10 năm trước, phim truyền hình Việt phát triển cực thịnh: diễn viên nổi tiếng sau mỗi vai diễn, khán giả quan tâm, bàn tán sau mỗi tập phim... Nhưng hiện nay, phim truyền hình Việt đang đối diện với nhiều khó khăn cũng như chịu sự thờ ơ của khán giả.
Gameshow truyền hình – kẻ phá đám
Sự ra đời và du nhập của hàng loạt game show truyền hình đã trở thành “hung thần” với nhiều ngành nghệ thuật. Nếu game show thắng kịch, sân khấu ca nhạc nhờ sự đầu tư sân khấu hoành tráng, tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng thì truyền hình thực tế lại đánh bật phim truyền hình ở thứ tưởng như phía sau nhưng lại có tính quyết định - doanh thu quảng cáo.
Chi Pu và Nhan Phúc Vinh trong phim Vẫn có em bên đời. Ảnh: ĐPCC |
Kinh tế Việt Nam chưa khởi sắc sau cơn khủng khoảng nên thị trường quảng cáo năm 2016 tiếp tục giảm. Một miếng bánh bị chia nhỏ thành nhiều phần nên tất nhiên thị phần quảng cáo dành phim truyền hình giảm. Hiện nay, gameshow nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả vì vậy các nhãn hàng đổ xô vào quảng cáo. Họ thậm chí chấp nhận trả giá cao hơn để xuất hiện trong những chương trình hot.
Một nhà sản xuất phim lớn của TP HCM cho biết: “Nếu trước đây, một tập phim có thể thu về 700 triệu đồng quảng cáo thì bây giờ cao nhất là được 400 triệu đồng. Tuy nhiên con số này rất hiếm, đa số chỉ ở mức 200-300 triệu đồng”.
Dịp Tết vừa qua, các hãng phim không sản xuất phim mới mà chiếu lại phim cũ bởi dịp này lượng quảng cáo sụt giảm mạnh. Không ai dám mạo hiểm bởi sản xuất phim Tết là nắm chắc phần lỗ.
Không những thế, sự thay đổi trong chính sách của nhà đài cũng khiến nhà sản xuất phim truyền hình lao đao. Trước đây, nhà làm phim được nhận đủ định mức nếu đạt rating và định mức quảng cáo nhưng từ 2015 tới nay, mỗi tập phim, nhà đài sẽ nhận trước hơn 200 triệu đồng. Sau đó, nhà sản xuất mới được nhận. Nhận đủ 180 triệu thì số tiền còn lại sẽ chia hai bên theo tỉ lệ trong hợp đồng.
Một nhà sản xuất giấu tên cảm thán: “Hiện nay, thu đủ kinh phí sản xuất 180 triệu đồng mỗi tập đã khó, nói gì đến việc được chia số dư. Vào những tháng sau Tết, quảng cáo giảm thê thảm, chúng tôi phải nhờ đài giảm định mức nếu không thì lỗ lớn”.
10 năm, 1 giá tiền mỗi tập phim
Không chỉ bị khán giả quay lưng, doanh thu quảng cáo sụt giảm, nhà sản xuất phim truyền hình còn gặp khó khăn từ các đài truyền hình. 10 năm nay, trong khi chi phí cho bối cảnh, diễn viên ngày càng tăng thì số tiền đài trả cho mỗi tập phim vẫn giữ giá 180 triệu đồng với HTV, VTV và THVL1 cao hơn một chút. Vì vậy, đơn vị sản xuất phải liệu cơm gắp mắm, tiết kiệm tối đa mọi thứ.
Siêu mẫu Đức Hải trong phim Biệt thự Pensse. Ảnh: ĐPCC |
Bà Thu Thủy, giám đốc Senafilm cho biết: “Đài phải cam kết ngân sách với nhà nước. Yêu cầu nộp ngân sách của nhà đài mỗi năm tăng đều đặn 10%. Nguồn thu của đài lại chỉ dựa vào quảng cáo do đó, đài phải đảm bảo nguồn thu cho mình trước. Những đơn vị như chúng tôi chỉ biết làm phim, không làm truyền thông, quảng cáo nên khó đủ chỉ tiêu như đài đặt ra. Bây giờ chỉ làm vì đam mê. Đến khi nào không duy trì được thì đành chịu”.
Chính vì số tiền đài trả cho mỗi tập phim không quá 200 triệu đồng, nhà sản xuất rất e dè đầu tư cho phim. Các dự án phim hiện nay đã bị cắt giảm 50-60%.
TP HCM vốn là thị trường sản xuất phim của hàng chục công ty sản xuất nhưng đến nay ngay cả những tên tuổi lớn đều sản xuất cầm chừng. M&T Picture đã giảm từ 600 tập phim mỗi năm xuống 300 tập. Công ty Sóng Vàng cũng giảm 50% số lượng tập phim và chuyển hướng sang đầu tư phim điện ảnh.
Bà Bích Liên giám đốc đơn vị này từng chia sẻ: “Đầu tư phim truyền hình cũng tốn gần 5 tỷ đồng, con số này tương đương với phim điện ảnh kinh phí thấp. Số tiền dành cho phim truyền hình lại bị chôn khá lâu. Trong khi đó phim điện ảnh ra rạp, lời lỗ biết ngay trong 1 tuần”.
Kịch bản nhàm chán vì bị bó hẹp trong khuôn khổ
Gần đây phim Hậu duệ mặt trời gây sốt khắp châu Á. Điều này chứng tỏ phim truyền hình vẫn là mảnh đất màu mỡ với các nhà làm phim. Nhìn người, nghĩ đến ta, phim Việt cho đến bao giờ mới khởi sắc?
Ngọc Lan trong phim Mặn hơn muối. Ảnh: ĐPCC |
So với nước ngoài, diễn viên Việt Nam đẹp và diễn xuất không thua kém nhưng phim Việt thua ngay từ khâu đầu tiên là kịch bản. Một nhà làm phim nổi tiếng từng cho rằng: “Một bộ phim hay trước tiên phải là một kịch bản hay”. Đề tài phim truyền hình Việt khá nhàm chán vì quanh quẩn chỉ là những câu chuyện về mâu thuẫn gia đình, tình tay ba…
Lời thoại phim rơi vào sáo rỗng, tình tiết, nội dung phi logic… đó là những nhận xét quen thuộc khi xem phim. Đội ngũ viết kịch bản của Việt Nam đa số là các bạn trẻ, ít có kinh nghiệm sống.
Một đại diện nhà sản xuất M&T Picture cho rằng: “Kịch bản phim tốt đã khó nhưng đươc kiểm duyệt lại càng khó hơn. Chúng tôi tìm tòi đề tài mới, kinh dị hơn hoặc bay bổng hơn như phân thân, đồng tính thì bị cho rằng không sát thực tế. Tiêu chí của đài, nội dung phim truyền hình phải là thực tế như đời sống và có tính tuyên truyền.
Về chất lượng càng không thể so sánh với phim Hàn Quốc. Biên kịch phim Hậu duệ mặt trời nhận 7 nghìn USD/tập phim, còn chi phí sản xuất là 500 nghìn USD/tập. Những con số này gấp 100 lần phim Việt”.
Phim truyền hình Việt đang thoái trào, đối diện với nhiều khó khăn song chưa có giải pháp tháo gỡ. Bởi vậy, các nhà sản xuất đang làm phim với tâm thế: còn nước còn tát, khi sức cùng lực kiệt thì... đầu hàng.