Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao phim Việt trên VTV phải kiếm tiền tỷ quảng cáo bằng nhiều cách?

Việc công nghiệp và thương mại hóa được cho là đòi hỏi tất yếu để phim truyền hình Việt Nam có thể tương thích với khu vực, dễ dàng trong việc đầu tư cũng như trao đổi bản quyền.

Việc kiếm tiền trên sóng giờ vàng phim truyện của VTV được đánh giá là ngày càng đa dạng. Ngoài kiểu quảng cáo truyền thống với thời lượng khoảng vài phút giữa phim vẫn được duy trì, phim truyền hình Việt giờ đã đẩy mạnh quảng cáo bằng chính lời thoại và cảnh quay trong phim.

Nhiều khán giả, thậm chí có cả biên kịch phản ứng vì cho rằng quảng cáo thông qua nội dung phim là lộ liễu và làm giảm chất lượng của bộ phim.

Nhưng thực tế đây là xu hướng hiện đại, tất yếu và góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền công nghiệp phim truyền hình, miễn là quảng cáo được cài cắm tinh tế, không bị thô thiển và phản cảm như một số phim trên sóng VTV vừa qua.

quang cao phim truyen hinh anh 1
Thời gian gần đây, VTV trao đổi bản quyền với nhiều đài truyền hình nước ngoài. Cả một đời ân oán là bộ phim Việt hóa từ Cô dâu bạc triệu (Đài Loan).

Phim truyền hình trên sóng VTV đã qua thời "bao cấp"

Trao đổi với Zing.vn, NSƯT - đạo diễn Trần Lực cho biết đã từ lâu phim truyền hình phải bán được quảng cáo. Nếu không thu hút được quảng cáo, không thu hút được tài trợ thì phim rất khó được phát sóng giờ vàng.

"Không chỉ chúng tôi là những người làm phim bên ngoài mà ngay cả VFC (đơn vị sản xuất phim của VTV) cũng như vậy. Phim truyền hình hiện nay phải có doanh thu từ quảng cáo, và yêu cầu này ngày càng cao, ảnh hưởng đến cả việc chọn đề tài, việc sản xuất phim", đạo diễn Trần Lực nhấn mạnh.

Thực tế, phim truyền hình trên sóng VTV từng có một thời kỳ được "bao cấp". Nhưng trong sự phát triển chung của kinh tế thị trường hiện nay, truyền hình và nhiều lĩnh vực khác đều phải quan tâm đến doanh thu, kiếm tiền để có kinh phí và tái đầu tư.

Chia sẻ với phóng viên, NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC) - khẳng định "Trước đây chúng ta có suy nghĩ truyền hình là nhận tiền từ nhà nước, nhưng rõ ràng hiện nay truyền hình cũng là ngành phát triển, và phải phát triển để tương thích với khu vực".

Những năm gần đây, Việt Nam có nhiều bộ phim Việt hóa, chuyển thể xuất phát từ việc trao đổi bản quyền với các đài nước ngoài. Do vậy, nếu không có những sản phẩm chất lượng tương xứng, VTV cũng rất khó để có được bản quyền của Người phán xử (Irasel), Cả một đời ân oán (Cô dâu bạc triệu - Đài Loan) hay mới đây nhất là Ngày ấy mình đã yêu (Tình yêu tìm thấy - Hàn Quốc). 

"Để phát triển bền vững, để hợp tác lâu dài, chúng ta cũng phải có sản phẩm đạt được chất lượng ngang với họ. Và muốn như vậy, phim Việt phải thay đổi để tạo nên sự hấp dẫp, để cho khán giả phải xem phim của mình, phải chờ đợi", giám đốc VFC cho hay.

Để có những bộ phim được đánh giá là "bom tấn" của màn ảnh nhỏ, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng tiết lộ rằng đơn vị đã phải lập đề án thay đổi chất lượng phim truyền hình, thể hiện quyết tâm trong việc xây dựng nền công nghiệp phim truyền hình ở Việt Nam, thỏa mãn được khán giả trong nước.

quang cao phim truyen hinh anh 2
Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải hiện là Giám đốc VFC. Ảnh: Việt Hùng.

Doanh thu từ quảng cáo giúp tái đầu tư phim 

Trong sự phát triển của truyền hình, cách triển khai một dự án phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi.

Đài truyền hình Việt Nam là đơn vị đầu tư nhưng VFC sẽ tự cân đối thu chi. Các khâu bếp núc như kịch bản, quy trình sản xuất là do VFC chủ động thực hiện.

Thế nhưng, gần như 100% quảng cáo là Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình quản lý, kiểm soát. Khi Tình khúc Bạch DươngNgười phán xử tiền truyện có quảng cáo bằng lời thoại và cảnh phim, nhiều khán giả thắc mắc "Nguồn thu từ quảng cáo như vậy sẽ về túi ai: VTV, VFC hay đạo diễn, diễn viên?".

Thực tế, tất cả đều về VTV. Các đơn vị tài trợ, doanh nghiệp sẽ làm việc với Trung tâm quảng cáo và dịch vụ phim truyền hình của VTV. Khi hai bên đã có thỏa thuận, VFC gần như chỉ là đơn vị thực hiện, trong đó có việc cài cắm các cảnh quảng cáo vào nội dung phim.

"Trung bình mỗi năm VFC sản xuất 300 tập phim, bình quân đơn giá là 200 triệu mỗi tập".

Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải.

Sau Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử, sóng giờ vàng phim truyện trở nên "đắt giá".

Khung quảng cáo giữa phim cùng với việc quảng cáo bằng lời thoại và cảnh phim trong một số bộ phim mới lên sóng, VTV đã có doanh thu không hề nhỏ.

Đó có lẽ cũng là lý do để VTV "mạnh tay" đầu tư cho nhiều dự án phim của VFC trong năm nay.

Những bộ phim ngày càng đa dạng về đề tài (từ giang hồ đến đề tài mại dâm), bối cảnh công phu (Tình khúc Bạch Dương quay nhiều tháng ngày ở Nga), thu tiếng đồng bộ (Cả một đời ân oán, Ngày ấy mình đã yêu, Quỳnh búp bê).

Đặc biệt, việc "Nam tiến" cũng chứng tỏ VFC ngày càng muốn mở rộng đối tượng khán giả, không gian địa lý, thoát khỏi "vùng an toàn Hà Nội". Bằng chứng là gần đây VFC có những bộ phim quy tụ diễn viên miền Nam tham gia, thậm chí quay luôn tại miền Nam như Ngày ấy mình đã yêu. 

Ngoài việc đầu tư của Đài, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết việc đầu tư còn nằm trong cách quản lý của VFC. Đơn vị có quyền quyết định phim nào sẽ đầu tư cao hơn và phim nào sẽ đầu tư thấp hơn liên quan đến yêu cầu về bối cảnh, số lượng tập phim.

"Trung bình mỗi năm VFC sản xuất 300 tập phim, bình quân đơn giá là 200 triệu một tập. Tôi có quyền điều tiết, quyết định đầu tư phim nào cao, phim nào thấp miễn là không vượt quá số tiền đó. Như phim Sống chung với mẹ chồng, mỗi tập không đến mức đó nhưng Người phán xử lại nhiều hơn vì đòi hỏi về không gian, số lượng diễn viên. Với những phim bối cảnh nước ngoài lại có thể nhỉnh hơn nữa", giám đốc VFC tiết lộ.

quang cao phim truyen hinh anh 3
Một cảnh quảng cáo app trong phim Tình khúc Bạch Dương.

'Quảng cáo ở mức chấp nhận, khán giả sẽ quen'

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, việc quảng cáo trong điện ảnh, truyền hình là hết sức bình thường. Doanh thu từ quảng cáo giúp tái đầu tư, tái sản xuất. Nhiều bộ phim truyền hình trong khu vực và trên thế giới cũng quảng cáo cho đồng hồ, bia, thời trang, điện thoại.

Giám đốc VFC nhấn mạnh việc quảng cáo trong kịch bản là "điều bắt buộc", không có gì xa lạ. Nhưng anh cũng đồng tình "có thể vì mới nên khán giả Việt chưa quen với điều này".

Không chỉ khán giả chưa quen mà đội ngũ biên kịch của Việt Nam cũng chưa quen. Vì chưa quen nên nhiều biên kịch phản ứng cho rằng sẽ làm hỏng nội dung phim. Thế nên khi bắt tay vào làm kịch bản sự cài cắm quảng cáo chưa được chuyên nghiệp.

"Đội ngũ biên kịch phía Hàn Quốc làm rất tốt việc quảng cáo trong kịch bản phim. Ngay khi xây dựng kịch bản, họ đã chủ ý dành những khoảng trống để chèn thương hiệu. Trong Tuổi thanh xuân, khi chúng tôi làm việc với họ, thấy họ làm điều này rất nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp", giám đốc VFC chia sẻ.

Nhờ sự "tinh vi" trong việc cài cắm quảng cáo trong những bộ phim Hàn, xứ sở kim chi đã xây dựng được quyền lực mềm, dần dần xâm nhập và "khuynh đảo" nhiều thị trường nội địa, từ ẩm thực, thời trang đến công nghệ.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: 'Khán giả phải quen việc phim có tài trợ' Giám đốc VFC cho rằng việc phim truyền hình có tài trợ, có quảng cáo là bình thường. Khán giả cần làm quen với điều ấy vì đó là xu thế tất yếu mà Việt Nam cần học hỏi.

Chia sẻ về điều này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải thừa nhận phim Việt Nam chưa đủ sức, chưa thành một nền công nghiệp để có thể thu hút đầu tư và tạo ra những chiến lược tinh vi như vậy.

Mặc khác, các đơn vị kinh doanh, tài trợ ở Việt Nam cũng chưa hiểu được sự tinh tế trong việc quảng cáo thông qua lời thoại và cảnh phim.

"Nhiều đơn vị tài trợ, họ không hiểu nên luôn muốn thương hiệu của mình được nhắc đến tập trung, nhắc đến nhiều trong phim. Họ bỏ tiền nên rất muốn được nổi bật nhưng lại không hiểu phim phải chạm được cảm xúc của người xem, nếu không chạm được cảm xúc có thể còn có tác dụng ngược", đạo diễn Đỗ Thanh Hải nêu quan điểm.

Có lẽ, đó cũng chính là một trong những lý do khiến những bộ phim có quảng cáo bằng nội dung phim gần đây ở Việt Nam như Tình khúc Bạch Dương, Người phán xử tiền truyện đều bị khán giả phán ứng gay gắt.

Phim Việt trên sóng giờ vàng VTV ngày càng biết cách kiếm tiền tỷ?

Ngoài lợi nhuận từ việc bán quảng cáo giữa khung giờ phát sóng, giờ đây phim truyền hình Việt còn kiếm tiền tỷ nhờ quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp bằng lời thoại và cảnh phim.




Quang Đức

Bạn có thể quan tâm