Chiều 29/11, Bộ Y tế công bố một nam tiếp viên hàng không dương tính với virus SARS-CoV-2 (bệnh nhân 1342). Người này cách ly tập trung tại khu cách ly do Hãng hàng không Vietnam Airlines quản lý từ ngày 14 đến 18/11.
Đáng chú ý, sau khi có 2 lần xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh Covid-19, bệnh nhân được cho về cách ly tại nhà. Tuy nhiên, sáng 28/11, kết quả xét nghiệm lần 3 khẳng định nam tiếp viên dương tính với SARS-CoV-2.
Theo tiến sĩ Lê Văn Duyệt, Trưởng phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), trường hợp bệnh nhân phải tới lần thứ 3 mới cho kết quả dương tính khá thường gặp.
Tiến sĩ Lê Văn Duyệt cho biết việc xét nghiệm lần 3 mới có kết quả dương tính với virus đến từ 3 nguyên nhân. Ảnh: Quốc Toàn. |
Nguyên nhân của tình trạng này đến từ 3 yếu tố: số lượng virus, thời gian ủ bệnh và công tác lấy mẫu xét nghiệm.
"Để có kết quả xét nghiệm dương tính, cơ thể bệnh nhân phải chứa một lượng virus ở ngưỡng nhất định. Ngoài ra, SARS-CoV-2 thường tồn tại ở đường hô hấp dưới, kết hợp cơ chế cụ thể khiến kết quả xét nghiệm có thể bị sai lệch", tiến sĩ Duyệt giải thích.
Đặc biệt, kết quả xét nghiệm trong thời gian ủ bệnh thường là âm tính. Tuy nhiên, thời gian này kéo dài bao lâu lại phụ thuộc vào cơ thể của từng bệnh nhân. Nhiều trường hợp chỉ ủ bệnh trong 5-10 ngày, một số khác có thể lên tới một tháng.
Bên cạnh đó, tải lượng virus ban đầu xâm nhập vào cơ thể nhiều hay ít cũng sẽ quyết định thời gian ủ bệnh. Thông thường, thời gian ủ bệnh khoảng 14 ngày. Do đó, những người có nguy cơ mắc bệnh buộc phải cách ly từ 14 ngày trở lên để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác nhất và an toàn cho cộng đồng.
Theo tiến sĩ Duyệt, công tác lấy mẫu cũng ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét nghiệm. Khi mẫu bệnh phẩm được lấy không đúng kỹ thuật, vị trí hoặc sai thời điểm, kết quả xét nghiệm có thể sai sót.
"Theo quy định, việc lấy mẫu bệnh phẩm phải có đủ 2 loại bao gồm dịch hầu họng (ở họng) và dịch tỵ hầu (ở mũi). Khi lấy dịch họng, nhân viên y tế phải quét được vùng amidan phía dưới. Que lấy dịch mũi phải được đưa vào sâu khoảng 8-10 cm, vị trí bông tới gần mang tai mới có thể quét được dịch tỵ hầu", ông chia sẻ.
Do đó, nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm nếu chỉ quét qua vòm họng hoặc đưa que chọc quá thấp, không đúng vị trí khi lấy dịch mũi sẽ khiến kết quả xét nghiệm không chính xác.