Sự việc doanh nghiệp Thành Bưởi vi phạm quy định của pháp luật, sử dụng xe hợp đồng để vận chuyển hành khách tuyến cố định được đăng tải trên Zing.vn, nhiều bạn đọc là hành khách của các chuyến xe liên tỉnh liên tục gửi chia sẻ, phân tích những bất cập tại các bến xe lớn.
Bất cập tại các bến xe lớn
Lê Minh Tây cho biết, anh chẳng quan tâm quy định cụ thể dành cho xe vận tải hành khách ra sao nhưng anh là người sử dụng dịch vụ, chỉ quan tâm đến chất lượng vận tải. Khu vực Lê Hồng Phong (TP.HCM) có nhiều nhà xe đang hoạt động, chủ yếu là tuyến miền Tây, anh nghĩ nếu một hãng xe có sai phạm, phải bị xử lý nhưng anh xin lãnh đạo ngành Giao thông xem lại, vì sao xe của hãng lẫn hành khách đều không muốn vào bến xe mà chỉ đặt vé của các doanh nghiệp tư nhân.
Hành khách ngại đón xe tại bến xe miền Đông, miền Tây vì nhiều tệ nạn đang tồn tại. |
Còn Lan là người Đà Lạt nhưng sinh sống và làm việc tại TP.HCM cảm thấy rất chán nản khi nghĩ đến việc ra bến xe miền Đông đón xe về nhà thăm bố mẹ vào mỗi dịp cuối tuần. Cô thấy vào bến xe khách rất phức tạp, tại đó thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cướp, móc túi, người người chen lấn nhau. Nhiều khi, xe từ các nơi đổ về cổng vào, các bác xe ôm, taxi chỉ thẳng mặt khách còn đang ngồi trên xe để tranh nhau khiến cô rất sợ.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy nói, bến xe miền Đông, miền Tây đều xảy ra nạn cướp bóc, xe ôm đâm chém nhau, khách xuống xe không chỉ nơm nớp lo mất đồ mà còn lo tính mạng bị nguy hại.
Trước mắt, chị thấy hãng tư nhân mang đến lợi ích hơn trong những dịp lễ, Tết là làm giảm tình trạng quá tải ở các bến xe lớn. Ngoài ra, tỷ lệ hành khách ở các tỉnh đến TP.HCM khám bệnh rất lớn, các bệnh viện nằm trong khu vực quận 5 lại rất nhiều. Điều này càng thuận lợi hơn cho người dân có bệnh khi sử dụng dịch vụ của các hãng xe nằm trong khu vực.
Theo Trần Bảo Nguyên, cảm giác của anh khi ra các bến xe có quy định của Nhà nước như bến xe miền Đông và miền Tây chẳng khác gì anh đi đón xe dù: "Dù tôi biết Thành Bưởi làm sai nhưng họ làm việc có lợi cho người tiêu dùng chứ không hại”.
Một người dân Đà Lạt cũng phân tích, nếu dời các bến xe tư nhân ra bến xe miền Đông – một nơi nhiều tệ nạn cò mồi, chèn ép khách, mất vệ sinh sẽ khiến cho tình trạng càng thêm phức tạp và rối ren hơn. Với các hãng tư nhân có số lượng khách lớn như Thành Bưởi, Phương Trang, Mai Linh… nên để cho họ có quyền tự quản lý bến bãi riêng, vừa thuận tiện cho doanh nghiệp, vừa tiện lợi, an toàn cho người dân.
Mong muốn được nhận dịch vụ tốt
“Tại sao ở Việt Nam mọi thứ cứ rối tung rối mù lên thế nhỉ? Tôi không am hiểu nhiều về luật giao thông ở nước ta nên không biết hãng xe mình thường chọn vi phạm những gì, nhưng tôi nghĩ nhu cầu của mình cũng như rất nhiều người là mong muốn được phục vụ một cách chuyên nghiệp, tận tình. Cả bến xe lẫn bến cá nhân đều có cùng giá tiền cho một vé xe, vậy vì sao chúng tôi không lựa chọn nơi có chất lượng dịch vụ làm mình hài lòng, thoải mái và an tâm nhất”, Lan bộc bạch.
Nếu bến xe miền Đông an ninh, phục vụ tốt, tuyến xe an toàn, mọi người sẽ lựa chọn ngay, không nghĩ đến các hãng xe, doanh nghiệp vận tải cá nhân khác. Xe nào cũng là xe nhưng quan trọng là khách hàng quan tâm đến chất lượng và sự an toàn.
Khách hàng mong muốn chất lượng dịch vụ của xe khách phải tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra. |
Bạn đọc tên Xuyến thì góp ý: “Bản thân tôi hơn 20 năm không vào bến xe để về miền Tây. Tuy tôi biết là họ làm không đúng, nhưng họ vẫn đáp ứng được nhu cầu của dân. Khi nào bến xe giải quyết triệt để các tệ nạn móc túi, hàng rong chèo kéo, tranh giành khách, lúc đó hãy mạnh tay để các doanh nghiệp tư nhân vào bến cho quy củ”.
Thành Bưởi sai cần xử lý, nhưng nên nghĩ đến nhu cầu của người dân
Nhiều bạn đọc cho rằng, nhà nước cần khuyến khích những loại hình vận tải đặt tiêu chí chất lượng phục vụ lên đầu. Anh Trần Vy cho biết: "Nếu Thành Bưởi làm chưa đúng nên hướng dẫn họ làm đúng pháp luật. Nếu luật chưa phù hợp thì có thể tiếp thu ý kiến của dân để điều chỉnh luật.
Ông Thành - ông chủ Thành Bưởi - bị Cảnh sát 113 áp giải lên làm việc với thanh tra. |