Mới xem được một nửa bộ phim Squid Game đình đám, Lee Ye-eun (25 tuổi) đã quá chán ghét những cảnh mô tả phụ nữ mà cô cho là kỳ thị nữ giới. Lee từ chối theo dõi nốt phần còn lại.
Dù rất thích xem các tác phẩm của Netflix, Jane Park (24 tuổi) cũng quyết định tẩy chay sau khi đọc bài phê bình cho rằng bộ phim kỳ thị phái nữ.
Tương tự, Seul Kim (27 tuổi) định xem phim nhưng thay đổi quyết định sau khi nghe nhiều bạn bè và dân mạng chê bai.
“Ở Hàn Quốc, kỳ thị nữ giới là một phần của cuộc sống. Tôi không muốn lãng phí thời gian vào sự độc hại trong Squid Game”, cô nói.
Squid Game có nội dung xoay quanh nhóm người túng quẫn vì nợ nần tham gia loạt trò chơi chết chóc để giành số tiền thưởng hàng chục tỷ won. Trong khi bộ phim chủ đề sinh tồn thu hút khán giả quốc tế và trở thành tác phẩm ăn khách nhất của Netflix cho đến nay, nhiều nhà nữ quyền ở Hàn Quốc lại tỏ ra không hứng thú.
Những người tẩy chay như Lee, Park và Kim cho rằng Squid Game khắc họa hình ảnh méo mó về phụ nữ, mô tả họ như những đối tượng của bạo lực, cuồng dâm và sự hy sinh.
“Tôi tẩy chay để nói với thế giới rằng phụ nữ sẽ không xem loại nội dung này nữa”, Lee nói.
Các nhà nữ quyền ở Hàn Quốc cho rằng Squid Game đi kèm với những mô tả vô trách nhiệm về phụ nữ. |
Xứng đáng được tôn trọng
Lee, sống bên ngoài thủ đô Seoul, là thành viên của nhóm nữ quyền Haeil (Sóng thần). Giống như cô gái 25 tuổi, một số thành viên khác của Haeil cũng tẩy chay Squid Game với hy vọng gửi thông điệp đến nhà văn kiêm đạo diễn Hwang Dong-hyuk rằng phụ nữ xứng đáng được tôn trọng hơn.
Hiện tại, các bài viết phản đối được đăng trên nhiều diễn đàn nữ quyền, yêu cầu Hwang nhạy cảm và tinh tế hơn với những câu chuyện của phụ nữ khi ông lên kế hoạch sản xuất phần 2. Nhóm tẩy chay tránh đăng bài trên các nền tảng lớn hơn vì sợ bị quấy rối.
Tại Hàn Quốc, nơi tồn tại bất bình đẳng giới, phụ nữ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử cố hữu ở nơi làm việc, vai trò giới cứng nhắc ở nhà và nguy cơ bạo lực tình dục từ tấn công thân thể đến tội phạm kỹ thuật số.
Nhiều phụ nữ không dám đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình vì sợ bị nam giới coi là nạn nhân của chủ nghĩa nữ quyền thù địch, hứng chịu sự kỳ thị, châm chọc hoặc buộc tội phân biệt đối xử ngược lại.
Ở một đất nước mà các nhà nữ quyền thường xuyên phải đối mặt với hành vi quấy rối trực tuyến, những người tẩy chay Squid Game nói rằng tiếng nói của họ không được hoan nghênh khi chỉ trích bộ phim trở thành niềm tự hào dân tộc. |
Những người tẩy chay Squid Game nói rằng trong mắt họ, điều khiến bộ phim trở nên nguy hiểm là các nhân vật nữ bị bóp méo để phù hợp với cái nhìn của nam giới.
Shim Hae-in, phát ngôn viên của Haeil, cho biết Squid Game tái hiện một cách đáng lo ngại về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ, củng cố sự lầm tưởng và là sự ủng hộ rõ ràng cho chế độ phụ quyền.
Một số điểm đáng quan tâm trong phim bao gồm cảnh phụ nữ khỏa thân bị tô mực lên người và coi như đồ vật trong phòng VIP; sự vắng mặt của nữ giới ở các vị trí quyền lực; nhiều nhân vật nữ không được nhận dạng bằng tên riêng mà được gọi là “vợ cũ” hoặc “mẹ của nhân vật nam”.
Đối với Shim, điều đặc biệt gây khó chịu khi Squid Game thể hiện cảnh bạo lực đối với phụ nữ nhằm thúc đẩy câu chuyện của nhân vật nam. Ví như cảnh thành viên mặc đồ đỏ của tổ chức bí ẩn đề cập đến việc cưỡng hiếp xác chết của người chơi nữ đã bị loại. Sau đó, chi tiết kinh hoàng này không bao giờ được đề cập tới.
Bình thường hóa sự hy sinh
Shim cũng khó chịu với cách bộ phim mô tả nhân vật Mi-nyeo (người chơi 212). Với tính cách tinh ranh và xảo quyệt, cô cố gắng sử dụng thân xác để làm lợi cho mình.
Không chỉ thấy cảnh quan hệ tình dục là không thực tế, Shim còn đặt dấu hỏi với cách đổi chác và sự trả thù sau đó của của Mi-nyeo với kẻ phản bội - tên xã hội đen Deok-su (người chơi 101) - được coi là đặc điểm chính trong cốt truyện về cô.
Trong khi đó, lý lịch của Mi-nyeo là người mẹ đơn thân đáng thương bị bỏ qua hoàn toàn (nếu tuyên bố của Mi-nyeo về đứa con chưa được đặt tên của cô là sự thật, chứ không phải là mưu đồ để được thông cảm).
Những người tẩy chay Squid Game cho rằng điều khiến bộ phim trở nên nguy hiểm là các nhân vật nữ bị bóp méo để phù hợp với cái nhìn của nam giới. |
Như Shim đã chỉ ra trái ngược với Mi-nyeo, nhân vật chính Gi-hun (người chơi 456) được tập trung khắc họa khiến anh ta bất chấp rất nhiều lần thất bại và bất tài trong vai trò người con, người chồng người cha vẫn xuất hiện với sự đồng cảm với mọi người.
Theo anh, Squid Game đã trao đặc quyền cho nhân vật của Gi-hun trong khi đẩy phụ nữ xuống đóng vai trò phụ trong nỗi đau khổ và câu chuyện của đàn ông.
Điều này khiến Shim lo lắng rằng những mô tả phiến diện về nhân dạng phụ nữ sẽ tạo ra định kiến nhằm biện minh và bình thường hóa sự hy sinh của phụ nữ.
Mặc dù sự tẩy chay Squid Game đã tạo ra một số cuộc tranh luận công khai ở Hàn Quốc, chúng vẫn chưa thu hút được nhiều sự chú ý.
Hyunjun Min, giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại ĐH Yonsei, cho biết: “Khi Squid Game trở thành niềm tự hào dân tộc ở Hàn Quốc, tiếng nói của các nhà nữ quyền không hề được lắng nghe”.
“Tại sao bạn lại nhạy cảm như vậy?”
Hầu hết bạn bè của Lee không cố gắng hiểu lý do cô phản đối Squid Game.
“Tại sao bạn lại nhạy cảm như vậy?”, một số người bạn nam giới hỏi cô.
“Dù sao thì chân dung phụ nữ cũng không giống như trong các bộ phim khác”, vài người bạn là nữ nói.
Trong khi đó, Park bị bạn bè chặn liên lạc khi cô nói mình sẽ tẩy chay bộ phim.
Kim thấy nhiều bình luận chế giễu người ủng hộ nữ quyền trên các diễn đàn mạng. Bên cạnh đó, một số còn đăng ảnh chế ví họ như những “con lợn biết nói”.
Một nhóm bảo vệ nam quyền ở Hàn Quốc buộc tội các nhà nữ quyền mắc “chứng hoang tưởng bị ngược đãi”. Trước đó, họ từng quấy rối, dọa giết các thành viên của Haeil khi tổ chức cuộc biểu tình vì nữ quyền.
Dưới bài đăng chia sẻ bài báo Lý do tôi không thể thích Squid Game của một nữ tác giả, nhiều người để lại bình luận như “Các nhà nữ quyền bị tâm thần” hay “Các người chỉ biết phàn nàn vì có cuộc sống rác rưởi?”.
Những người tẩy chay Squid Game hy vọng tiếng nói của mình sẽ nâng cao nhận thức về thực trạng chống nữ quyền ở Hàn Quốc. |
Các bình luận như trên rất phổ biến ở Hàn Quốc vì những người ủng hộ nữ quyền bị coi là “đám khủng bố” gây ra mối đe dọa không chỉ với nam giới xứ kim chi mà còn với đất nước.
Tuy nhiên, những người tẩy chay Squid Game như Lee, Park và Kim khẳng định sẽ không im lặng. Thay vào đó, họ hy vọng tiếng nói của mình sẽ nâng cao nhận thức về thực trạng chống nữ quyền ở Hàn Quốc.
Yoon, GS nghiên cứu văn hóa ở Hàn Quốc, chỉ ra rằng cuộc tranh luận mang tính xây dựng hơn có thể xảy ra sau đó.
“Trong tương lai không xa, khi sản xuất các bộ phim nổi tiếng như vậy, những nhà sản xuất sẽ trăn trở về cách giải quyết cuộc tranh cãi liên quan. Đây là điều mà Squid Game hay các bộ phim Hàn Quốc khác phải giải quyết tại một số thời điểm, bằng cách này hay cách khác”, ông nói.