Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhiều người phải giả giàu có trên mạng

Khoe khoang hình ảnh giàu sang trên mạng, nhiều người mong muốn kiếm thêm tương tác, hợp đồng quảng cáo, thậm chí dùng danh xưng rich kid lừa gạt người khác.

Instagram và TikTok đã trở thành nơi để những người giàu có thể hiện lối sống xa hoa, phóng túng của họ với hàng triệu người theo dõi. Mặt khác, đây cũng là những nền tảng dành cho nhóm người cố đóng vai rich kid, với mục tiêu “hãy giả giàu cho đến ngày bạn có thể giàu thật”.

“Đó là một vòng tròn không bao giờ kết thúc với thật giả lẫn lộn. Khi các bài đăng của người giàu được quan tâm, được trả tiền, nhiều người sẵn sàng làm mọi cách để giả vờ giàu có”, trang Medium nhận định.

gia giau tren mang anh 1

Nhiều người đóng giả rich kid để kiếm like, follow trên mạng xã hội.

“Quá dễ để trở thành người giàu trên mạng”

Byron Denton, 19 tuổi, một YouTuber ở London, nổi tiếng thông qua loạt ảnh chỉnh sửa về cuộc sống giàu có giả mạo trên Instagram vào năm 2019, theo Insider.

Tất cả các bức ảnh trên trang cá nhân của Denton, từ ngồi máy bay riêng, mua sắm ở cửa hàng của Louis Vuitton, du lịch Coachella, đều là sản phẩm của photoshop.

Tuy nhiên, khi chưa công bố sự thật này, hàng triệu người vẫn tin chàng trai 19 tuổi là một rich kid thực thụ.

Họ không ngừng hưởng ứng, thể hiện sự ngưỡng mộ anh bằng cách like ảnh và comment. Các bức ảnh giả mạo của Denton đều có hơn 20.000 lượt thích, trang Instagram của anh chàng cũng tăng follow chóng mặt.

“Thật quá dễ để trở thành người giàu trên mạng và đánh lừa mọi người hết lần này đến lần khác. Tôi không nghĩ mọi chuyện lại dễ dàng đến vậy”, anh nói.

Sau Denton, nhiều blogger khác cũng bắt đầu xây dựng trang Instagram vạch trần sự giả tạo của các rich kid mạng.

Tại Trung Quốc, chỉ cần trả 6 nhân dân tệ, bạn có thể vào vai người giàu thông qua clip 10 giây. Công ty quảng cáo dịch vụ này cho biết họ có thể giúp khách có những hình ảnh sang chảnh như ngồi trên siêu xe Porsche, khoe tiền, ăn sáng trong khách sạn 5 sao… với giá “rẻ chưa từng có”, theo CCTV.

Trả lời Sixth Tone, đại diện bên cung cấp dịch vụ cho biết doanh nghiệp của anh ta kiếm được 10.000-20.000 nhân dân tệ/tháng nhờ dàn dựng các clip, hình ảnh giả giàu cho khách.

Còn tại Mỹ, nhiều influencer bị phát hiện thuê studio ở Boyle Heights, Los Angeles được bài trí giống hệt chuyên cơ cá nhân với nội thất xịn sò, sang chảnh để sống ảo, đánh lừa người theo dõi. Studio thường cho nhóm tối đa 6 người thuê với giá 64 USD/giờ.

Năm 2017, một studio ở Nga mở dịch vụ cho thuê phi cơ riêng chỉ để khách có thể chụp hình. Private Jet Studio tại thủ đô Moscow đưa ra giá niêm yết cho mỗi gói chụp ảnh 2 tiếng trên chiếc máy bay tư nhân Gulfstream G560 là khoảng 244 USD có thợ chụp ảnh đi kèm. Nếu thuê nhân viên trang điểm, làm tóc, khách tốn thêm 434 USD.

Những “rich kid” lừa đảo

Trong bài viết đăng trên Medium, thạc sĩ Tâm lý học Zulie Rane cho rằng nhiều người xây dựng cuộc sống hoàn hảo trên mạng với hy vọng kiếm thêm “lượt thích”, “lượt theo dõi” - những thứ có khả năng quyết định sức hút của họ với các thương hiệu, nhãn hàng.

20 năm trước, khái niệm “Làm giàu giả tạo trên Instagram” không tồn tại. Không ai trả phí để ngồi trên một chiếc máy bay phản lực giả vì không có cách nào để khoe khoang những hình ảnh đó với hàng triệu người.

Thay vào đó, mọi người đóng vai người giàu theo những cách khác: những chiếc đồng hồ Rolex nhái, những ngôi nhà mà họ không đủ tiền mua, những bộ đồ hiệu dùng không xe mác để có thể trả lại vào ngày hôm sau.

Khi mạng xã hội ra đời, câu chuyện đã rất khác. “Tôi nhận thấy mọi người thích theo dõi những người trông có vẻ giàu có, thành công, những người trông như thể họ biết mình đang làm gì trong cuộc sống”, YouTuber Mirella Derungs nói.

“Mọi người chỉ thích theo dõi những người thành công, có mục tiêu và đang làm được việc gì đó. Vì nó khiến họ cảm thấy tràn đầy cảm hứng”.

Trong một bài viết trên The New York Times, tác giả Taylor Lorenz đã vạch trần hàng loạt influencer giả giàu trên Instagram. Theo đó, nhiều doanh nhân rởm thường thể hiện lối sống xa hoa trên mạng chỉ để bán các dịch vụ, chương trình cố vấn hoặc lớp học trực tuyến vô bổ với giá trên trời.

Lorenz gọi họ là “kẻ lừa đảo kiểu mới” - những người thường có trang Instagram đăng ảnh chụp ôtô, tiền bạc, máy bay phản lực và lượng follow lớn (chủ yếu được mua).

Vì sao nhiều người thích theo dõi cuộc sống sang chảnh của rich kid

Chính sự tò mò của dân mạng đã khiến các hội nhóm rich kid chuyên chia sẻ cuộc sống xa hoa trên mạng xã hội, tăng follow nhanh chóng.

Lê Vy

Ảnh: Instagram

Bạn có thể quan tâm