Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao phim về vụ nữ sinh viên mất tích sau clip kỳ quái gây hụt hẫng?

Theo Screen Rant, phim tài liệu “Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel” giải đáp những khúc mắc xung quanh vụ mất tích của Elisa Lam, đồng thời để lại không ít tiếc nuối.

Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel là tác phẩm tài liệu đến từ Netflix, xoay quanh vụ mất tích của Elisa Lam tại khách sạn Cecil.

Đầu năm 2013, nữ sinh viên gốc Hoa tới Mỹ du lịch. Trú ngụ tại khách sạn Cecil khi đặt chân tới Los Angeles, Lam không trả phòng như đã định vào ngày 1/2/2013, trong khi đồ đạc của cô vẫn còn nguyên. Khi cảnh sát bắt đầu điều tra, họ như đâm đầu vào ngõ cụt trong công cuộc tìm kiếm.

phim ve Elisa Lam anh 1

Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel kể lại vụ mất tích bí ẩn của Elisa Lam hồi đầu năm 2013.

Ngày 15/2/2013, vụ mất tích thực sự gây rúng động khi cảnh sát tung lên mạng Internet đoạn video ghi lại hình ảnh được cho là cuối cùng của Elisa Lam. Cô gái ở trong thang máy, có nhiều hành vi kỳ lạ, rồi bước ra khỏi khung hình.

Nhiều “thám tử mạng”, YouTuber vào cuộc từ đây, nghĩ ra đủ loại giả thiết lẫn thuyết âm mưu xoay quanh vụ việc. Tới ngày 19/2/2013, thi thể của Elisa Lam được phát hiện trong một bể nước trên tầng thượng của khách sạn.

Cảnh sát sau đó kết luận đây là một tai nạn, nhưng nhiều người vẫn cho rằng câu chuyện không đơn giản như thế.

Loạt phim bốn tập của Netflix đã đưa tới đáp án đầy đủ cho những nghi vấn, tranh cãi kéo dài suốt gần 8 năm qua xoay quanh vụ mất tích bí ẩn. Song, Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel đồng thời còn nhiều điểm chưa thỏa đáng.

Sự dài dòng trong cách kể chuyện

Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel dài bốn tập, với tổng thời lượng gần bốn tiếng đồng hồ. Trong đó, lịch sử tai tiếng của khách sạn Cecil được đào sâu, và cả khu “Skid Row” khét tiếng xung quanh khu vực cũng được mô tả kỹ lưỡng.

Dần dà, series đưa người xem tới gặp gỡ những người liên quan tới vụ mất tích bí ẩn năm xưa. Tất cả đều giúp đưa đến kết luận rằng Elisa Lam gặp vấn đề về mặt tâm lý và cái chết thương tâm của cô là một tai nạn đáng buồn đến từ việc nữ sinh viên bỏ thuốc nhiều ngày.

Vấn đề nằm ở việc nhiều tình tiết quan trọng xoay quanh vụ mất tích không được sớm tiết lộ, mà được “để dành” tới tập bốn.

Nhiều chi tiết đinh trong cuộc điều tra bị giấu kín cho tới tập bốn.

Phụ huynh và chị gái của Lam không xuất hiện trong series là điều có thể hiểu được. Nhưng loạt phim cũng không tiếp cận bạn bè hoặc những người thân khác của nạn nhân. Để khắc họa con người Lam, ê-kíp chủ yếu sử dụng các bài đăng trên Tumblr của cô, và tệ hơn, là lời của một số “thám tử mạng”.

Trong 12 người tham gia trả lời phỏng vấn ở tập một, không có ai có quan hệ cá nhân với Elisa Lam. Đến tập hai, một số còn tỏ ra hào hứng trước thông tin Richard Ramirez - tên sát nhân hàng loạt có thật từng được Netflix khai thác qua series Night Stalker - từng trú ngụ ở Cecil.

Nhưng sự thật là quá khứ tai tiếng của Cecil không liên quan nhiều tới vụ mất tích của Elisa Lam. Nhiều đoạn phỏng vấn không mang giá trị đối với tổng thể tác phẩm. Trong khi đó, Tiến sĩ Judy Ho - một chuyên gia tâm lý thần kinh - lại có hơi ít thời lượng để diễn giải về những hành vi bất thường trong clip của Lam.

Cấu trúc bất ổn

Crime Scene bắt đầu với nhiều lát cắt xung quanh vụ mất tích của Elisa Lam, thay vì đi vào những sự thật. Điều này giúp tạo ra sự hào hứng ban đầu. Nhưng cho tới khi loạt phim khép lại, người xem có thể cảm thấy giống như mình “bị lừa”.

Gia đình và người thân Elisa Lam không trả lời phỏng vấn ê-kíp.

Nếu loạt phim sớm đề cập tới tình trạng tinh thần của Lam, tác phẩm có thể cô đọng lại còn hai, thậm chí một tập phim. Nhiều thông tin quan trọng cũng bị loại bỏ lúc đầu, như hành vi kỳ quặc với bạn cùng phòng trước đó của cô gái, bị buộc rời khỏi trường quay của một talk show sau khi tìm cách gửi thư cho người dẫn chương trình…

Trái lại, loạt phim xây dựng bầu không khí bí ẩn bằng cách khai thác lịch sử tai tiếng của khách sạn Cecil, như thể gợi mở rằng có thế lực đen tối, hay thậm chí siêu nhiên, nào đó liên quan đến vụ việc.

Hình ảnh các “thám tử mạng”

Crime Scene dành nhiều thời lượng để các “thám tử mạng” lên tiếng. Trước tiên, họ đóng vai trò không nhỏ trong toàn bộ vụ mất tích. Nhưng không vì thế mà nhóm này nên được đặt làm trọng tâm cho tác phẩm, lấn át các người khác.

Trong số này, John Shobhani dường như bị ám ảnh với vụ việc. Nhân vật thậm chí còn nhờ bạn tới mộ phần của Lam, chạm tay vào đó. YouTuber John Lordan cũng được ưu ái dành cho nhiều thời gian xuất hiện trước ống kính.

Phim để các "thám tử mạng" giãi bày rất nhiều, nhưng lại thất bại trong việc khắc họa đầy đủ nhóm này.

Nhưng sau tất cả, loạt phim thất bại trong việc phân tích động cơ của nhóm này. Liệu đó là tiền bạc, danh tiếng, hay điều gì khác? Trong phim, các “thám tử mạng” ban đầu cứ thế thao thao bất tuyệt về những bí ẩn, thuyết âm mưu, nhưng tất cả thực tế đã được mổ xẻ suốt nhiều năm qua trên mạng Internet.

Có thể hiểu rằng Crime Scene muốn cảnh báo về sự mù quáng của dân mạng trong chuyến hành trình đi tìm công lý, ngay cả khi cảnh sát đã đưa ra câu trả lời với đầy đủ bằng chứng thuyết phục. Nhưng thông điệp ấy không được làm nổi bật rõ cho người xem.

John Lordan, YouTuber hào hứng với vụ án từ những ngày đầu và theo dõi clip kỳ quái của Elisa Lam hàng nghìn lần, thực tế đã thay đổi sau khi vụ án khép lại. Bản thân anh nhận ra sự mù quáng của bản thân, và hiện được đánh giá là một trong những “thám tử mạng” uy tín. Nhưng loạt phim cũng không cho thấy rõ thay đổi tích cực của nhân vật nhờ vụ án.

Sự thật về Morbid

Trong tập ba và đầu tập bốn, khán giả đau lòng khi chứng kiến một rocker người Mexico mang nghệ danh Morbid bị dân mạng tấn công, gán cho tội danh sát hại Elisa Lam bởi những luận chứng vô thưởng vô phạt.

Theo đuổi dòng nhạc death metal, Morbid từng có nhiều sáng tác liên quan đến chuyện chém giết. Dân mạng phát hiện ra anh từng tự ghi lại hình ảnh bản thân khi trú ngụ ở khách sạn Cecil. Nhưng thực tế thì Morbid đã tới đây từ ba năm trước khi vụ mất tích xảy ra.

Sau khi bị vu khống, cuộc đời và sự nghiệp Morbid gần như sụp đổ. Anh thậm chí đã có ý định tự sát.

Câu chuyện về Morbid cần được kể đến tận cùng, thay vì lửng lơ như trong phim.

Vấn đề nằm ở việc loạt phim khắc họa Morbid như một nghệ sĩ vô danh nào đó trên mạng. Trên thực tế, anh sau này trở thành một nhà làm phim thành công, từng dành học bổng tới Học viện Điện ảnh New York vào năm 2016, có giải thưởng tại Liên hoan phim FICIME vào năm 2018.

Morbid hiện lên trong phim nghiệp dư giống như đám “thám tử mạng”. Anh đã chịu nhiều đau khổ cách đây gần 8 năm. Giờ là lúc Morbid cần được xin lỗi như chính lời nhân vật bộc bạch, và ghi nhận như một người đã đứng lên từ đau thương.

Thiếu chiều sâu về chứng rối loạn lưỡng cực

Sau cùng, tất cả cho thấy Elisa Lam là cô gái đáng thương, cần được giúp đỡ, nhưng lại không có được điều đó từ môi trường xung quanh. Lam rõ ràng đã chủ động dừng uống thuốc, nhưng loạt phim cũng không thể làm rõ lý do đằng sau, dù cho đây cũng là tình tiết hết sức quan trọng.

Thông điệp hãy quan tâm hơn đến những người mắc bệnh tâm lý xuất hiện ở tập bốn có phần đột ngột.

Thay vì đào quá sâu vào lịch sử khách sạn, thậm chí còn đề cập tới thuyết âm mưu ngớ ngẩn liên quan tới bộ phim Dark Water (2005) nhằm tăng chất kịch tính, Crime Scene lẽ ra nên làm rõ hơn về chứng rối loãn lưỡng cực để cảnh tỉnh người xem.

Sự thật có thể không hấp dẫn, bởi dân mạng đến giờ thỉnh thoảng vẫn đào bới clip thang máy của Elisa Lam lên để phân tích, đặt ra thuyết âm mưu về một kẻ giết người nào đó. Đáng tiếc thay, phần lớn series lại như tiếp thêm “năng lượng” cho luồng dư luận ấy.

Thay vào đó, những tình tiết quan trọng, những lời cảnh báo cần thiết, chỉ xuất hiện một cách chóng vánh ở đoạn kết của toàn bộ series.

Lời giải cho vụ nữ sinh viên mất tích sau clip kỳ quái trong thang máy

Bí ẩn về video kỳ dị trong thang máy ghi lại những thời khắc cuối cùng của Elisa Lam - nữ sinh viên 21 tuổi qua đời hồi năm 2013 - được bóc tách qua loạt phim tài liệu dài bốn tập.

An Thanh

Bạn có thể quan tâm