Một trong những điều dễ bắt gặp nhất trong phim Penthouse đang phát sóng, đó là liên tục những cảnh các nhân vật tranh cãi, lớn tiếng, gào thét khi tương tác diễn xuất. Thậm chí, ngay cả khi tình huống câu chuyện chưa đến mức quá gay gắt, kịch tính, các nhân vật đã bắt đầu la hét để "thị uy" hoặc giành ưu thế áp đảo về lời thoại và cách thoại. "Không một tập nào không có cảnh gào thét, quát tháo. Cha mẹ quát con, bạn bè quát nạt nhau, kiểu nào cũng có", một khán giả nhận xét. |
Thực tế, không phải chỉ Penthouse mà bất kỳ tác phẩm truyền hình nào cũng sẽ xuất hiện một vài, hoặc rất nhiều phân cảnh các diễn viên khi tương tác diễn xuất có phần thoại la hét, lớn tiếng khi tranh luận và trò chuyện. Thậm chí, họ có thể vừa quay cảnh đánh nhau vừa gào thét. Những phân cảnh ồn ào trên trở thành một trong những điểm lặp đi lặp lại ở hầu hết phim truyền hình Hàn. |
Thực tế, các cảnh phim trên xuất phát từ đời sống thực của người Hàn Quốc. Người dân xứ kim chi vốn thường nói chuyện với âm lượng lớn, cách nói vồn vã, vội vàng, dễ khiến người ngoại quốc không quen ngôn ngữ lầm tưởng họ đang tranh luận. Thêm vào đó, những du học sinh từng sống ở Hàn đều thừa nhận người dân nước này có bản tính nóng nảy và luôn vội vàng. Do đó, người dân Hàn Quốc dễ lên tiếng la ó nếu có điều gì không vừa ý (dù nhỏ nhặt), chẳng hạn xe ôtô phía trước chạy chậm quá mức hay người phụ nữ chọn đồ ăn ở quầy hàng quá lâu... |
Có không ít học giả trong và ngoài nước từng cố gắng giải thích hoặc đưa ra giả thuyết lịch sử, văn hóa dẫn đến bản tính nóng nảy của người Hàn Quốc. Một số người cho rằng do người dân nước này sống ở vùng đất có đường bờ biển dài nên thường nói to, cử chỉ mạnh mẽ, lâu dần thành thói quen. Một số ý kiến khác cho rằng do người Hàn Quốc có thiên tính bộc trực, ngay thẳng, gặp chuyện bất bình sẽ tỏ ra khó chịu, không che giấu tâm trạng "nghe không thuận tai, nhìn không thuận mắt". |
Ngoài ra, khán giả có thể nhận thấy một "đặc sản" quen thuộc khác trong phim Hàn là hành động vừa giật tóc vừa la hét khi hai người phụ nữ đánh nhau. Lý giải cho điều này, một số ý kiến cho rằng ở thời cổ đại, trang phục hanbok khá vướng víu nên phụ nữ Hàn sẽ dùng tay để "phân cao thấp" là chủ yếu. Kiểu tóc tết đuôi sam sau đó cuốn chặt ở gáy cũng dễ khiến người phụ nữ bị đau nếu để người khác túm lấy. |
Ở thời hiện đại, phụ nữ Hàn Quốc chuộng vẻ ngoài xinh đẹp, khoảng 90% phụ nữ chỉ ra đường khi đã trang điểm, làm tóc. Vì vậy, việc giật tóc, làm xô lệch trang phục khi đánh nhau cũng được coi như một phương pháp hạ thấp danh dự đối thủ. |
Không ít khán giả Việt nhận xét rằng việc các diễn viên phim Hàn thường thoại với âm lượng lớn, dày đặc các phân cảnh quát tháo, la hét, khiến người xem dễ mệt mỏi khi theo dõi câu chuyện. Tuy nhiên, việc nói to hay bộc lộ tính cách nóng nảy không phải là màn thể hiện cường điệu hóa trong phim mà đó là một phần thực tế đời sống của người dân xứ sở kim chi. |