Trong 2020, điện ảnh Hàn Quốc chứng kiến xu hướng mới khi những bộ phim với nhân vật trung tâm là người cao tuổi nhận được sự quan tâm từ phía khán giả.
Như tác phẩm An Old Lady kể về câu chuyện của người phụ nữ 69 tuổi là nạn nhân của xâm hại tình dục. Phim khép lại với cái kết mở. Lim Sun Ae, tác giả của bộ phim, cho biết cái kết là cách để cô thể hiện thông điệp: “Cuộc sống vẫn tiếp diễn dù người ta đã ở bên kia con dốc cuộc đời”.
“Bộ phim không nói về cách người ta phải kính trọng hay quan tâm chăm sóc người già, mà tập trung vào chuyến hành trình hai người cao tuổi nhận ra phẩm giá của bản thân và giúp đỡ lẫn nhau”, đạo diễn Sun Ae chia sẻ tại sự kiện họp báo tổ chức hồi tháng 8 trước khi An Old Lady được phát hành.
Hình ảnh trong bộ phim gai góc An Old Lady. Ảnh: HanCinema. |
Những bộ phim từ góc nhìn của người cao tuổi
Theo Korean Herald, tại Hàn Quốc trong năm nay, có ba bộ phim lựa chọn người cao tuổi làm nhân vật trung tâm của câu chuyện. Chùm tác phẩm mang đến những câu chuyện về nhóm nhân vật thường bị liệt vào diện thiểu số trên màn ảnh.
Bộ phim đầu tiên là An Old Lady với vai chính thuộc về Ye Su Jeong. Nữ diễn viên 65 tuổi vào vai Hyo Jung - người phụ nữ cao tuổi tìm cách chứng minh mình là nạn nhân của một tội ác tình dục. Khi tới bệnh viện trị bệnh, bà đã bị một nam y tá 29 tuổi cưỡng hiếp.
Na Moon Hee lần đầu đóng phim hài - hành động dù bà đã gần 80 tuổi. Ảnh: Cine21. |
Một tác phẩm khác mới ra rạp hôm 2/9 là bộ phim hài - hành động Oh! My Gran. Vai chính trong phim được giao cho tên tuổi gạo cội Na Moon Hee. Nữ diễn viên 78 tuổi là gương mặt quen thuộc với khán giả qua những vai người bà, người mẹ trong nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình.
Nữ diễn viên Na Moon Hee chia sẻ dù từng góp mặt trong nhiều bộ phim ăn khách như Miss Granny (2014) hay I Can Speak (2017), đây mới là lần đầu tiên bà vào vai chính trong một phim hài - hành động sau gần sáu thập kỷ tham gia diễn xuất.
Trong phim, bà vào vai nhân chứng duy nhất của một vụ tông người rồi bỏ chạy mà cháu gái mình là nạn nhân. Nhân vật sau đó đã giúp cậu con trai Doo Won (Lee Hee Joon) truy đuổi kẻ gây án.
Theo lời đạo diễn Jung Se Kyo, nữ diễn viên đã tự thực hiện nhiều cảnh hành động tưởng chừng bất khả thi đối với những người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” như trèo cây hay lái máy cày.
The Story of an Old Couple là bộ phim dựa trên vở kịch nói cùng tên. Ảnh: Cine21. |
Cuối cùng là tác phẩm The Story of an Old Couple. Được thực hiện dựa trên nội dung vở kịch nói cùng tên công diễn hồi 2003, bộ phim mô tả mối quan hệ lãng mạn giữa một người phụ nữ đã mất chồng và một người đàn ông không còn vợ ở độ tuổi 60.
Không giống những bộ phim trước đây thường tập trung khai thác khó khăn trong cuộc sống của người già, cũng như nhắn nhủ con cháu phải chăm sóc ông bà cha mẹ, chùm tác phẩm mới trong 2020 của điện ảnh Hàn đặt người cao tuổi vào vị trí trung tâm. Họ được mô tả như những cá nhân độc lập, có tiếng nói riêng, thay vì chỉ là một phần của hậu cảnh.
Xu hướng phản ánh thay đổi trong cơ cấu xã hội
Nhà phê bình điện ảnh Kim Kyung Wook nhận xét xu hướng phần nào phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu nhân khẩu học khi Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất thế giới.
“Việc người cao tuổi trở thành nhân vật chính trong các bộ phim thương mại cho thấy một lượng không nhỏ khán giả tới rạp xem phim đã ở độ tuổi trung niên hoặc đang phải đối mặt với vấn đề tuổi tác. Họ có sự đồng cảm với những gì xảy ra trên màn ảnh”, Kim Kyung Wook trả lời The Korea Herald.
Theo dữ liệu từ CGV, một trong ba chuỗi cụm rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc, trong năm 2015, 7% khán giả tới rạp xem phim thuộc độ tuổi 50. Hồi tháng 5, nhóm khán giả này chiếm gần 14% lượng người xem.
Bà Ye Su Jeong tại sự kiện ra mắt bộ phim An Old Lady. Ảnh: Osen. |
Nữ diễn viên Ye Su Jeong chia sẻ bà quyết định tham gia An Old Lady bởi phim không xây dựng người cao tuổi như một nhóm yếu thế trong cơ cấu dân số với những định kiến chung chung. Thay vào đó, cuộc sống của họ trên phim được khám phá như một con người độc lập với những màu sắc độc đáo riêng.
“Cũng như bao người trẻ tuổi khác, người già chúng tôi có những suy nghĩ riêng và đời sống độc đáo”, bà Su Jeong phát biểu tại sự kiện ra mắt phim, đồng thời nhấn mạnh việc cần có thêm nhiều tác phẩm mô tả cuộc sống của người cao tuổi theo những cách khác nhau.
Câu chuyện về người già không chỉ hấp dẫn khán giả trung niên. Hôm 6/9, dữ liệu cho thấy 64% khán giả mua vé theo dõi An Old Lady trên cổng bán vé trực tuyến của Naver nằm ở lứa tuổi 20 và 27% thuộc lứa tuổi 30. Với Oh! My Granny, lượng người nằm trong độ tuổi 20 và 30 chiếm 74% tổng số khán giả tới rạp.
“Thưởng thức bộ phim, tôi nhận ra độ tuổi của nhân vật Hyo Jung không hề quan trọng. Khi Hyo Jung đã quyết tự lực tự cường, không ai, hay bất cứ điều gì có thể ngăn cản bà ấy bảo vệ phẩm giá của mình”, một người dùng mạng xã hội ở độ tuổi 20 bình luận về An Old Lady.