Liên quan đến vụ thảm sát 6 người ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) trong gia đình ông Lê Văn Mỹ, ngày 10/8, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã bắt Trần Đình Thoại (27 tuổi, ở Vĩnh Long) để điều tra hành vi Giết người, Cướp tài sản. Thoại được cho là nghi can thứ 3 trong vụ án.
Trước khi án mạng xảy ra vào rạng sáng 7/7, Nguyễn Hải Dương rủ Thoại cùng tham gia và được thanh niên này đồng ý. Thấy Dương mang hung khí đến, một người thân của Thoại đã ngăn cản nên kế hoạch không như dự định.
Thiếu người thực hiện, Dương trở về khu trọ ở xã Nhị Bình rủ Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước). Thấy bạn nói đến nhà ông Mỹ để cướp tài sản, sẽ có rất nhiều tiền nên Tiến đồng ý.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đến hiện trường sau khi xảy ra thảm án. Ảnh: Ngọc An. |
Ông Thơm phân tích, theo điều 19 Bộ luật hình sự (BLHS), tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Mặt khác, Nghị quyết số 1-89/HĐTP ngày 19/4/1989 hướng dẫn việc áp dụng một số quy định của BLHS về tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải thỏa mãn các dấu hiệu như sau:
Để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 19 BLHS, người đồng phạm giúp sức phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm.
Luật sư nhấn mạnh người giúp sức chỉ được miễn trách nhiệm theo Điều 19 BLHS trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra. Nếu những việc làm của người giúp sức không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trần Đình Thoại. Ảnh: Facebook nhân vật. |
"Người giúp sức chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi đó nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác mà họ đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm", ông Thơm nói.
Với các dấu hiệu trên, luật sư Thơm cho rằng trong vụ án này nghi can Trần Đình Thoại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người và Cướp tài sản với vai trò đồng phạm.
- Rạng sáng 7/7, Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) đột nhập vào nhà ông Lê Văn Mỹ gây ra vụ thảm án khiến 6 người trong gia đình ông này tử vong.
- Ba ngày sau, Dương và Tiến lần lượt bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt để làm rõ hành vi Giết người, Cướp tài sản. Kẻ chủ mưu được xác định là Dương, Tiến là người giúp sức.
- Tại buổi họp báo giới chiều 11/7, đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc công an tỉnh Bình Phước cho biết, trong một tháng, các ngành chức năng sẽ đưa vụ án ra xét xử lưu động để răn đe tội phạm.
- Ngày 10/8, nghi can thứ 3 liên quan đến vụ án là Trần Đình Thoại (27 tuổi, ở Vĩnh Long) bị bắt để điều tra hành vi Giết người, Cướp tài sản. Hiện vụ án vẫn chưa được thực nghiệm hiện trường.