Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Mỹ có thể để trường đại học tự phong giáo sư?

Theo nghiên cứu sinh Châu Thanh Vũ, tại ĐH Harvard, xấp xỉ 70% giáo sư trợ lý được phong giáo sư sau 7 năm.

Ở Mỹ, giáo sư không phải chức danh Nhà nước, mà là vị trí được công nhận bởi trường đại học (nơi công tác), đi kèm chế độ đãi ngộ cụ thể.

Trái với quan điểm giá trị của chức giáo sư sẽ bị ảnh hưởng nếu để các trường công nhận chức danh, hệ thống đại học tại Mỹ đã chứng minh tính hiệu quả của việc này qua thời gian.

Hệ thống công nhận giáo sư tại Mỹ

Ở Mỹ, học giả tốt nghiệp tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ (post-doc) sẽ tìm đến vị trí giáo sư trợ lý (assistant professor) hoặc phó giáo sư (associate professor), trong 6-7 năm.

Cuối năm thứ bảy, hội đồng của trường đại học, gồm hiệu trưởng, các trưởng bộ phận/khoa liên quan, đôi khi một số học giả khách mời (ẩn danh) sẽ xét duyệt chức danh giáo sư (full professor) cho ứng viên.

Tại Harvard hiện nay, xấp xỉ 70% giáo sư trợ lý được phong giáo sư sau 7 năm.

phong giao su o harvard anh 1
Nghiên cứu sinh Châu Thanh Vũ, ĐH Harvard, Mỹ. Ảnh: NVCC.

Sau khi được phong chức danh, một số giáo sư sẽ có “tenure” - tạm dịch là biên chế trọn đời. Điều này có nghĩa nhà trường không thể tùy tiện đuổi việc giáo sư nếu không có vấn đề nghiêm trọng (như quấy rối tình dục, gian lận…). Quá trình sa thải phải qua nhiều khâu xét duyệt chặt chẽ.

Mục đích của chính sách biên chế trọn đời là đảm bảo nhà khoa học được thoải mái nghiên cứu những đề tài của mình mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như bất đồng quan điểm, đấu đá nội bộ hay lý do nào khác.

Ngoài ra, tại Mỹ, quyết định phong giáo sư phụ thuộc một phần việc giảng dạy và chủ yếu là nghiên cứu khoa học. Giáo sư có thể làm quản lý (trưởng khoa là một giáo sư), nhưng làm quản lý sẽ không thể được phong giáo sư. Những chức danh chỉ đi dạy (lecturer, adjunct faculty) cũng không thể được xét thành giáo sư.

Bộ trưởng Giáo dục Mỹ có bằng cử nhân, không phải giáo sư

Theo TS Mark Ashwill, người làm công tác quản lý ở Mỹ không cần là giáo sư. Học vị của Bộ trưởng Giáo dục Mỹ hiện nay là cử nhân. Chức danh giáo sư gắn với giảng dạy và nghiên cứu.

Giáo sư gắn với lợi ích nhà trường

Việt Nam không có chính sách tương đương “tenure”, và ý nghĩa của từ “giáo sư” cũng rất khác ở Mỹ. Giáo sư ở Việt Nam thường được hiểu là học hàm hoặc chức danh. Hội đồng chức danh này có thể phong 500, 700, hoặc 1.500 giáo sư.

Ngược lại, tại Mỹ, vì chính sách tenure “khó đuổi việc”, mỗi chức danh giáo sư rất tốn kém cho nhà trường theo nhiều nghĩa.

Thứ nhất, trường đại học phải đảm bảo nghề nghiệp và lương bổng trọn đời cho mỗi giáo sư.

Thứ hai, nếu giáo sư không nghiên cứu hay dạy tốt, chất lượng và danh tiếng của trường bị ảnh hưởng.

Do đó, các trường đại học Mỹ thường rất cẩn trọng khi phong giáo sư. Quá trình xét duyệt chức danh giáo sư thường rất dài, hội đồng xét duyệt đôi khi ẩn danh (để chống tiêu cực). Kết quả phải có quyết định cuối cùng của hiệu trưởng và Hội đồng quản trị.

Không lo mất giá trị của giáo sư

Trước đây, khi ĐH Tôn Đức Thắng muốn tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, nhiều ý kiến lo lắng rằng giá trị của vị trí giáo sư sẽ mất đi nếu trường nào cũng tự bổ nhiệm. Ý kiến này, theo tác giả bài viết, là hoàn toàn không đúng.

Trường nào phong nhiều, tùy tiện, chức danh giáo sư sẽ càng ít giá trị. Tuy cùng chức danh, chất lượng nói chung của các giáo sư dựa vào nơi công tác sẽ có khác biệt.

Đúng là có khả năng sẽ có nhiều giáo sư hơn, đặc biệt là nhiều giáo sư từ các trường top dưới. Điều đó không ảnh hưởng khả năng nhận diện, phân biệt chất lượng giáo sư của xã hội.

Những tranh cãi về số lượng giáo sư không phải mới, cứ vài năm lại là vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm. Có một hệ thống mà tôi nghĩ đã vận hành tốt sau một thời gian dài, đó là để trường tự công nhận chức danh giáo sư của Mỹ.

Đúng là không phải lúc nào cũng có thể "bê y nguyên" vào áp dụng, nhưng cách làm của nước Mỹ có thể học hỏi, vì những lý do nêu trên.

Ngoài ra, tranh cãi lần này phản ánh một vấn đề lớn hơn của giáo dục Việt Nam, đó là xu hướng tập trung hóa mọi quyết định giáo dục của Bộ GD&ĐT: Từ kỳ thi tuyển sinh đại học, sách giáo khoa đồng nhất, giảng dạy tiếng Anh giữa các vùng miền, đến độc quyền được phong chức danh giáo sư.

Các nhà làm chính sách nên nhìn lại và quyết định những lĩnh vực nào phù hợp để quản lý ở cấp bộ, và những lĩnh vực nào nên để trường/địa phương tự chủ.

Nhiều bất cập khi phong hàm giáo sư và phó giáo sư Nhiều người tài hiện ngại việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư vì những vấn đề hành chính và thủ tục rắc rối.

'Bộ trưởng Giáo dục và Y tế không nhất thiết phải là giáo sư'

Theo TS Lê Viết Khuyến, quan chức gắn với giáo sư, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện ham muốn chức danh.

Châu Thanh Vũ

Nghiên cứu sinh ĐH Harvard, Mỹ

Bạn có thể quan tâm