Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao phim Ấn hút khách?

Nếu Hollywood được xem là “kinh đô điện ảnh” thì Bollywood (Ấn Độ) cũng không hề kém cạnh khi thời gian gần đây người ta ngày một chú ý đến thị trường làm phim nhiều màu sắc này.

Những con số “biết nói”

Ít người biết rằng, nền công nghiệp sản xuất phim lớn nhất hiện nay không phải Trung Quốc, càng không phải Mỹ mà chính là Ấn Độ. Đất nước sản xuất hơn 1.000 phim mỗi năm, gấp đôi số lượng phim mà Mỹ với vốn đầu tư trung bình 1,5 triệu USD so với 47,7 triệu USD của Hollywood. 

Phim Ấn Độ vượt trội về số lượng.

Phim Ấn Độ vượt trội về số lượng.

Vốn đầu tư thấp không đồng nghĩa với chất lượng kém khi lợi nhuận thu về từ phim Ấn Độ là 3,6 tỷ vé trong khi Mỹ là 2,6 tỷ (năm 2009). Bên cạnh đó, một phát hiện thú vị mà nhiều người đã “ngó lơ” là trailer phim bom tấn của Ấn luôn giữ kỉ lục với lượng view ngất ngưỡng trên YouTube. Ví dụ như Dhoom 3 (hơn 20 triệu lượt xem), Krrish 3 (23 triệu lượt xem)… Đây là điều mà một số phim Hollywood phải mơ ước.

Phim Ấn Độ = hành động + kỹ xảo + truyền thống + hiện đại

Ấn Độ là đất nước có dân số hơn 1,2 tỉ người với đủ sắc tộc khác nhau cộng thêm việc giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây nên màu sắc phim Ấn khá đa dạng: vừa có những phim “bom tấn” mang tính giải trí, vừa có những phim mang giá trị truyền thống khiến người xem phải suy ngẫm. 

Những bộ phim như Krrish, Dhoom, Tiger… chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách làm phim phương Tây với những màn rượt đuổi kịch tính và kỹ xảo hoành tráng. Tất nhiên, không thể thiếu những màn nhảy múa điêu luyện làm nên thương hiệu của mình.

Nhiều bộ phim mang đậm phong cách phương Tây.

Nhiều bộ phim mang đậm phong cách phương Tây.

Trái ngược với dòng phim hành động, những bộ phim mang tính triết lý, truyền thống cũng đặc biệt gây ấn tượng. Không khô khan, không giáo điều, những thước phim, lời thoại của Three Idiots đã khiến hàng triệu khán giả rớt nước mắt với tình yêu của Ghajini, hay phải giật mình trước các vấn nạn xã hội như việc ép buộc kết hôn, đòi của hồi môn… trong Rang de Basanti.

Giấc mơ “bá chủ” thế giới

Bỏ qua những “điểm trừ” (như phim quá dài, chất lượng phim không đồng đều) thì điện ảnh Ấn Độ đang từng bước tiếp cận với nhiều thị trường trên thế giới. Phim Ấn bắt đầu phổ biến ở các nơi lân cận như Pakistan, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka… gần đây là Anh, Canada, Nam Phi và Mỹ. 

Ba chàng ngốc rất quen thuộc với khán giả Việt Nam.

Ba chàng ngốc rất quen thuộc với khán giả Việt Nam.

Với tinh thần lạc quan, phim Ấn còn chinh phục khán giả bằng những ca từ, vũ điệu lồng vào niềm hy vọng, sự vươn lên trong khó khăn. Những diễn viên nổi tiếng của Ấn Độ bắt đầu có mặt tại những lễ liên hoan phim lớn của thế giới như hoa hậu Aishwarya Rai, Katrina Kaif, Sonam Kapoor… 

Bên cạnh đó, những công ty giải trí dần đưa ra chiến lược mạnh như Big Cinemas với việc phát triển hơn 500 rạp chiếu phim tập trung tại Ấn Độ, Mỹ, Malaysia và Hà Lan, CineMAX (sở hữu 138 rạp), PVR Cinemas (101 rạp), SPI Cinemas, Prasads IMAX... cũng đang dần tăng tốc trong việc “bành trướng thế lực”.

Nhiều diễn viên được yêu mến trên khắp nơi.

Nhiều diễn viên được yêu mến trên khắp nơi.

Có thể thấy, dù còn khá nhiều rào cản nhưng với khả năng sáng tạo, tiếp thu không ngừng, điện ảnh Ấn Độ đang dần ghi tên mình trên bản đồ điện ảnh thế giới.

http://www.muctim.com.vn/content/-/view/Dien-anh/Vi-sao-phim-An-hut-khach?article=451525

Theo Mia/Mực Tím

Bạn có thể quan tâm