Tiantian (5 tuổi) là bé gái từng rất thích trèo cây. Năm 2015, vào thời điểm nhóm luật sư ở công ty Luật Qianqian (Bắc Kinh) đến thăm nhà, cô bé 5 tuổi hồn nhiên đã không còn thích leo trèo như trước.
Tiantian thường xuyên gặp ác mộng, cả ngày em chỉ nằm cuộn mình trên ghế, hai tay đan vào giữa chân, thẫn thờ nhìn về phía xa. Năm 2014, một giáo viên tại trường mầm non của Tiantian bị bắt vì xâm hại tình dục hơn 10 nữ sinh, trong đó có Tiantian.
Bác sĩ trị liệu của cô bé cho biết trong buổi điều trị đầu tiên, em liên tục vẽ một vòng tròn màu đen rối rắm trên mặt giấy. Đó là biểu tượng của "lỗ hổng" bên trong tâm hồn em.
Phần lớn nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục phải điều trị tâm lý trong thời gian dài. Ảnh: Sixth Tone. |
Những bản án chưa được giải quyết
Theo Sixth Tone, nhóm nghiên cứu tại công ty Luật Qianqian đã thu thập và phân tích 184 bản án liên quan lạm dụng tình dục trẻ em trên cả nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ năm 2013 đến 2020, 199 trẻ bị lạm dụng tình dục. Nhiều trường hợp phải điều trị tâm lý trong thời gian dài.
Thông thường, gia đình nạn nhân đòi hung thủ bồi thường chi phí điều trị tổn hại về thể xác và tinh thần, nhưng chỉ 34% trong số đó nhận đủ bồi thường. Ngoài ra, trong số 47 nạn nhân đệ đơn lên toà án đòi tiền điều trị, chỉ 10 người thành công.
Theo số liệu điều tra, phần lớn nạn nhân đều bị tổn thương sau những lần bị lạm dụng. Tuy nhiên, so với tổn thương thể xác, những "vết sẹo" tinh thần mới thực sự khiến các em ám ảnh.
Nghiên cứu chỉ ra lạm dụng tình dục có thể làm thay đổi chức năng điều chỉnh cảm xúc của não bộ, gây ra nhiều bệnh về tâm lý như lo lắng, sợ hãi, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và một số vấn đề về hành vi như khó ngủ, dễ hoảng loạn.
Những vấn đề này ảnh hưởng quá trình phát triển của trẻ, thậm chí kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nạn nhân của lạm dụng tình dục dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn phân ly và có thể bị ám ảnh với việc yêu đương, quan hệ tình dục. Ngoài ra, các em dễ trở thành đối tượng của những kẻ tấn công tình dục.
"Thiếu cơ sở pháp lý"
Các thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết hai lý do phổ biến nhất để từ chối yêu cầu bồi thường là "thiếu cơ sở pháp lý" và "không đủ bằng chứng". Trong đó, "thiếu cơ sở pháp lý" là nguyên nhân được sử dụng nhiều và có tác động lớn đến việc đòi bồi thường của nạn nhân.
Theo quy định hiện hành, việc xử lý trách nhiệm hình sự như phạt tù, tử hình, cũng được tính là đền bù tổn thất tinh thần cho nạn nhân.
10 trường hợp được bồi thường tổn thất tinh thần cũng chỉ nhận được số tiền rất ít so với tổn thương mà nạn nhân phải chịu đựng.
Nhà nghiên cứu Xia Tian
Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy chế tài xử lý tội phạm tình dục không thể hỗ trợ phục hồi và bù đắp những tổn thương về thể chất và tinh thần cho nạn nhân. Ngược lại, việc xử phạt theo luật hiện hành càng khiến nạn nhân đau khổ và rơi vào bế tắc.
Ngoài ra, những kẻ tấn công tình dục trẻ em ở Trung Quốc thường nhận mức án nhẹ. Trong số 184 trường hợp của nhóm nghiên cứu ghi nhận, hơn 80% thủ phạm chỉ bị kết tội nhẹ, nhận mức án phạt 4 năm tù giam. 68% đối tượng bị kết tội hiếp dâm, bị phạt 6 năm tù trở xuống.
Quy định cũng chưa rõ ràng về các khoản bảo hiểm và chi phí điều trị tâm lý cho nạn nhân. Ví dụ, bị cáo phải chi trả phí khám bệnh, điều dưỡng, thẩm định và vận chuyển cho nạn nhân. 60-90% số tiền bồi thường đó sẽ bị giữ lại tại phiên tòa. Kết quả, chỉ có 21% nạn nhân nhận được đủ tiền bồi thường từ các bị cáo.
Không đủ bằng chứng
Một lý do phổ biến khác để hung thủ không bồi thường cho nạn nhân là “không đủ bằng chứng”. Người yêu cầu bồi thường phải có nghĩa vụ cung cấp các bằng chứng tại toà.
Nạn nhân thường là trẻ em trong những gia đình khó khăn, thiếu hiểu biết nên không có khả năng thu thập chứng cứ. Số liệu thống kê cho thấy 50% trong số những vụ việc được khảo sát có đủ khả năng thuê luật sư, 13% khác đủ điều kiện để được hỗ trợ pháp lý thông qua các tiêu chí như gặp khó khăn về tài chính. 35% nạn nhân còn lại không có đại diện hợp pháp, không thể nộp đơn kiện và đòi bồi thường.
Những trường hợp được hỗ trợ pháp lý cũng gặp khó khăn trong quá trình kiện tụng. Gia đình nạn nhân thường phải trải qua quá trình nộp đơn kéo dài và thiếu luật sư hỗ trợ. Do đó, nạn nhân không được hướng dẫn cách thu thập bằng chứng sơ bộ. Việc lập hồ sơ vụ án dần trở nên gián đoạn, kéo dài và không được xử lý kịp thời.
Nạn nhân được đền bù bao nhiêu?
Quy định hiện hành chưa nêu ra mức đền bù cụ thể cho tinh thần nạn nhân. Chi phí điều trị tâm lý khó ước tính và chứng minh hơn so với việc đền bù thiệt hại vật chất trực tiếp.
"Cơ quan nào sẽ trực tiếp đứng ra đánh giá chi phí điều trị tinh thần cho nạn nhân? Họ sẽ phải tuân theo những tiêu chuẩn nào?". Những câu hỏi trên được cho là chưa có đáp án cụ thể. Vì thế, phần lớn vụ kiện đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở pháp lý và buộc phải bác bỏ đơn kiện.
10 trường hợp được bồi thường tổn thất tinh thần cũng chỉ nhận được số tiền rất ít so với những tổn thương họ phải nhận. Trung bình, các nạn nhân đòi 8.700 USD tiền bồi thường nhưng chỉ nhận được hơn 400 USD.
Ngoài ra, tòa án chỉ hỗ trợ nạn nhân đòi bồi thường cho những chi phí điều trị đã phát sinh. Do thủ tục khó khăn, nạn nhân buộc phải chọn cách hòa giải.
Được biết, ban đầu, gia đình Tiantian đòi 300.000 nhân dân tệ (gần 46.000 USD) tiền bồi thường thiệt hại, trong đó bao gồm 150.000 nhân dân tệ (23.000 USD) phí trị liệu. Sau khi hòa giải, gia đình em chỉ nhận được 50.000 nhân dân tệ (tương đương 7.600 USD) bồi thường từ hung thủ.
Các luật sư tại công ty Luật Qianqian kiến nghị cơ quan tư pháp mở rộng các điều khoản liên quan việc bồi thường, bao gồm chi phí điều trị tâm lý, đồng thời làm rõ các tiêu chuẩn để xác minh chứng cứ và số tiền thiệt hại.
Ngoài ra, luật sư đề xuất nhà lập pháp hạ thấp yêu cầu về trợ giúp pháp lý và đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều này cho phép luật sư có thêm cơ hội hỗ trợ giải quyết các vụ kiện sớm, giúp nạn nhân đòi được công bằng kịp thời.