Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, nói về việc phụ nữ Ấn Độ hiện đại vẫn đặt lòng tin vào các buổi xem mắt do mai mối để có cuộc hôn nhân viên mãn.
Trong chương trình hẹn hò đình đám của Netflix Indian Matchmaking, nhân vật chính Sima Taparia, người mai mối đến từ Mumbai, khẳng định rằng: "Ở Ấn Độ, chúng tôi không có khái niệm 'hôn nhân sắp đặt', chỉ có 'kết hôn' và 'kết hôn vì tình yêu'".
Lấy bối cảnh tại Ấn Độ và Mỹ, show thực tế được đề cử Oscar này xoay quanh công việc mai mối cho người độc thân của Taparia. Để giúp khách hàng tìm được nửa kia lý tưởng, bà phải tìm hiểu về các đối tượng, từ sở thích, tham vọng đến cung hoàng đạo, tướng số.
Show thực tế đình đám Indian Matchmaking xoay quanh công việc mai mối cho người độc thân Ấn Độ của bà mai Sima Taparia. Ảnh: BBC. |
Không chỉ thú hút đông đảo lượt theo dõi sau khi lên sóng, Indian Matchmaking cũng nhận về nhiều ý kiến phản đối. Một bộ phận khán giả cho rằng chương trình đã vô tình phơi bày các quan niệm hôn nhân bảo thủ, điển hình là việc phụ nữ không thể tự do chọn bạn đời.
Song, chính nhân vật trải nghiệm của show đã lên tiếng phủ nhận những phản hồi tiêu cực trên. "Nhiều phụ nữ ngoại quốc gửi tin nhắn cho tôi qua Instagram, nói rằng chỉ khi xem Indian Matchmaking, họ mới biết 'hôn nhân sắp đặt' không phải ép buộc", Aparna Shewakramani (35 tuổi) - nữ luật sư gốc Ấn từng tham gia chương trình - kể lại.
Dựa vào mai mối
Đối với Shewakramani, lý do thôi thúc cô tham gia show hẹn hò Indian Matchmaking rất cụ thể - tìm kiếm nửa kia tiềm năng để tiến tới hôn nhân.
Năm 27 tuổi, cô lần đầu tìm đến dịch vụ mai mối. "Tôi từng trả 400 USD cho 30 phút tư vấn cùng một bà mai người Mỹ. Dù cô ấy khuyên tôi không cần gấp gáp lấy chồng, tôi vẫn muốn thử nhờ cậy dịch vụ này", nữ luật sư nói.
Thực tế, nhiều phụ nữ Ấn Độ hiện đại, có học vấn và thành đạt cho rằng những cuộc xem mắt do gia đình, người mai mối sắp xếp là giải pháp an toàn để tránh lãng phí thời gian, tình cảm cho những cuộc tình chớp nhoáng, không tương lai.
"Ai cũng cần có một mối tình bền chặt theo thời gian", Anju Nanda (53 tuổi) - một đầu bếp ở Nashik (Ấn Độ) - chia sẻ. Bà và chồng, ông Chandan Nanda, đã nên duyên nhờ một bà mối địa phương và trải qua 30 năm hạnh phúc bên nhau.
Theo bà Nanda, người trẻ không nên bài xích chuyện xem mắt để tiến tới hôn nhân. "Dựa vào sự giới thiệu của gia đình hay người mai mối không phải là 'đường cùng'. Đây chỉ là một cách khác để lựa chọn đối tượng phù hợp thôi".
Nhờ mai mối, nữ đầu bếp người Ấn Anju Nanda và chồng đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc suốt 30 năm qua. Ảnh: New York Times. |
Ngày nay, không hiếm chị em Ấn Độ hiện đại giữ quan điểm tích cực về các cuộc gặp mặt do người thân sắp xếp. Đầu năm nay, Anokhi Shah, chuyên viên quan hệ công chúng, đã lên xe hoa cùng Swapnil Bhansali, một thương nhân trong lĩnh vực đá quý, sau khi được giới thiệu bởi dì ruột vào tháng 3/2019.
"Khái niệm 'tình yêu' hay 'hôn nhân sắp đặt' chỉ dừng lại ở lý thuyết. Cách thức có quan trọng không nếu sau cùng, bạn vẫn tìm được nửa kia của đời mình? Tôi luôn cởi mở trong vấn đề này", cô cho biết.
Với Shah, việc hẹn hò với đối tượng do gia đình lựa chọn phần nào khiến cô cảm thấy an tâm hơn.
"Chúng tôi có thể thẳng thắn trò chuyện về nhiều chủ đề, kể cả những chuyện tế nhị chỉ những đôi yêu lâu năm mới biết như thu nhập, lối sống. Cả hai đều nắm rõ gia cảnh, công việc và quan điểm hôn nhân của đối phương để có thể tự tin tìm hiểu nhau, tránh phí hoài thời gian với người không phù hợp", cô trả lời.
Không thiếu sự lãng mạn
Đến nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng hôn nhân sắp đặt thường mang tính nghi thức, không nồng nàn như kết hôn vì tình yêu. Thế nhưng, cuộc hôn nhân mai mối của nhà thiết kế thời trang người Ấn Anoli Udani (32 tuổi) với chồng lại chứng minh điều ngược lại.
"Chúng tôi có một cuộc hẹn đầu tuyệt vời, đi du lịch cùng nhau và rồi anh ấy cầu hôn tôi. Cuộc tình của chúng tôi không mất đi sự lãng mạn chỉ vì được gia đình giới thiệu", Udani tâm sự.
Cô nói rằng đa số phụ nữ đều ao ước gặp được chàng hoàng tử của mình một cách tình cờ và ấn tượng. Nhưng câu chuyện thực tế lại chẳng giống như cổ tích.
"Nếu bạn sinh sống và làm việc ở một thành phố nhỏ như tôi, cơ hội để gặp gỡ một người xa lạ rất hạn chế. Việc tìm hiểu đối tượng kết hôn khi ấy giống như tìm bạn trai trong vòng bạn bè hay qua ứng dụng hẹn hò vậy", Udani khẳng định.
Gặp mặt qua sự giới thiệu của gia đình, Anoli Udani và chồng vẫn có một cuộc tình lãng mạn và cuộc hôn nhân viên mãn. Ảnh: Monisha Ajgaonkar. |
Vì thế, thay vì một "profile tình ái" mùi mẫn như trên các trang hẹn hò, những người độc thân ở Ấn Độ cần chuẩn bị hồ sơ chi tiết về bản thân và gia đình để các ông mai, bà mối tuyển chọn.
Mỗi gia đình đều có tiêu chuẩn riêng để lựa chọn chàng rể, nàng dâu tiềm năng cho con cái. Song, phụ nữ nước này lại chịu nhiều yêu cầu gắt gao hơn so với nam giới.
Tương tự các tình tiết của Indian Matchmaking, các bậc phụ huynh Ấn Độ mong muốn con dâu phải là người có làn da trắng sứ, vóc dáng thanh mảnh, đảm đang và không quá quan tâm đến công việc. Những cô gái có cá tính độc đáo thường bị nhận xét là "quá cứng đầu", "kén cá chọn canh" và "cần học cách thỏa hiệp".
"Chuyện mai mối ở đất nước này có ưu điểm và khuyết điểm, phụ thuộc phần lớn vào quan niệm của từng gia đình. Ví dụ, quan niệm xã hội kỳ vọng phụ nữ phải kết hôn vào năm 25 tuổi nhưng bố mẹ tôi lại tôn trọng quyết định cá nhân của con gái mình", nhà thiết kế thời trang Udani nói.
"Gặp mặt ra sao chỉ là chuyện nhỏ"
Udani thẳng thắn chia sẻ rằng tìm kiếm bạn đời lý tưởng không phải mục tiêu duy nhất của đời cô. "Đó chỉ là một trong những mối quan tâm trong cuộc sống của tôi mà thôi", cô nói.
Có thời điểm, Udani có 2 cuộc hẹn xem mắt trong một tuần. Cũng có khi suốt 9 tháng ròng, cô không có ý định gặp gỡ ai vì bận bịu với cuộc sống riêng. Nhờ cân bằng giữa mong muốn của bản thân và gia đình, Udani biết mình trông đợi gì ở người chồng tương lai.
"Cách thức gặp mặt ra sao chỉ là chuyện nhỏ. Tình yêu, sự tôn trọng mới là nền tảng của một cuộc hôn nhân bền vững", bà Nanda chia sẻ. Ảnh: Vanity Fair. |
Ở một khía cạnh khác, nữ đầu bếp 53 tuổi Nanda khuyên các cô gái trẻ nên tìm đến dịch vụ mai mối khi thực sự sẵn sàng. Bà lấy chồng năm 24 tuổi, thời điểm lý tưởng để kết hôn theo quan niệm truyền thống. Cả hai đã tìm hiểu nhau trong một năm trước khi kết hôn.
"Cách thức gặp mặt ra sao chỉ là chuyện nhỏ. Tình yêu, sự tôn trọng mới là nền tảng của một cuộc hôn nhân bền vững. Bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể rạn nứt nếu ta không trân trọng nó", bà chia sẻ.