Ngày 17/3, Bộ Công an khởi tố cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi chỉ đạo Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch Water (Đức) qua Công ty Arktic để xử lý chất lượng hồ ở Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Liên quan vụ án này, ngày 20/8/2020, Bộ Công an cũng khởi tố ông Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội.
Bị can Nguyễn Đức Chung (trái) và Nguyễn Trường Giang. |
Theo tài liệu của cơ quan chức năng, tháng 5/2016, đoàn công tác của UBND Hà Nội do một Phó chủ tịch UBND TP dẫn đầu, sang Đức dự triển lãm và tham quan nhà máy của Công ty Watch Water.
Một tháng sau, ông Nguyễn Đức Chung gửi thư mời lãnh đạo Công ty Watch Water sang tham quan. Trong chuyến thăm Hà Nội dịp đó, phía Watch Water đã lấy mẫu nước một số hồ để nghiên cứu. Sau đó, doanh nghiệp này sản xuất hóa chất Redoxy 3C riêng cho Hà Nội.
Ngày 1/8/2016, Công ty Watch Water ký thỏa thuận đồng ý cho Công ty Arktic phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy 3C ở Việt Nam.
Cuối tháng 8/2016, sau khi Công ty Thoát nước có tờ trình, ông Chung đã giao đơn vị này chủ trì xử lý ô nhiễm nước các hồ, đàm phán với đối tác nước ngoài về việc sử dụng Redoxy 3C.
Cũng trong tháng 8/2016, ông Nguyễn Đức Chung đã giao Công ty Thoát nước chủ trì xử lý ô nhiễm tại các hồ, đồng thời mời các chuyên gia và nhà khoa học theo dõi để đánh giá. Theo chỉ đạo của Chung, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội tổ chức đàm phán với Công ty Watch Water làm rõ quy trình sử dụng chất Redoxy 3C.
Cuối năm 2016, sau khi Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo cho phép dùng Redoxy 3C tại các hồ, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm.
Giai đoạn 2016-2019, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã thanh toán gần 138 tỷ đồng để mua hơn 400 tấn Redoxy 3C. Trong đó, 380 tấn chế phẩm đã được sử dụng.
Bộ Công an nhận định lãnh đạo Hà Nội khi sang Đức làm việc, nếu ký trực tiếp với công ty nước ngoài thì rất bình thường. Song, quá trình mua sản phẩm lại ký qua một đại lý khác. Quá trình điều tra xác định việc này gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng.
Chế phẩm Redoxy 3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của UBND TP Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu. |
Về pháp nhân Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic, cơ quan chức năng xác định tháng 11/2015, doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh với 2 thành viên góp vốn là ông Đào Xuân Tấn (người đại diện pháp luật) và ông Nguyễn Đức Hạnh.
Tháng 6/2016, ông Tấn nhượng toàn bộ vốn của mình cho bị can Nguyễn Trường Giang. Một tháng sau, ông Nguyễn Đức Hạnh cũng chuyển nhượng toàn bộ vốn của mình tại Công ty Arktic cho ông Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng.
Ngày 26/7/2016, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic thay đổi đăng ký doanh nghiệp với 2 thành viên góp vốn là Nguyễn Trường Giang và bà Hằng. Đến tháng 6/2019, Công ty Arktic có 2 thành viên góp vốn là ông Giang và ông Đỗ Xuân Hùng.
Ngày 28/8/2019, ông Nguyễn Đức Chung bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Một tháng sau, cựu Chủ tịch Hà Nội bị bãi nhiệm chức vụ.
Đầu tháng 12/2020, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Chung 5 năm tù do chiếm đoạt tài liệu mật. Ngoài vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước và mua chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung còn bị cáo buộc liên quan vụ án Nhật Cường.