Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 'nuốt lưỡi' có thể gây tử vong?

Khi bất tỉnh, nạn nhân thường nằm ngửa, gây cản trở hô hấp, nên sẽ gặp nguy hiểm, có thể tử vong. Việc sơ cứu ban đầu là rất quan trọng.

Tại trận đấu giữa CLB Bình Dương và CLB Hà Nội tại vòng 8 V.League 2019 diễn ra chiều 5/5, cầu thủ Nguyễn Hùng Thiện Đức của Bình Dương gặp chấn thương rất nặng sau pha va chạm mạnh. 

Cầu thủ của đội chủ sân Gò Đậu gần như nằm bất tỉnh trên sân. Trọng tài chính Ngô Duy Lân khi phát hiện Nguyễn Hoàng Thiện Đức có biểu hiện "nuốt lưỡi", đã nhanh tay giải cứu. Sau đó, xe cấp cứu vào sân đưa anh tới bệnh viện.

Trên thế giới, nhiều trường hợp cầu thủ sau khi bị choáng, "nuốt lưỡi", có thể nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2017, tiền đạo Fernando Torres suýt mất mạng vì tự "nuốt lưỡi" nếu các đồng đội không nhanh chóng tiến hành sơ cứu cho anh.

Vậy, khái niệm "nuốt lưỡi" là gì? Chúng ta nên xử lý thế nào để cứu nạn nhân khi họ lâm vào tình trạng này?

tu vong vi nuot luoi anh 1
Trọng Tài Ngô Duy lân phải thực hiện sơ cứu khẩn cấp cho Thiện Đức. Ảnh: Lê Minh.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, "nuốt lưỡi" là cách gọi thông thường, chứ không chính xác trong y học. Cơ thể chúng ta không bao giờ có thể tự nuốt lưỡi và tử vong. Đây là tình trạng lưỡi gây cản trở đường thở, xảy ra khi bị hôn mê.

Theo đó, khi bất tỉnh, cơ lưỡi tự động giãn ra, nếu nạn nhân nằm ngửa, lưỡi tự động tụt vào trong. Lúc này, lưỡi như cánh cửa, chắn toàn bộ không khí và ôxy đi xuống khí quản, gây nghẹt đường thở. Nạn nhân nếu nằm ở tư thế không đúng, gây cản trở sự hô hấp, sẽ gặp nguy hiểm, có thể tử vong.

"Cũng do cơ chế này mới có hiện tượng ngáy, đặc biệt ở người già. Bởi các cơ thành họng, cuống lưỡi già hóa, bị chùng, mất trương lực, khi nằm ngửa, cuống lưỡi đè vào đường thở gây nên hiện tượng ngáy", thạc sĩ Tâm cho biết thêm.

Bác sĩ này cũng khuyến cáo khi một người bị hôn mê, bất tỉnh, việc cần kíp nhất là thay đổi tư thế nạn nhân sang nằm nghiêng, giúp họ hô hấp dễ hơn.

Trong thời gian chờ xe cấp cứu tới, bạn nhanh chóng thu dọn các vật thể sắc nhọn xung quanh, tránh gây tổn thương cho người bệnh; kê đầu nạn nhân bằng gối mềm hoặc áo khoác; nới lỏng carvat hoặc nơ, khuy cổ...

Chuyên gia lưu ý khi sơ cứu, nhiều người cố nhét các vật vào miệng nạn nhân để ngăn tình trạng "nuốt lưỡi". Đây là hành động nguy hiểm cho chính nạn nhân. Khi đó, cách duy nhất và đơn giản nhất, chỉ cần đặt người bệnh nằm nghiêng sẽ tránh được nguy cơ này.

Ngoài ra, khi nạn nhân đang bất tỉnh, tuyệt đối không đưa đồ ăn, thức uống vào miệng họ.

Nguyên nhân khiến nam bác sĩ tử vong khi đá bóng giữa trời nắng

Nam bác sĩ bị ngã quỵ ngay khi đang đá bóng. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng bác sĩ này nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm