Phần lớn đời sống ở Hàn Quốc diễn ra trên KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất đất nước này. 97,5% người dân dùng Kakao bởi nó miễn phí và tiện lợi. Nhiều công ty cũng sử dụng nền tảng này để trao đổi công việc, theo Channel News Asia.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây thực hiện bởi công ty nghiên cứu Opensurvey cho thấy hơn một nửa người lao động trẻ sinh sau năm 1981 cảm thấy không thoải mái khi dùng Kakao cho công việc.
58% người trẻ tham gia khảo sát giải thích rằng họ không thích đời sống cá nhân và những vấn đề liên quan nghề nghiệp bị xen lẫn.
Giới trẻ Hàn Quốc muốn rạch ròi đời tư và công việc. Ảnh: Pixabay. |
Giữ khoảng cách
Thái độ này không có gì mới khi trong những năm gần đây, tại Hàn Quốc đã có những lời kêu gọi tách biệt công việc và cuộc sống.
Nhiều người Hàn phàn nàn về môi trường làm việc căng thẳng và phải túc trực bên điện thoại 24/24 bởi tin nhắn liên quan đến công việc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc năm 2016, hơn 7/10 người cho biết họ bị giao việc sau giờ hành chính. Phần lớn cảm thấy căng thẳng hơn vì tình trạng này.
Người trẻ Hàn Quốc thường theo chủ nghĩa cá nhân và ít quan tâm tới văn hóa cư xử cũ. Trước đây, mọi người ở lại nơi làm muộn ngay cả khi đã xong việc và đi uống rượu cùng nhau sau giờ làm.
Với các bạn trẻ xứ kim chi, việc xóa nhòa ranh giới giữa công việc và đời tư có thể tạo ra những tình huống khó xử. Điển hình, những người lớn tuổi ở Hàn nổi tiếng tọc mạch với cuộc sống cá nhân và kế hoạch sự nghiệp của mọi người.
Nhiều khi, người trẻ phải cố gắng che giấu càng nhiều thông tin cá nhân càng tốt nhằm tránh gợi sự tò mò của đồng nghiệp và duy trì hình ảnh chuyên nghiệp.
Người Hàn Quốc đối mặt với tình trạng căng thẳng 24/24 bởi tin nhắn công việc có thể tới bất cứ lúc nào. Ảnh: Bloomberg. |
Việc nhìn vào một ứng dụng nhắn tin riêng tư và thấy nhóm chat đầy đồng nghiệp cũng gây ra sự khó chịu. Nhiều người có thể gửi nhầm tin nhắn cho bạn bè, người yêu vào nơi trao đổi công việc, gây ra những sự cố đáng xấu hổ.
Dù nguy cơ trên không phải vấn đề lớn, không thể phủ nhận xu hướng rằng người trẻ Hàn Quốc đang tạo ra một bức tường ngăn cách công việc và đời tư.
Gần một nửa số người tham gia khảo sát của cổng thông tin tìm việc làm Saramin cho biết họ cố tình giảm thiểu tương tác xã hội tại nơi làm. Phần lớn số đó thuộc về thế hệ Millennials (những người sinh năm 1981-1996).
Xu hướng này gần như là tất yếu khi số giờ làm việc tại Hàn Quốc đứng đầu các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và ngày càng nhiều người trẻ nhận thức được nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm lý - xã hội cho bản thân.
Giải pháp
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đang cân nhắc hạn chế sử dụng mạng xã hội cho các trao đổi về công việc.
Các chuyên gia nghiên cứu vấn đề này cho rằng các công ty cần thiết lập hệ thống chỉ dẫn về cách giao tiếp qua ứng dụng nhắn tin để nhân viên thực hiện theo.
Đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho những thói quen làm việc không lành mạnh khi ngôi nhà trở thành nơi làm bất kể ngày đêm. Điều này đòi hỏi các công ty phải quan tâm hơn tới nhân viên của họ.
Một bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review khẳng định: "Để duy trì lợi ích xã hội của những công cụ làm việc từ xa cũng như giảm thiểu sự xao lãng và sức khỏe tinh thần đi xuống của nhân viên, các tổ chức nên xác định rõ kỳ vọng trong việc trao đổi qua tin nhắn".
Trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu tách biệt giữa cuộc sống và công việc ngày càng lớn. Ảnh: Rest of World. |
Một bước để đạt được điều đó là khuyến khích người lao động đăng xuất khỏi ứng dụng nhắn tin và khuyên đồng nghiệp không nhắn tin khi họ đang ngoại tuyến hoặc đi vắng.
Tuy quyết liệt, biện pháp này sẽ có lợi cho doanh nghiệp về lâu dài. Theo một nghiên cứu năm 2020 tại Anh, trái với lo lắng rằng người lao động sẽ kém siêng năng hơn khi làm việc từ xa, nhà là nơi nhân viên sẽ làm việc nhiều giờ hơn. Tuy vậy, điều này để lại hệ quả về sức khỏe tinh thần và năng suất.
Để duy trì mô hình làm việc từ xa hiệu quả, cần biết lúc nào bật và tắt công tắc. Nghiên cứu tại Anh cho biết: “Năng suất phụ thuộc vào việc người lao động có thể tập trung vào lúc thích hợp và thư giãn sau đó để duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”.
Tuy nhiên, việc rạch ròi giữa công việc và đời tư ngày càng khó khăn. Khi đại dịch biến làm việc tại nhà thành tình trạng phổ biến, mọi người phải gánh vác nhiều trách nhiệm khác nhau và khái niệm "giờ làm việc" không còn một định nghĩa rõ ràng.
Trong bối cảnh tại Hàn Quốc, một giải pháp khả thi là sử dụng những nền tảng khác như Telegram hoặc Whatsapp để trao đổi công việc và KakaoTalk chỉ để liên lạc với bạn bè, gia đình.
Sự phản kháng của giới trẻ Hàn Quốc đối với việc trộn lẫn công việc và đời tư là một dấu hiệu phát triển lành mạnh, cho thấy cần phải có sự phân biệt chặt chẽ với nơi làm và nhà.
Nhiều người hy vọng sự tách biệt mới này sẽ không cắt đứt cơ hội kết bạn giữa các đồng nghiệp.