Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao phim Nhật vắng bóng trên màn ảnh Việt?

Những năm qua, phim Nhật Bản gần như biến mất trên các kênh truyền hình Việt Nam, để lại sự tiếc nuối cho không ít khán giả.

Hơn chục năm trở lại đây, Việt Nam mở cửa tiếp nhận nhiều làn sóng văn hóa từ các nước khác nhau trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ… đem lại sự đa dạng trong đời sống nghệ thuật của người dân.

Cùng với âm nhạc, phim ảnh là đại diện tiêu biểu của những làn sóng văn hóa này bởi yếu tố đại chúng dễ tiếp cận và đem tới nhiều giá trị chân-thiện-mỹ tốt đẹp cho cuộc sống.

Hàng triệu giờ phim truyền hình mỗi ngày cũng như hàng ngàn phim điện ảnh chiếu rạp là minh chứng cho sự mạnh mẽ của các bộ phim nước ngoài ở thị trường trong nước. Tuy vậy, cho dù mỗi dòng phim có lúc hưng lúc thịnh, đến rồi dần đi theo năm tháng, nhưng ít có làn sóng nào tới sớm và giữ nguyên vị trí của nó trong trái tim của một nhóm khán giả Việt Nam như phim ảnh Nhật Bản.

Phim Nhat that bai o Viet Nam anh 1
Chuyện nữ tiếp viên hàng không từng tạo nên cơn sốt "Cố lên Chiaki!". Ảnh: IMDB.

Phim Nhật ở Việt Nam

Những bộ phim truyền hình Nhật Bản tới nước ta vào khoảng những năm 1990, gắn liền với tuổi thơ của phần đông thế hệ 7X-8X lúc đó. Các bộ phim nhiều tập như Oshin, Ngôi sao may mắn, Chuyện nữ tiếp viên hàng không, Cô thợ làm bánh Asuka, Cô gái kỳ quặc, Kokoro…, thu hút được sự chú ý của đông đảo gia đình Việt khi được phát sóng vào những khung giờ đẹp.

Đến giờ, người ta vẫn không khỏi xao xuyến với vẻ đẹp của cô gái câm điếc Aya, cảm động với sức sống mạnh mẽ của Oshin, sự hết lòng với công việc và người thân của Asuka, hay không thể quên câu nói “Cố lên Chiaki!” như một lời động viên thân thuộc.

Ngoài phần nội dung sâu sắc, đậm tính nhân văn, tình cảm của phương Đông, các bộ phim Nhật lúc đó còn hay chiếu vào những thời gian cả nhà có thể quây quần bên nhau xem phim.

Do đó, có thể nói, các bộ phim Nhật không chỉ gợi nhớ vì phần nội dung, mà còn bởi khoảnh khắc đầm ấm ngày xưa của cả nhà ăn cơm, xem phim và trò chuyện vui vẻ với nhau, không có sự xao nhãng của các thiết bị điện tử hiện đại như bây giờ. Đó là những điều mà nhiều bộ phim Nhật thời kỳ đó đã làm được, trong khi các làn sóng phim khác tới sau lại không thể.

Phim Nhat that bai o Viet Nam anh 2
Những chàng trai nước thất bại khi chiếu ở Việt Nam.

Sau khi làm xao động trái tim khán giả Việt bằng các bộ phim truyền hình, phim điện ảnh Nhật chiếu rạp cũng được kỳ vọng khi nhập về, nhưng lại không có những thành công như vậy.

Bộ phim Những chàng trai nước (Waterboys) được quảng bá rộng rãi, có sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng, kết hợp với phần nội dung hài hước đặc sắc, nhưng cũng không đem lại doanh thu phòng vé cao.

Cùng thời điểm ấy, các bộ phim kinh dị Nhật làm mưa làm gió trên toàn cầu như Ringu, Ju-On… lại không được chiếu ở Việt Nam vì không qua kiểm duyệt. Từ đó, phim ảnh Nhật dần rút lui khỏi màn ảnh Việt Nam.

Vì sao nên nỗi?

Có khá nhiều lý do khiến phim ảnh Nhật từng một thời vang danh, lại dần biến mất khỏi thị trường Việt Nam. Ngoài vấn đề kiểm duyệt, làn sóng văn hóa Hàn Quốc vào thời điểm đó tràn tới các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) một cách ồ ạt, với những phim truyền hình liên tục trên sóng.

Trong khoảng thời gian sau năm 2000, các bộ phim Hàn Quốc chiếm đa số sóng trên truyền hình Việt Nam, với thời điểm cao nhất lên tới 60% tổng số phim. Chính vì vậy, các bộ phim “ít long lanh” hơn của Trung Quốc, Nhật Bản... dần bị hạ xuống bởi không thể cạnh tranh được.

Không chỉ vậy, các bộ phim truyền hình và điện ảnh Nhật Bản đều có giá bản quyền khá đắt, khiến việc mua về dường như là bất khả thi. Theo số liệu từ nguồn riêng, một series phim hoạt hình 25 tập được bán với giá 1.000 USD/ năm, tức hơn 500 triệu đồng để mua cả series đó.

Phim Nhat that bai o Viet Nam anh 3
Phim Nhật Bản giờ chỉ còn tồn tại ở Việt Nam qua các buổi chiếu phim miễn phí của Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản.

 

Con số đó dĩ nhiên đắt hơn nhiều so với các bộ phim Hàn Quốc được mua bản quyền với giá hữu nghị giữa các sứ quán và trung tâm trao đổi văn hóa, với mục đích phủ sóng văn hóa Hàn mạnh mẽ hơn.

Các bộ phim Nhật Bản lên sóng truyền hình Việt Nam vào những năm 1990 cũng như gần đây cũng chủ yếu đi theo con đường này, dù rõ ràng số lượng không thể nhiều như các bộ phim Hàn Quốc.

Ngoài ra, có thể kể tới tính khép kín của người Nhật Bản cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc phim Nhật dần bị lu mờ. Trong khi Nhật Bản đã là một thị trường đủ lớn tới mức người làm nghề chỉ cần thu lợi nhuận ở đó, họ có cảm giác ngại ngùng khi phải ra nước ngoài để quảng bá.

Như trường hợp của Kazuya Kamenashi (diễn viên/ca sĩ trong nhóm KAT-TUN) khi được nhà sản xuất mời sang LHP Udine (Italy) để quảng bá bộ phim It’s me It’s me, anh đã từ chối vì sợ… người khác chụp ảnh. Trong khi các nước khác thi thoảng vẫn cố tới để quảng bá phim, thì điện ảnh Nhật lại sử dụng cách “hương thơm bay xa” để xây dựng hình ảnh của mình.

Làn sóng ngầm đổi thay

Điện ảnh Nhật Bản là một trong số những nền công nghiệp điện ảnh lớn và lâu đời nhất trên thế giới, xếp vị trí thứ 4 về số lượng phim truyện và chiến thắng nhiều giải Oscar nhất trong các nước Châu Á. Suốt hơn 100 năm kể từ ngày ra đời, điện ảnh Nhật Bản đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn luôn có những tác phẩm đặc sắc và những thế mạnh riêng. 

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Nhật đã gượng dậy sau cơn khủng hoảng 2011 (do thảm họa động đất, sóng thần) với những gương mặt đạo diễn, diễn viên mới mẻ cùng những câu chuyện thú vị hơn.

Chính vì khả năng tự lực cũng như chiều sâu nội dung, điện ảnh Nhật luôn có một dòng fan hâm mộ trung thành ở nhiều quốc gia, bất chấp số lượng phim chiếu ít ỏi. Như ở Việt Nam, mỗi khi có một kỳ liên hoan phim Nhật Bản, lại sẽ có một hàng dài người hâm mộ xếp hàng để chờ mua vé vài ngày trước khi buổi chiếu diễn ra. Điều đó chứng tỏ khán giả Việt Nam vẫn luôn hào hứng, đón chờ khi một bộ phim Nhật công chiếu.

Không chỉ có các phim đến từ các tuần lễ phim giao lưu văn hóa, một số bộ phim hoạt hình như Doraemon, Thám tử Conan, Pokemon cũng đã được chiếu rộng rãi tại các hệ thống rạp phim lớn ở Việt Nam, thu hút được một số lượng doanh thu cao đáng kinh ngạc.

Dĩ nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bởi nhiều bộ phim Nhật có yếu tố rùng rợn, ly kỳ có bối cảnh châu Á quen thuộc đã không qua được kiểm duyệt để phát hành Việt Nam.

Phim Nhat that bai o Viet Nam anh 4
Phim Nhật Bản hiếm hoi với sự xuất hiện “diễn viên thần tượng” là thành viên ban nhạc Super Junior của Hàn Quốc để thu hút khán giả.

 

Một hãng phát hành từng muốn đem bộ phim doanh thu cao ở Nhật Ju-On: The Final Curse về Việt Nam, nhưng đã không thành công. May mắn hơn, bộ phim kinh dị Sadako vs Kayako phát hành ở Việt Nam đầu tháng 11 vừa rồi “lọt khe” để được chiếu rộng rãi trên toàn quốc.

Có thể nói, những bộ phim Nhật mà chúng ta xem gần đây ở rạp là một nỗ lực của các nhà phát hành trong việc đem tới những “món ngoại” ngon hơn cho thị trường phim ảnh ở nước ta.

Có một nền điện ảnh lớn, Nhật Bản vẫn luôn tự hào là nơi được các hãng phim Hollywood tới để quảng bá, cũng như có thể tự thân sản xuất ra nhiều bộ phim đặc sắc. Trong vài năm nay, các hãng phim Nhật đã dần mở cửa và liên kết với nhiều nhà phát hành nước ngoài để đưa phim của họ tới nhiều quốc gia hơn.

Còn về phía khán giả, ai cũng hy vọng số lượng phim Nhật Bản công chiếu ở Việt Nam sẽ được tăng lên, như để nhớ về một thời “hoàng kim” của phim Nhật những năm 1990 gắn liền với tuổi thơ của những 7X-8X bấy giờ.

Chùm tác phẩm góp mặt trong LHP Nhật Bản tại Việt Nam 2016

Sự kiện điện ảnh do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tổ chức tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng từ 28/10 tới 27/11, với sự có mặt của nhiều bộ phim mới đến từ xứ sở hoa anh đào.

Trung Rwo

Bạn có thể quan tâm