Ngày 3/4, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất Hàn Quốc sẽ rời khỏi đất nước mãi mãi. "Ngôi sao" này đã thống trị mạng xã hội, có hàng chục nghìn người hâm mộ đổ xô đến để được gặp gỡ và mọi hàng hóa độc quyền có in hình đều cháy hàng.
Siêu sao này là ai? Đó không phải là người, mà là Fu Bao, con gấu trúc đầu tiên được sinh ra và nuôi dưỡng ở Hàn Quốc. Trung Quốc "cho mượn" tất cả gấu trúc, kể cả những con sinh ra ở nước ngoài nên tất cả đều phải hồi hương sau 4 năm. Công chúng Hàn Quốc sẽ sớm phải nói lời chia tay với chú gấu.
Fu Bao nổi tiếng khắp cả Hàn Quốc đến nỗi nếu mở KakaoTalk, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại xứ kim chi, ai cũng có ít nhất một tấm hình chú gấu. Fu Bao cũng thống trị tin tức, YouTube, mạng xã hội như Instagram và X (trước đây là Twitter) và cuộc trò chuyện hàng ngày của người Hàn, theo JoongAng.
"Siêu sao" Fu Bao
Park Hee-jin, sinh viên và là người hâm mộ Fu Bao cuồng nhiệt đang điều hành một tài khoản trên Instagram dành riêng cho gấu trúc, cho biết: "Những con vật khác cũng đáng yêu nhưng chúng sinh ra ở bên ngoài Hàn Quốc, nhưng Fu Bao thì khác. Chúng tôi gặp nó khi nó vẫn còn nhỏ xíu và chứng kiến toàn bộ quá trình trưởng thành của chú gấu. Tôi nghĩ đó là lý do người Hàn Quốc yêu thích Fu Bao đến vậy".
Chỉ riêng trên Instagram, hashtag "Fu Bao" bằng tiếng Hàn đã có hơn 163.000 bài đăng.
"Tôi từng là fan của các thần tượng Kpop. Ý thức cộng đồng cũng như cách mọi người tương tác trên mạng xã hội về Fu Bao cũng tương tự như cách chúng tôi làm 'deokjil'", Park nói.
Người Hàn tiếc nuối vì sắp chia tay Fu Bao. Ảnh: VCG. |
'Deokji" là từ ghép của một từ tiếng Hàn bắt nguồn từ thuật ngữ "otaku" trong tiếng Nhật, đề cập đến việc tham gia vào một sở thích hoặc văn hóa nhóm nhất định. "Deokjil" chủ yếu được sử dụng trong Kpop.
Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik cho biết: "Phạm vi và chủ đề của văn hóa 'deokjil' đã mở rộng ra ngoài con người và điều này đã tác động đến sự phổ biến chưa từng có của Fu Bao".
Việc con gấu được sinh ra ở Hàn Quốc đã dẫn đến hiệu ứng sở hữu. Ngoài ra, nội dung liên quan đến Fu Bao đã được công viên Everland tích cực sản xuất, chia sẻ và quảng bá. Điều này đã góp phần đưa nó trở thành ngôi sao.
Lee Soo-hyun, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Đôi mắt tròn xoe, chuyển động lắc lư của gấu trúc khổng lồ giống như trẻ sơ sinh và các yếu tố tương tự khác dẫn đến cái mà chúng tôi gọi là 'baby schema'".
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần chỉ ra rằng "baby schema" và sự tương tác với nội dung dễ thương có thể làm giảm trầm cảm và lo lắng.
Cơn sốt thú cưng
Ngoài Fu Bao, nhiều nhân vật nổi tiếng khác tại Hàn Quốc cũng đến từ các vườn thú như hổ Geon-gon, Tae-ho và gấu trúc đỏ Lea. Điều này có liên quan đến tình yêu động vật, cơn sốt thú cưng tại Hàn.
Theo báo cáo thường niên của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn, năm ngoái, tổng số người nuôi chó hoặc mèo tại nhà lên tới 6,02 triệu hộ gia đình và khoảng 13 triệu cá nhân, tăng 65% so với một thập kỷ trước.
Gấu trúc khổng lồ Fu Bao được chăm sóc tại công viên Everland của Hàn Quốc. Ảnh: EPA-EFE. |
"Petconomy" (nền kinh tế thú cưng), từ ghép giữa "pet" (thú cưng) và "economy" (nền kinh tế), đã xuất hiện ở Hàn Quốc, nơi thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho thú cưng đạt 8.000 tỷ won (5,93 tỷ USD) vào năm ngoái và vẫn đang tăng trưởng với tốc độ ổn định 10%/năm, theo Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc.
Theo một loạt nghiên cứu và báo cáo từ các nhà xã hội học và kinh tế, xu hướng nhân khẩu học của các hộ gia đình độc thân ngày càng nhiều, ít kết hôn hơn và tỷ lệ sinh con giảm cũng góp phần làm tăng sự phổ biến của thú cưng.
"Chú chó giống như gia đình của tôi", một người nuôi chó và cư dân ở Mangwon-dong, quận Mapo, phía tây Seoul - khu vực có tỷ lệ chủ nuôi thú cưng, cửa hàng thú cưng và công viên cao, cho biết. "Tôi nghĩ ngày càng có nhiều người có ý thức về động vật và nhận ra rằng các gia đình truyền thống chỉ có con người không phải là lựa chọn duy nhất".
Thế nhưng, tại Hàn Quốc, thái độ và cách đối xử với động vật không phải lúc nào cũng tốt. Một số quan điểm cho rằng vườn thú là cơ sở ngược đãi động vật vì bản chất của việc nhốt, trưng bày gấu trúc, hổ và những loài khác chỉ nhằm mục đích giải trí cho con người. Hàng chục nghìn trường hợp động vật được nhận làm thú cưng rồi bị bỏ rơi tràn ngập trên mạng xã hội và tin tức.
Câu chuyện về Sakura, con voi gốc Thái Lan đã qua đời đầu năm nay tại vườn bách thú Seoul, khiến nhiều người đau lòng. Sakura bị tách khỏi gia đình khi mới 7 tháng tuổi và được nhận vào một gia đình voi tại sở thú ở Nhật Bản, nhưng cũng sớm mất mẹ nuôi và anh trai.
Khi vườn thú Nhật Bản đóng cửa vào năm 2003, Sakura đã được chuyển đến vườn thú Seoul nhưng không hòa hợp với người bạn đời dự định của mình. Sau gần 6 thập kỷ phải chuyển nhà và trải qua sự cô đơn, Sakura qua đời hôm 13/2.
Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik cho biết sự nổi tiếng của Fu Bao có thể liên quan đến vấn đề tổng thể là đối xử tốt hơn với động vật, nhưng quyền động vật vẫn là chủ đề nóng tại Hàn Quốc.
"Fu Bao được đối xử rất tốt và được yêu mến nên nhiều người có thể tham gia để bày tỏ sự gắn bó của mình. Sau Fu Bao, chúng ta cần biết phải làm gì để có thể quan tâm và đối xử tốt hơn với động vật khác trong tương lai", ông Kim nói.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.