Sập bẫy vì ham "lướt sóng"
Người phụ nữ đang bị Công an Hà Nội điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Phạm Thị Mai Phương (36 tuổi, ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa).
Theo hồ sơ vụ án, năm 2012, Phương làm trưởng văn phòng đại diện cho một công ty đầu tư bất động sản, đóng tại Hà Nội. Lợi dụng việc này, chị ta vờ vẽ ra một dự án đang được xây dựng tại Đà Nẵng, dụ dỗ một nữ đại gia đầu tư để lừa đảo.
Phạm Thị Mai Phương. Ảnh: V.Đ. |
Quá trình điều tra vụ việc, một loạt hành vi lừa đảo dự án của Phương bị tố giác, với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 40 tỷ đồng.
Bà Lan (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số những người sập bẫy lừa, với số tiền đầu tư trên 21 tỷ đồng.
Trước khi vụ việc xảy ra, bà Lan và Phương có mối quan hệ làm ăn từ trước. Tháng 3/2012, Phương mời người phụ nữ giàu có đến văn phòng công ty của mình để kêu gọi đầu tư.
Phương kể, công ty đang triển khai dự án bất động sản lớn tại Đà Nẵng. Chị ta khoe, nhiều Việt kiều sắp đổ vốn lớn mua đất tại đây. Phương rủ bà Lan tham gia đầu tư, rồi bán "lướt sóng" sẽ lãi 250 triệu đồng mỗi căn.
Siêu lừa cam kết, nữ đại gia chỉ cần nộp 30% tiền giá trị căn hộ, sau 45 ngày sẽ được ký hợp đồng góp vốn với công ty. Phương hứa sẽ giúp bà Lan chuyển nhượng bất động sản cho các nhà đầu tư Việt kiều sau đó. Tiền lãi thu được 2 bên sẽ chia nhau theo tỷ lệ góp vốn.
Từng vài lần hợp tác làm ăn hiệu quả với Phương, bà Lan sớm tin lời và đặt hy vọng sẽ thu lãi lớn.
Tiêu 21 tỷ đồng trong 3 tháng
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 3-6/2012, nữ đại gia đến văn phòng công ty nơi Phương làm trưởng đại diện, nộp hơn 21 tỷ đồng, mua 14 lô đất. Để tạo lòng tin với khách, người phụ nữ 36 tuổi viết phiếu thu tiền có đóng dấu của văn phòng công ty.
Nhận tiền của bà Lan, Phương hứa tới tháng 8/2012, công ty sẽ ký hợp đồng góp vốn cho nhà đầu tư.
Quá thời hạn không thấy ký kết diễn ra, bà Lan tìm gặp Phương đòi tiền thì chị ta bỏ trốn.
Phiếu thu tiền Phương tạo dựng để lấy niềm tin của bị hại. Ảnh: V.Đ. |
Căn cứ đơn trình báo và tài liệu do bà Lan cung cấp, cơ quan công an đã làm rõ công ty mà Phương làm thuê có trụ sở tại quận 1 (TP HCM). Doanh nghiệp này có đầu tư một dự án bất động sản tại Đà Nẵng.
Đầu năm 2012, Phương được bổ nhiệm làm trưởng văn phòng đại diện của công ty tại Hà Nội. Sau hơn nửa năm, do làm ăn không hiệu quả, nơi đây bị đóng cửa.
Làm việc với doanh nghiệp từng thuê Phương, nhà chức trách xác định, văn phòng công ty tại Hà Nội chỉ có chức năng giao dịch, tiếp thị bán hàng, không được thu tiền đặt cọc mua đất của khách. Trường hợp khách có giao dịch, văn phòng sẽ hướng dẫn họ thủ tục để ký hợp đồng, nộp tiền trực tiếp với công ty chính trụ sở tại TP HCM.
Quá trình điều tra vụ án, nhà chức trách làm rõ, từ tháng 3-6/2012, lợi dụng vị trí trưởng văn phòng đại diện, Phương đã dàn dựng kế hoạch lừa đảo bà Lan.
Theo đó, chị ta sử dụng hồ sơ vị trí, kí hiệu các lô đất mà công ty tại TP HCM đang đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng, tự đổi tên thành một dự án khác, mời chào bà Lan mua để bán "lướt sóng".
Hôm nữ đại gia đến chuyển tiền, Phương sử dụng mẫu hợp đồng đặt cọc của công ty, lấy dấu chức danh trưởng văn phòng đại diện để ký kết với bị hại.
Ngoài ra, Phương còn làm thêm một hợp đồng ba bên, thể hiện việc bà Lan chuyển nhượng lại lô đất đã đặt cọc cho bên thứ ba, lãi suất 250 triệu đồng/lô. Thực tế, cảnh sát làm rõ không hề có bên thứ ba này. Phương đã dựng lên màn kịch, mục đích cho bà Lan tin tưởng lời hứa đầu tư "lướt sóng" mà cô ta vẽ ra trước đó.
Sau khi lừa hơn 21 tỷ đồng của nữ đại gia, Phương không đầu tư vào dự án của công ty mà dùng chi tiêu cá nhân. Sự việc vỡ lở, siêu lừa bị cảnh sát khởi tố và truy nã về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Náu mình được một thời gian, thấy công an lùng tìm gắt gao, tháng 7 vừa qua, Phương đã ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội như trên.
Tới trung tuần tháng 10, nhà chức trách cho hay tiếp tục ghi nhận nhiều người trình báo bị Phương lừa đảo với thủ đoạn tương tự.
* Tên bị hại đã thay đổi.