Những bộ váy cưới màu trắng phổ biến khắp phương Tây và nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, cô dâu lại chọn khoác lên mình bộ trang phục truyền thống màu đỏ trong ngày trọng đại. Ngoài ra, họ cũng xăm henna cầu kỳ lên tay. Dù xu thế hiện đại khiến một bộ phận cô dâu thích cách tân, những đám cưới truyền thống vẫn phổ biến ở đây.
Tại sao là màu đỏ?
Neha Tandon - cây viết của tờ Brides - đã có cuộc trao đổi với Niki và Ritika Shamdasani. Chị em họ là người đứng sau thương hiệu thời trang Sani nổi tiếng ở Ấn Độ.
Theo bộ đôi này, trong văn hóa Ấn Độ, mọi thứ (kể cả màu sắc) đều là những biểu tượng. Đỏ là màu nổi bật nhất và xuất hiện trong hầu hết nghi lễ tôn giáo.
Màu đỏ mang ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Ấn Độ. Ảnh: Brides. |
Ritika nói: "Tôi đã nói chuyện với nhiều phụ nữ. Họ có quan điểm riêng về việc tại sao màu đỏ lại quan trọng với bản thân đến thế. Trong văn hóa Ấn Độ, đỏ tượng trưng cho khởi đầu mới, niềm đam mê và sự thịnh vượng. Đỏ cũng tượng trưng cho Hindu Durga - nữ thần của sự khởi đầu mới và sức mạnh nữ quyền".
Trang phục màu đỏ được các nhà sư, ẩn sĩ Ấn Độ mặc vào thiên niên kỷ thứ 3 TCN. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ 16, các cô dâu mới mặc trang phục này.
Từ khía cạnh chiêm tinh học - bộ môn có liên hệ chặt chẽ với đạo Hindu - đỏ cũng là biểu trưng cho sao Hỏa. Đây là hành tinh cai quản hôn nhân, đại diện cho sự thịnh vượng và sinh sản.
Niki nói thêm: "Khi phụ nữ kết hôn, cô rời khỏi nhà và tới sống cùng gia đình chồng. So với đàn ông, phụ nữ phải trải qua sự thay đổi lớn hơn. Màu đỏ là cách họ cầu nguyện cho cuộc sống mới hạnh phúc".
Cô dâu Ấn Độ có nhiều sự lựa chọn hơn trong những đám cưới hiện đại. Ảnh: Unsplash. |
Trong lễ cưới, cô dâu Ấn Độ mặc saree hoặc lengha - loại trang phục truyền thống của họ. Các vùng khác nhau sẽ có những cách lựa chọn trang phục riêng, không giới hạn trong saree hay lengha.
Trong đám cưới ở Gujarati - bang miền Tây Ấn Độ - cô dâu mặc saree nhưng được gắn với palav. Khu vực Nam Ấn lại chuộng loại saree với chất liệu lụa, có lớp lót viền vàng, đậm chất truyền thống hơn. Trong khi đó, cô dâu vùng Punjabi mặc salwar kameez sang trọng. Họ đeo trang sức vàng, vòng tay làm từ ngà voi...
"Ngày nay, màu sắc các cô dâu Ấn Độ chọn không còn quá phụ thuộc vào truyền thống. Nó thiên về chủ nghĩa cá nhân hơn. Tôi đã thấy nhiều cô dâu chọn màu vàng, hồng nhạt hay cam để trông thời trang hơn trong đám cưới. Bạn có thể tự do thể hiện cá tính riêng của mình", Ritika chia sẻ.
Những hình xăm henna
Xăm henna là văn hóa được ưa chuộng rộng rãi ở Ấn Độ và lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Với nguồn gốc thực vật và không lưu quá lâu, loại xăm này an toàn cho da. Nghệ thuật henna cũng giúp tạo nên những họa tiết ấn tượng trong các dịp lễ hội.
Hình xăm henna có ý nghĩa đặc biệt trong lễ cưới của người Ấn Độ. Họ thậm chí còn tổ chức buổi tiệc henna.
Hình xăm henna được chú trọng bởi nó có ý nghĩa lâu dài đến hạnh phúc của cặp đôi mới cưới. Ảnh: Sam Art. |
Đêm trước đám cưới, họ sẽ tổ chức sự kiện này. Đây không phải truyền thống riêng của Ấn Độ. Nó còn xuất hiện ở một số quốc gia Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi.
Khách nữ hai bên gia đình tập trung tại nhà mà cô dâu và chú rể sẽ ở. Họ mặc trang phục gọi là binalli còn cô dâu trùm khăn che mặt đỏ. Trang phục có thể thay đổi tùy theo văn hóa. Ở Ấn Độ, phụ nữ thường mặc trang phục sáng màu. Chú rể bắt buộc mặc màu vàng.
Ở Pakistan, tiệc henna được gọi là Rasm-e-Heena. Nó là một trong những truyền thống quan trọng nhất đám cưới nhưng chỉ có gia đình cô dâu tổ chức. Tại Bangladesh, mỗi gia đình tổ chức tiệc henna riêng.
Một nghệ sĩ henna sẽ được thuê để vẽ lên bàn tay, bàn chân cô dâu. Tên của đôi uyên ương nằm ẩn đâu đó trong hình xăm. Bạn cần con mắt tinh tế để nhận ra.
Hình xăm henna phải được vẽ bởi người đang sống trong cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chỉ như thế, cặp đôi sắp cưới mới có hạnh phúc tương tự. Người Ấn Độ tin trong buổi tiệc henna, những người chưa kết hôn được xăm henna cũng sẽ sớm kết hôn.
Những buổi tiệc henna được tổ chức trước lễ cưới. Ảnh: Fusion Cardio. |
Bên cạnh đó, các buổi tiệc henna giờ cũng được đẩy lên sớm hơn. Thay vì tổ chức vào đêm trước lễ cưới, họ tổ chức từ vài ngày trước đó. Theo quan niệm, màu mực càng đậm, tình yêu sẽ thêm bền chặt. Do đó, tính chất tiệc henna được coi trọng hơn những phong tục nhỏ khác.
Hình xăm henna cũng mang nhiều ý nghĩa. Các cặp vợ chồng có thể chọn hình riêng, tùy theo điều họ muốn tìm thấy trong cuộc hôn nhân sắp tới.
Ví dụ, bông hoa mạn đà la tượng trưng cho cuộc sống cân bằng. Hình xăm henna con công nổi bật vẻ đẹp sắc sảo. Nó mang ý nghĩa về cuộc sống lâu dài và sắc đẹp cho cô dâu cũng như con cái. Ngoài ra, hình xăm con chim cũng gợi đến tinh thần tự do và vẻ đẹp cho cô dâu...