Ngày 28/5, luật sư David Hickton ở bang Pennsylvania, đưa ra 35 bản cáo trạng, trong số đó, danh tính của những người tuổi từ 19 đên 26 có liên quan đã được xác định.
Trong số đó, 10 bị cáo hiện sống tại các bang California, Wisconsin, Oregon, Pennsylvania, Virginia và Massachusetts. Cảnh sát đã bắt một người ở bang Massachusetts. Tòa án cũng gửi lệnh triệu tập đến 9 người ở Mỹ và hai người khác ở Trung Quốc, theo AP.
Mỹ vừa truy tố 15 người Trung Quốc vì tội gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Ảnh: AFP. |
Để có thể vào các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, nhiều người chi khoảng 6.000 USD thuê người thi hộ. Họ liên hệ qua Internet và các công cụ trò chuyện trực tuyến. Hộ chiếu giả được làm ở Trung Quốc, sau đó chuyển sang Mỹ qua đường bưu điện.
Bồi thẩm đoàn thành phố Pittsburgh truy tố các bị cáo - người thuê và người thi hộ - tội thông đồng làm giả hộ chiếu và lừa đảo.
Các vụ thi hộ diễn ra từ năm 2011 đến năm 2014. Công tố viên từ chối cung cấp tên trường đại học có thí sinh thi hộ và đang tiếp tục điều tra vụ việc.
"Tôi cho rằng, số vụ gian lận còn nhiều hơn và không chỉ giới hạn ở du học sinh Trung Quốc. Trước đây, chúng tôi từng phát hiện trường hợp là công dân Ả Rập", ông Hickton nói.
Ông Robert Schaeffer, Giám đốc Chương trình Giáo dục công, lo ngại, nhiều sinh viên trong và ngoài nước gian lận trong kỳ thi tuyển sinh của các trường đại học Mỹ.
"Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi", ông nói.
Ông cho biết trên AFP, nhiều thí sinh đã gian lận trong bài thi SAT ở châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Áp lực giành điểm cao để trúng tuyển các trường đại học ở Mỹ của sinh viên châu Á rất lớn. Vì thế, họ và gia đình thường chọn cách gian lận", ông nói.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế, người Trung Quốc chiếm phần lớn trong số các du học sinh tại Mỹ, với 274.439 người trong năm học 2013 - 2014, chiếm 31% số sinh viên quôc tế. Ấn Độ là nước đứng thứ hai với 11,6%. Hàn Quốc đứng thứ ba, chiếm 7,7%.
Đặc vụ John Kelleghan thuộc Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ, cho biết, bị cáo không chỉ gian lận để trúng tuyển mà còn vi phạm luật về thị thực.
5 sinh viên đã bị buộc tội thi hộ và 15 người khác phạm tội thuê người thi hộ với mức giá từ 500 USD đến 3.600 USD, New York Times đưa tin.
Ông Schaeffer cũng cho rằng, hai tổ chức College Board và Educational Testing Service đang tồn tại "các vấn đề về an ninh thi cử trong những kỳ thi toàn cầu". Việc sử dụng lại bài kiểm tra giống nhau tại khu vực thuộc múi giờ khác nhau là một trong số những vấn đề đó.
Theo ông, sự xuất hiện của camera siêu nhỏ, các công cụ nhắn tin nhanh, trang web đen và công nghệ cao khác, cho phép sao chép và truyền tải thông tin nhanh chóng, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xảy ra thường xuyên.