Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhiều thí sinh không biết Xuân Quỳnh là nam hay nữ?

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh chia sẻ không biết Xuân Quỳnh là nam hay nữ và nhầm Ấn Độ ở châu Phi. Vào phòng thi, sĩ tử bất ngờ "quên sạch" kiến thức đơn giản.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 kết thúc để lại hàng loạt câu chuyện bi hài về bài thi của các sĩ tử.

Điển hình là khi bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh mới ngơ ngác biết nhà thơ Xuân Quỳnh là nữ. Hay trong đề thi môn Lịch sử, không ít người nhầm lẫn Ấn Độ thuộc châu Phi.

Đây đều là những kiến thức xã hội thông thường, tuy nhiên không ít thí sinh lại dễ dàng nhầm lẫn, thậm chí khẳng định mình không biết.

Thi sinh hoang loan trong phong thi anh 1

Phương Mỹ Chi và nhiều sĩ tử không nhớ Xuân Quỳnh là nam hay nữ. Ảnh: Phương Lâm.

"Đột xuất" quên kiến thức

Là thí sinh góp mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ca sĩ Phương Mỹ Chi chia sẻ khi livestream rằng cô nằm trong số những sĩ tử quên nhà thơ Xuân Quỳnh là nam hay nữ.

Giọng ca 18 tuổi không khỏi hoang mang với câu hỏi xoay quanh bài thơ Sóng. Ngoài ra, cô cũng nhầm lẫn đáp án Ấn Độ thuộc châu Phi trong đề thi Lịch Sử.

"Lúc đầu, tôi phân vân không phân biệt được Xuân Quỳnh là ông hay bà. Sau khi thi xong, lên mạng thấy ai cũng đăng lên và ai cũng có cảm giác giống mình. Thật ra, tôi học sẽ nhớ nhưng lúc đó bị bấn loạn, tôi không nhớ ra chính xác được", nữ ca sĩ kể lại.

Không chỉ riêng Phương Mỹ Chi, trong các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều sĩ tử cũng bày tỏ tiếc nuối vì nhầm lẫn kiến thức đơn giản.

"Mình biết Ấn Độ ở châu Á, mà tự nhiên vô phòng thi cứ nhớ nhớ quên quên rồi khoanh sai. Về nhà cầm tờ đề thi nghĩ còn tức", tài khoản Facebook Minh Châu cho biết.

Thí sinh Phương Thy (quận 11, TP.HCM) bày tỏ cứ hay nhầm Xuân Diệu với Xuân Quỳnh, vào phòng thi thấy đề dài quá nên hoảng cứ sợ làm không kịp. "Tới giờ, mình cũng không nhớ đã ghi Xuân Quỳnh là ông hay bà nữa", Thy nói.

Một số sĩ tử khác thật lòng thú nhận lúc học không nắm rõ Xuân Quỳnh là tác giả nam hay nữ. Thậm chí, sau khi thi tốt nghiệp, kiến thức "Ấn Độ là quốc gia châu Á" cũng lần đầu được biết đến.

"Mình xem phim thấy người Ấn Độ da cũng sạm màu, nên mặc định là người châu Phi từ xưa, không chút thắc mắc gì. Cho tới hôm nay mới biết hóa ra không phải", tài khoản M.Đ chia sẻ.

Thi sinh hoang loan trong phong thi anh 2

Nhiều thí sinh bước vào phòng thi với tâm trạng lo lắng làm ảnh hưởng sự tập trung lúc làm bài. Ảnh: Việt Linh.

Tâm lý ảnh hưởng quá trình làm bài

Đối với vấn đề này, các giáo viên và chuyên gia tâm lý có nhiều cách nhìn nhận, lý giải khác nhau.

Thầy Nguyễn Nam Hùng (giáo viên dạy Ngữ văn, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm đây không phải hiện tượng tâm lý mất trí nhớ tạm thời, mà do hổng kiến thức. Học sinh không chịu đọc sách giáo khoa. Nhiều em chỉ đọc qua loa các bài văn mẫu đâu đó.

Giáo viên này cũng khẳng định khi dạy, thầy cô phải nhắc nhở những lỗi mà học sinh có thể mắc phải, ví dụ nhầm tên tác giả, tên nhân vật, nhớ sai chi tiết trong truyện hay thơ... Những giáo viên đi chấm thi năm nào cũng có câu chuyện "cười ra nước mắt" khi thí sinh "râu ông nọ cắm cằm bà kia".

Nhằm tránh các lỗ hổng kiến thức, học sinh phải học có hệ thống, chuẩn bị bài trước khi học và ôn tập nhiều lần sau khi đã nghe giảng. Việc luyện đề thường xuyên cũng giúp sĩ tử nhớ lâu hơn, phản xạ nhanh hơn. Trước khi học bài mới, các em đọc văn bản 3 lần, sau khi học xong hãy ôn tập lại ít nhất 2 đến 3 lần.

Mặt khác, việc một số em có tâm lý căng thẳng cũng ảnh hưởng quá trình làm bài và kết quả thi.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) lý giải khi bước vào kỳ thi, một số thí sinh sẽ lo lắng, căng thẳng quá mức ảnh hưởng đến mức độ tập trung. Nhiều bạn sẽ rơi vào trạng thái freeze (đứng hình) nên sẽ mất kiểm soát, không thể suy nghĩ, tư duy, thậm chí không thể cử động tay.

Theo chuyên gia Toàn Thiện, nếu rơi vào tình trạng này, thí sinh không nên cố gắng tiếp tục làm hay hoảng loạn. Thay vào đó, các sĩ tử nên tập trung vào hơi thở, hít vào thở ra chậm trong khoảng 2 phút, để lấy lại bình tĩnh, sau đó quay lại bài thi sẽ hiệu quả hơn.

Chia sẻ với Zing, TS tâm lý Đào Lê Hoà An cho biết: "Đa số thí sinh đều rơi vào tình huống rối loạn giấc ngủ, sinh hoạt thất thường do làm giảm tập trung chú ý và ảnh hưởng đến trí nhớ. Tình trạng thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc làm luồng thông tin về vỏ não trước trán ngưng trệ và làm mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mau quên".

TS Hòa An cũng nói thêm áp lực trong phòng thi là rất lớn, chính vì vậy nó gây ra tình trạng stress cấp tính, khiến con người khó tập trung suy nghĩ, dễ phân tán tư tưởng và giải quyết vấn đề chậm chạp.

Lúc này điều thí sinh cần làm là phải thả lỏng cơ thể, hít thở đều, uống vài ngụm nước, nhai kẹo ngọt sẽ giúp cơ thể cân bằng và trí nhớ có thể trở về với chúng ta.

Giáo viên lý giải việc nhiều thí sinh nhầm Ấn Độ ở châu Phi

Giáo viên cho rằng ngày trước, năm 1492, Colombo đến châu Mỹ và nhầm đây là vùng đất Ấn Độ. 500 năm sau, thí sinh nhầm Ấn Độ ở châu Phi cũng là điều dễ hiểu.

Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm