, khi lúc nào tên họ cũng bị gắn liền với tên của người đã huấn luyện họ.
Tầm ảnh hưởng của HLV The Voice đến đâu?
Nhưng thực sự thì các HLV kiêm giám khảo kia huấn luyện được bao nhiêu trong hành trình trưởng thành của mỗi thí sinh, khi mà công việc chính các HLV vẫn là đi diễn, đi chạy sô?
Câu hỏi này cũng rất khó có đáp án vì suy cho cùng, thì sự xuất hiện của các HLV vào mỗi cuối tuần trên ghế nóng cùng những tranh cãi, những lời qua đáp lại đôi khi tào lao của họ, có tính hấp dẫn, có ý nghĩa hơn nhiều những gì họ làm được cho các thí sinh. Hiểu được điều đó thì chúng ta sẽ không còn thắc mắc gì vì sao thí sinh này không học được tuyệt chiêu kia của HLV nọ. Không học thì không ai để ý. Học thì thành bản sao. Mà thầy còn đó thì khi nào bản sao mới có cơ hội tỏa sáng. Đó chính là nghịch lý cơ bản khiến các thí sinh The Voice nói chung, không nhất thiết phiên bản Việt, khá chật vật trên con đường tự khẳng định mình sau này.
Các thí sinh cũng không nên quá trông đợi vào những lời hứa giúp đỡ hậu kỳ thi từ các “thầy” của mình. Đơn giản là họ không rảnh. Còn ở trong cuộc thi, việc đưa học trò đi hát cùng cũng mang tính "vui vẻ trẻ trung" là chính. Các thí sinh chưa cần tới môi trường phòng trà hay sân khấu quần chúng để tăng sự dạn dĩ. Mỗi tuần họ thi đã là môi trường khắc nghiệt nhất để tiến bộ rồi.
Có nhiều người đã chán những cuộc thi hát thì thường kêu ca người hát hay ở đâu ra lắm thế mà năm nào cũng thi, nên hoãn lại, thư thư ra cho tài năng kịp chín. Nhưng cũng cần bình tĩnh để thấy là nhân tài ca hát vẫn còn rất đông. Chỉ là mỗi cuộc thi vào mỗi năm đôi khi lại có những tiêu chí khác nhau, cho nên có thể những người bị bỏ sót năm nay lại trở thành vedette của năm sau. Và những cuộc thi như Giọng hát Việt sẽ vẫn có cơ hội để tồn tại và phát triển, có khi còn rầm rộ hơn, bởi đến Á quân của Got Talent Việt còn dám thử làm từ đầu với The Voice Việt, và nhất là cuộc đua trên ngôi quán quân dựa vào cuộc đua của những ngôi sao ăn khách nhất Việt Nam, thì chẳng có lý gì mà nó phải dừng lại.
Ở góc nhìn cá nhân, có người hỏi tôi là thấy Giọng hát Việt năm nay có gì được và không được? Tôi nghĩ rằng cái được hay không được thì chẳng ai có đủ thẩm quyền mà phán, bởi cuộc chơi nào cũng có luật chơi của nó, và nó thu hút những người quan tâm, thích thú với luật chơi ấy.
Cuối cùng thì khán giả mới là người quyết định cuộc chơi ấy có nên được kéo dài hay không. Mà khán giả của The Voice là ai? Đâu phải tự nhiên mà ngay từ đầu The Voice đã xác định phải lấy những ngôi sao hàng đầu về làm HLV? Và cũng không phải những người làm The Voice không thấy được yếu tố “gà nòi” và khả năng bị lu mờ sau cuộc thi của những thí sinh trong cuộc chơi này. Nhưng “luật chơi” là như thế!