Liên quan đến việc Việt Nam liên tiếp được các đơn vị sản xuất phim của Hollywood, truyền hình thực tế nước ngoài chọn làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay quan trọng, ông Trần Nhất Hoàng – Cục phó Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch gửi cho Zing.vn bài viết về cơ hội cũng như vấn đề đặt ra để nước ta tiếp tục được các đơn vị làm phim uy tín của quốc tế lựa chọn.
Ông Trần Nhất Hoàng - Cục phó Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. |
“Việt Nam là điểm đến mới nổi được truyền hình quốc tế quan tâm”
Có thể nói, về tổng quan đây là thời kỳ Việt Nam đang hội nhập sâu sắc, cởi mở nhất đối với thế giới. Ở bình diện du lịch và thương hiệu quốc gia, Việt Nam nổi lên như một điểm đến mới và hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới, mà các dự án truyền hình của nước ngoài thường rất quan tâm đến những điểm đến mới nổi.
Kế đến, sau nhiều dự án được thực hiện tại Việt Nam của các hãng truyền hình, hãng phim từ Nhật, Mỹ, Châu Âu, chúng tôi đều nhận được phản hồi tốt từ đối tác (đặc biệt nhất là cảnh quan đẹp, con người và văn hoá hấp dẫn, cuốn hút, sự thông thoáng về thủ tục), hiệu quả từ những dự án hợp tác trong nhiều năm qua nay đã phát huy sức lan tỏa.
Ngoài ra, trong thời đại internet cùng sức mạnh của mạng xã hội, bạn bè quốc tế dễ dàng tiếp cận thông tin về Việt Nam và trao đổi với người từng có kinh nghiệm về cách họ có thể sang Việt Nam. Thế giới trở nên cởi mở hơn và Việt Nam cũng vậy.
Điều cần thiết là chính chúng ta cần nâng cao sự chuyên nghiệp, tiếp tục có những chính sách thông thoáng hơn nữa, hợp tác nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan để luôn sẵn sàng đón chào bạn bè quốc tế. Hiện tại đang là cơ hội tốt nhất cho công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam đến quốc tế qua các dự án phim, truyền hình và truyền thông.
“Khán giả tự nhiên tìm đến sau khi phim phát sóng”
Hình thức quảng bá hình ảnh quốc gia và điểm đến qua phim ảnh, truyền hình có thể nói là một trong những hình thức hiệu quả nhất, vì nó có đặc điểm đem đến cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Nó được thực hiện bởi những người quay phim giỏi, các cảnh quay được chắt lọc kỹ lưỡng và gắn với nó là những nội dung hấp dẫn, diễn viên nổi tiếng,...
Có thể nói không dễ gì và khó có cách nào hiệu quả hơn để giới thiệu cảnh quan, văn hoá, con người Việt Nam đến hàng triệu khán giả quốc tế theo cách hấp dẫn và cuốn hút của các nhà sản xuất các chương trình lớn như Amazing Race, Top Gea… hoặc những bộ phim bom tấn. Thực tế cũng chứng minh rằng, sau mỗi chương trình truyền hình, nhất là phim điện ảnh được phát sóng, khán giả mến mộ một cách tự nhiên sẽ muốn tìm hiểu và hơn thế là muốn đến nơi mà họ được xem, hiệu quả thu hút khách du lịch vô cùng lớn.
Chúng ta từng chứng kiến nhiều bạn bè quốc tế muốn sang Việt Nam sau khi xem phim Đông Dương, Người tình…Gần đây, chúng ta vui mừng chứng kiến thành công và hiệu quả của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trong việc quảng bá vẻ đẹp và thúc đẩy du lịch Phú Yên.
Ở quốc tế thì trường hợp này càng điển hình, di sản Angko Vat sau bộ phim Bí mật Ngôi mộ cổ hoặc những cảnh quan tại New Zealand nơi quay bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn đều có số lượng khách du lịch lớn gấp nhiều lần sau những thành công của phim.
Đừng tư duy kiểu “xin” - “cho” với các hãng phim quốc tế
"Kong: Skull Island" là bộ phim có bối cảnh được thực hiện tại Việt Nam. |
Là một trong những đơn vị có chức năng hợp tác, hướng dẫn, hỗ trợ các dự án phim, truyền hình quốc tế vào Việt Nam, Cục Hợp tác Quốc tế luôn giữ và không ngừng mở rộng mối quan hệ với các đài truyền hình, hãng phim quốc tế, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ tối đa khi có đề nghị hợp tác từ phía nước ngoài.
Vừa qua, qua 2 dự án đón đoàn làm phim Kong: Skull Island và đoàn truyền hình thực tế Cuộc đua kỳ thú đã cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm và những nhận thức quý giá. Đó là nhận thức đúng về công tác hợp tác với quốc tế trong việc làm phim và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan Việt Nam, cần nhìn nhận một cách thực tế rằng: Việt Nam có ưu thế tuyệt vời về cảnh quan và nét đa dạng trong văn hoá cũng như chi phí sinh hoạt vừa phải.
Nhưng nếu ta không hỗ trợ họ tốt, không mời chào họ, họ sẽ đi nơi khác với đối tác khác, vì ta không phải là duy nhất trong thế giới phẳng và thông tin đầy ắp như hiện tại, điều mà hàng chục năm trước chúng ta luôn nghĩ các hãng phim phải "xin” và chờ ta “cho” được quay phim ở Việt Nam, đến nay vẫn rất nhiều địa phương có nhận thức phần nào còn lỗi thời này.
Chúng ta phải tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tốt nhất để họ đến như những nhà đầu tư, vì họ đem lại khả năng quảng bá thương hiệu và hình ảnh cho địa phương mình, đất nước mình đến với quốc tế.
Thứ hai, coi trọng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ công tác này thì mới hiệu quả hóa việc đón các đoàn phim quốc tế.
Vừa qua, lần đầu tiên chúng ta đón 1 đoàn phim Hollywood, rất nhiều khâu sản xuất mô hình, bối cảnh họ vẫn phải làm từ Australia chuyển sang, vận chuyển tốn kém cho họ và ta thì không thu được ngoại tệ từ những hạng mục này.
Các chuyên gia Hollywood cũng khuyên ta nên coi trọng đào tạo những đội ngũ chuyên nghiệp, từ marketing đến tổ chức sản xuất.
Thứ ba, về lâu dài, bên cạnh sự thông thoáng trong thủ tục, ta cần hấp dẫn các dự án bằng chính sách hoàn thuế, đây là yếu tố quyết định trong việc ta có đón được những hợp đồng lớn hay không
Đó là việc khó vì nó liên quan đến nhiều Bộ ngành, nhưng cần tính đến. Trên thế giới, những quốc gia thành công trong lĩnh vực này đều có chính sách hoàn thuế lên đến 20-25% các chi tiêu của dự án.
Cuối tuần qua, đoàn Cuộc đua kỳ thú của Canada vừa thực hiện ghi hình tại TP.HCM và Tiền Giang. Giữa tháng 5 này, đoàn của Ba Lan sẽ sang các tỉnh phía bắc Việt Nam ghi hình. Đoàn tiền trạm của Mỹ cũng chuẩn bị sang Hà Nội, Ninh Bình để ghi hình vào cuối tháng 6.
Chương trình Cuộc đua kỳ thú phiên bản Israel, dự kiến sẽ lên sóng Đài truyền hình Reshet, cũng có tập được ghi hình tại VN vào 15/5. Mỗi đoàn khi đến VN, ngoài các “tay đua” là cả một ê kíp hùng hậu gồm đạo diễn, quay phim, người dẫn chương trình, họa sĩ thiết kế, nhân viên hậu cần... và hàng tấn máy móc, thiết bị phục vụ cho khoảng 1 tuần ghi hình.