Mùa hè là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc nhất trong năm ở Nhật Bản. Với người dân ở xứ sở hoa anh đào, mỗi sự kiện trong thời gian này đều có ý nghĩa đặc biệt và phản chiếu văn hóa nước Nhật.
Những lễ hội mùa hè (natsu matsuri) ở các địa phương lại mang một nét khác nhau, tùy theo quy mô của vùng, theo Japan Today.
Đầu tiên phải kể đến là lễ hội pháo hoa Sumidagawa hoành tráng, được người Nhật rất xem trọng. Sumidagawa diễn ra lần đầu tiên vào năm 1733. Ngày nay, sự kiện này được tổ chức bên bờ sông Sumida (Tokyo) vào thứ 7 cuối cùng của tháng 7 hàng năm.
Đây được xem là lễ hội pháo hoa lâu đời nhất ở xứ Phù Tang. Vào ngày này, các gia đình sẽ quây quần bên nhau, tụ tập bạn bè để cùng ăn uống và ngắm bầu trời rực sáng.
Các lễ hội mùa hè được người dân mong chờ, hưởng ứng. Ảnh: Ohmatsuri. |
Ngoài ra, còn có một số “natsu matsuri” nổi tiếng như Tanabata (thất tịch) - kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai vị thần Orihime và Hikoboshi, Awa Odori Matsuri - bắt đầu vào khoảng giữa tháng 8 ở tỉnh Tokushima, Obon (Vu Lan) - thường gắn liền với một điệu múa dân gian, tên là Bon-Odori...
Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu kèm theo các lệnh hạn chế, nhiều lễ hội đã bị hủy bỏ. Người dân ở đất nước mặt trời mọc nói rằng mùa hè sẽ thật vô vị nếu không có các sự kiện này.
Nguồn gốc sâu xa của “natsu matsuri” đều ẩn chứa mục đích riêng biệt. Ngoài mang đến sự hân hoan, vui mừng, những lễ hội mùa hè còn có ý nghĩa bảo vệ mùa màng, trấn an các linh hồn và ngăn ngừa, xua đuổi nạn dịch.
Cầu cho mùa màng bội thu
Ngày nay, chỉ khoảng 4% người Nhật làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng thời phong kiến, con số này lên đến 85%. Gần một nửa sản lượng lúa dù trong mùa bội thu hay thất bát đều phải đóng tiền thuê đất hàng năm, gọi là "nengu".
Vì vậy, họ rất chú tâm đến thành quả lao động của mình. Thậm chí với nhiều người, đây còn là vấn đề sống còn.
Đầu tháng 6, nông dân thường tổ chức lễ hội cấy lúa với hoạt động “dengaku" - điệu múa truyền thống của Nhật Bản được ra đời từ khoảng thế kỷ 10.
Để cầu cho vụ mùa suôn sẻ, nhiều hoạt động được tổ chức tại xứ Phù Tang. Ảnh: Japan Times. |
Tại đó, người dân sẽ nhảy “dengaku" trước khi gieo trồng để cầu chúc cho vụ mùa suôn sẻ, với hai “nhạc cụ" chính là binzasara và sasara - dụng cụ đặc trưng của nghề nông. Tùy từng vùng mà sẽ có những hoạt động khác nhau.
Trước khi phát minh ra thuốc diệt côn trùng và diệt cỏ, các lễ hội đuổi bọ (mushi okuri) cũng rất phổ biến. Vào ban đêm, dân làng sẽ dùng những ngọn đuốc (taimatsu) và rung chuông để xua đuổi côn trùng khỏi cánh đồng.
Cúng vong linh, cô hồn
Những thiên tai như bão, lũ lụt, sạt lở, hạn hán và đói kém thường xảy ra vào thời tiết nóng ẩm của mùa hè. Không ít người cho rằng điều này không phải là hiện tượng do tự nhiên gây ra mà đến từ "onryo" (linh hồn báo thù), "goryo" (ma quý tộc) hoặc quả báo.
Ví dụ nổi tiếng nhất của một "goryo" là Tenjin (thần bầu trời), vị thần tượng trưng cho giáo dục, văn học và sự thông thái. Ông đã từng là một người bình thường có tên là Sugawara no Michizane, sống trong thế kỷ 8.
Năm 901, ông bị đày đến Kyushu sau khi trở thành nạn nhân của một cái bẫy do đối thủ chính trị giăng ra. Cuối cùng ông chết khi sống lưu vong. Những năm sau đó, Nhật Bản phải gánh chịu nhiều bệnh dịch và hạn hán trên diện rộng. 3 thập kỷ sau, Kyoto bị mưa lớn và sét đánh, dẫn đến cái chết của nhiều quý tộc triều đình.
Lễ hội Tenjin là một trong những sự kiện lớn tại Nhật Bản. Ảnh: Live Japan. |
Nguyên nhân được cho là linh hồn Sugawara đang tức giận và quay lại trừng phạt những kẻ hãm hại mình. Người dân suy tôn ông là thần Tenjin và lập đền thờ Kitano Tenmangu. Lễ hội Tenjin được tổ chức thường niên vào ngày 24-25/7.
Trong lễ hội Bon, một trong những hoạt động phổ biến nhất là "segaki" - nghi thức truyền thống liên quan đến Phật giáo Nhật Bản - được thực hiện để chấm dứt sự đau khổ của những hồn ma: muen-botoke (linh hồn không còn người thân trên nhân gian), gaki (ngạ quỷ) hoặc jikininki (thực nhân quỷ).
Ngăn ngừa dịch bệnh
Vào thời cổ đại, chế độ ăn uống của người Nhật không lành mạnh như ngày nay, phần lớn kiến thức về y học hiện đại chưa được ra đời. Hơn nữa, việc làm lạnh dưới hầm băng chỉ dành cho giới thượng lưu.
Ở Heian-kyo (cố đô Kyoto), dịch bệnh xảy ra khi mùa hè đến do mật độ dân số đông, hệ thống thoát nước thải không hiệu quả, thường làm ô nhiễm nước uống và ngộ độc thực phẩm.
Do đó, các bệnh kiết lỵ, cúm, đậu mùa, sốt rét và sởi bùng phát khắp nơi. Giống như thiên tai, những trận dịch này cũng được cho là do “bàn tay” của linh hồn ma quỷ.
Bắt đầu vào thế kỷ 9, lễ hội Gion được tổ chức như một nghi thức thanh tẩy để xoa dịu các hồn ma này.
Sự kiện này biến cả thành phố thành một bữa tiệc khổng lồ, đặc biệt là khi những chiếc kiệu hoành tráng, nặng hàng tấn được khiêng qua nhiều khu phố.
Lễ hội Gion luôn được tổ chức công phu, hoành tráng. Ảnh: Discover Kyoto. |