Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Nhật Bản phải tái định nghĩa tội hiếp dâm

Khi Kaneko Miyuki trình báo bị tấn công tình dục lúc 7 tuổi, cô đã bị cười nhạo. "Tôi đã rất sợ hãi. Họ không nghĩ đó là chuyện nghiêm túc".

Quốc hội Nhật Bản thông qua một loạt dự luật liên quan đến tội phạm tình dục hôm 16/6.

Cuộc điều tra sau đó làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Sau khi bị thẩm vấn, Kaneko được đưa trở lại hiện trường mà không có người giám hộ đi cùng, trái với quy định hiện tại, theo CNN.

Cảnh sát chưa bao giờ đưa kẻ tấn công cô ra trước công lý. Toàn bộ trải nghiệm khiến Kaneko tổn thương đến mức không dám chấp nhận sự thật rằng mình đã bị tấn công tình dục cho đến khi 40 tuổi.

Kaneko là một trong vô số phụ nữ Nhật Bản nói rằng các vụ tấn công và lạm dụng tình dục bị bỏ qua vì họ "không phù hợp với tiêu chuẩn" của một nạn nhân. Theo cuộc khảo sát năm 2020 của chính phủ Nhật Bản, khoảng 95% những người sống sót không bao giờ trình báo vụ tấn công với cảnh sát và gần 60% không bao giờ nói với bất kỳ ai.

Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi. Hôm 16/6, quốc hội Nhật Bản đã thông qua một loạt dự luật sửa đổi luật tội phạm tình dục của nước này, từ lâu bị chỉ trích là lỗi thời và hạn chế.

Luật mới mở rộng định nghĩa về hiếp dâm để nhấn mạnh hơn vào khái niệm đồng thuận; giới thiệu luật quốc gia chống chụp ảnh khiêu dâm bằng camera ẩn; và nâng độ tuổi đồng thuận tình dục lên 16. Độ tuổi đồng thuận trước đây là 13, thuộc hàng thấp nhất ở các nước phát triển.

Luật mới đánh dấu chiến thắng lớn cho những người sống sót sau vụ tấn công tình dục và các nhà hoạt động, một số người trong số này đã dành hàng chục năm để kêu gọi thay đổi.

Khái niệm đồng thuận

Một trong những cải cách lớn nhất được thông qua hôm 16/6 là thay đổi ngôn ngữ được sử dụng để định nghĩa hiếp dâm nhằm nhấn mạnh hơn vào khái niệm đồng thuận.

Hiếp dâm trước đây được định nghĩa là "cưỡng ép quan hệ tình dục" được thực hiện "thông qua tấn công hoặc đe dọa", bao gồm cả việc lợi dụng "tình trạng bất tỉnh hoặc không có khả năng chống cự" của nạn nhân.

Luật trước đây cũng đã yêu cầu bằng chứng về "ý định phản kháng".

toi pham tinh duc anh 1

Luật mới tái định nghĩa tội hiếp dâm và nâng tuổi đồng thuận quan hệ tình dục.

Nhưng các nhà hoạt động lập luận rằng điều này quá khó để chứng minh trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi nạn nhân có phản ứng "đóng băng" (freeze response) hoặc quá sợ hãi để chống cự.

Tadokoro Yuu, đại diện của nhóm vận động Spring, cho biết luật đã không khuyến khích các nạn nhân đứng ra tố cáo do sợ hung thủ sẽ được trắng án, nếu tòa án không tìm thấy đủ bằng chứng kháng cự.

Luật mới thay thế "cưỡng ép quan hệ tình dục" bằng "quan hệ tình dục không có sự đồng thuận". Luật mới cũng mở rộng định nghĩa về hành hung, bao gồm các nạn nhân dưới ảnh hưởng của rượu hoặc ma túy, những người bị rối loạn tâm thần hoặc thể chất, bị kẻ tấn công đe dọa về kinh tế hoặc địa vị xã hội và cả những người không thể lên tiếng phản kháng do bị sốc hoặc các "phản ứng tâm lý" khác.

Bản án gây phẫn nộ

Những thay đổi lớn khác bao gồm tăng tuổi đồng thuận tình dục lên 16 tuổi, ngang bằng với nhiều tiểu bang của Mỹ và các quốc gia châu Âu như Anh, Phần Lan và Na Uy.

Các sửa đổi cũng mở rộng biện pháp bảo vệ cho trẻ vị thành niên, lần đầu tiên coi "grooming" (chuỗi hành vi thao túng và xây dựng mối quan hệ với mục đích lạm dụng tình dục) là một tội ác.

Luật mới cũng hình sự hóa các hoạt động như yêu cầu những người dưới 16 tuổi cung cấp hình ảnh khiêu dâm hoặc yêu cầu thăm trẻ vị thành niên vì mục đích tình dục.

Những thay đổi về pháp lý giúp việc truy tố người bị cáo buộc chụp hoặc phát tán ảnh có tính chất tình dục mà đối tượng không hề hay biết hoặc đồng ý - một vấn đề nóng ở Nhật Bản - trở nên dễ dàng hơn.

Nakayama Junko, luật sư và là thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Human Rights Now, cho biết những sửa đổi này được xây dựng dựa trên thành quả của cả một thế hệ các nhà hoạt động.

"Đó không chỉ là một phong trào đã diễn ra trong 50 năm, mà còn là tiếng nói đã được lắng nghe trong nhiều thập kỷ", bà nói.

toi pham tinh duc anh 2

Các thành viên của Spring, với Kaneko Miyuki ở giữa, trong một cuộc họp báo.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 2019 khi một số vụ hiếp dâm nổi tiếng được tuyên bố trắng án tại Nhật Bản.

Trong trường hợp gây tranh cãi nhất, một người cha đã được tha bổng sau khi cưỡng hiếp con gái 19 tuổi của mình ở thành phố Nagoya. Tòa án công nhận rằng quan hệ tình dục là không có sự đồng thuận, người cha đã sử dụng vũ lực và lạm dụng thể xác, tình dục con gái.

Tuy nhiên, các thẩm phán lại lập luận rằng cô gái có khả năng chống cự nhưng không thực hiện.

Việc người cha được trắng án đã gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Phụ nữ từ Tokyo đến Fukuoka xuống đường trong nhiều tháng và kêu gọi thay đổi luật pháp.

Cuối cùng, tuyên bố trắng án đối với người cha đã bị tòa án tối cao của Nhật Bản hủy bỏ.

Con đường dài phía trước

Cả hai tổ chức phi lợi nhuận mà CNN phỏng vấn đều nhận định luật mới là bước tiến quan trọng, nhưng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nakayama cho biết nếu so với các quốc gia phát triển khác, Nhật Bản vẫn chưa hiểu rõ về tình dục và sự đồng thuận.

"Những nơi khác sửa luật để phản ánh tâm lý 'Yes means yes' - nghĩa là các đối tác tình dục nên tìm kiếm sự đồng thuận rõ ràng, bất kể động thái nào ngoài 'yes' đều có nghĩa là không đồng thuận. Trong khi đó, Nhật Bản mới chỉ dừng ở mức 'No means no'".

Đồng ý với quan điểm này, Tadokoro, đại diện của Spring, nói rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng sự đồng thuận hoàn toàn có thể được rút lại. "Thật sai lầm khi cho rằng đó là 'yes' ngay cả khi một người không thể nói 'no' một cách rõ ràng".

Các nhà vận động còn mong muốn những cải cách pháp lý khác trong tương lai: Luật bảo vệ người khuyết tật khỏi bị lạm dụng tình dục và kéo dài thời hạn truy tố vì nhiều người sống sót phải mất hàng thập kỷ trước khi chấp nhận những gì đã xảy ra với mình.

Đối với Kaneko, vụ tấn công tình dục năm 7 tuổi và câu chuyện ám ảnh sau đó đã để lại vết sẹo theo cô hàng chục năm.

"Tôi mất niềm tin vào mọi người. Trong nhiều năm, tôi đau đớn, dằn vặt nhưng không thể chấp nhận nguyên nhân".

Kẻ bán clip quấy rối phụ nữ trên tàu điện ngầm Nhật Bản

Hàng nghìn vụ bắt giữ liên quan đến hành vi quấy rối, quay lén trên phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản, nhưng cũng có vô số vụ việc không bị phát hiện hay trừng phạt.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm