Lisa (38 tuổi), sống ở Manhattan, New York (Mỹ), có một người bạn siêu giàu. Người này có bộ sưu tập túi Hermès Birkin đồ sộ, một ngôi nhà trị giá 10 triệu USD ở Hamptons và bay khắp nơi bằng máy bay riêng.
"Tôi chỉ hiển nhiên cho rằng mọi thứ đều là thật. Rồi một ngày, người bạn tiết lộ cho tôi một bí mật: Những chiếc Birkin đó là giả", Lisa nói với The Cut.
Sau đó, Lisa biết đến RepLadies, cộng đồng gồm hầu hết phụ nữ thuộc thế hệ Millennials giàu có yêu thích những món hàng xa xỉ fake. Mọi thứ từ giày cho đến vali được làm giả một cách tinh vi. Khách hàng có thể yêu cầu bất kỳ chiếc túi Chanel, Hermès, Dior mẫu nào, màu nào với mức giá chỉ bằng 1-10% hàng thật.
Được thành lập vào năm 2016, RepLadies có gần 200.000 thành viên. Theo cuộc khảo sát tự báo cáo được công bố năm ngoái, nhóm đã chi hơn 3 triệu USD cho các bản sao vào năm 2021.
Nhiều thành viên của nhóm là CEO, nhà đầu tư mạo hiểm, cố vấn đạo đức của Big Tech. Những người này giàu có, hoàn toàn có khả năng mua những chiếc túi thật, nhưng cuối cùng họ vẫn sử dụng hàng fake và thậm chí say mê săn tìm những món hàng giả trông y như thật.
Cảm giác hồi hộp khi đi săn
Nhìn bằng mắt thường, những chiếc túi superfake và hàng thật rất khó phân biệt. Từ chất liệu cho đến đường kim mũi chỉ, mọi thứ đều được làm giả một cách hoàn hảo. Trong một bài báo vào năm ngoái trên The New York Times, 0% độc giả có thể phân biệt túi Chanel thật giá hơn 10.000 USD và hàng giả giá 390 USD.
Đôi khi, hàng giả có thể bền hơn cả hàng thật. Nhưng RepLadies không tồn tại vì chất lượng. Bí quyết để điều hướng thị trường hàng giả cao cấp vẫn là câu chuyện tiền bạc.
Chiếc túi thật của Hermès có giá 9.750 USD (bên phải) và chiếc túi nhái giá 195 USD. |
Đối với một số người, địa vị xã hội không phải là một bộ sưu tập đồ sộ những chiếc túi xa xỉ, đó là khả năng tìm ra đồ giả hoàn hảo đến mức khiến người ta nghĩ mình đang dùng đồ thật. "Đó là cảm giác hồi hộp tột độ khi đi săn, cảm giác có được một món hời", một cựu nhà phát triển bất động sản đã nghỉ hưu vài năm trước ở tuổi 30 cho hay.
"Tôi không chỉ muốn một thứ gì đó. Tôi muốn có cảm giác như mình đã đạt được nó nhờ một thỏa thuận". Cô tuyên bố mình cũng sở hữu "hàng trăm, có thể là hàng nghìn" món đồ thật, bao gồm gần một trăm chiếc túi và một bộ vòng cổ Bulgari có giá hơn 10.000 USD.
Theo Lisa, nếu thực sự chăm chỉ kiếm tiền, bạn sẽ không chỉ đổ hết tất cả vào các món đồ hiệu. "Ở New York, những người giàu có có nhiều điều thú vị hơn để làm với tiền của họ. Họ đầu tư vào tiền điện tử. Họ tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của mình. Họ đầu tư vào con cái". Cuối cùng, hàng fake với mức giá rẻ hơn có thể trở thành một lựa chọn thay thế của nhóm này.
Thái độ đối với hàng giả
Theo The New York Times, hàng giả từng là một thứ gì đó đại diện cho sự ranh mãnh, tội lỗi nhưng đã nhanh chóng nở rộ thành thị trường khổng lồ.
Năm 2016, một phụ nữ ở Virginia (Mỹ) đã bị kết án vì mua những chiếc ví hàng hiệu trị giá 400.000 USD từ các cửa hàng bách hóa, sau đó trả lại hàng superfake và bán lại túi thật để kiếm lời.
Trước khi ngôi sao Real Housewives Jen Shah nhận tội lừa đảo qua điện thoại vào năm 2022, cảnh sát đã đột kích vào nhà cô và phát hiện các kệ hàng Louis Vuitton giả trộn lẫn với hàng thật.
Mỹ đã cố gắng để phát hiện hàng giả, thu giữ hơn 300.000 túi và ví giả trong năm tài chính 2022. Nhưng theo một số ước tính, các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra 5% số hàng được nhập vào nước này.
Sarah Davis, người sáng lập Fashionphile - cửa hàng ký gửi cao cấp, nói: "20 năm trước, hàng giả rất khủng khiếp. Những thứ đó có giá 25 USD. Còn bây giờ, những chiếc túi Hermès Birkin giả có giá hơn 6.000 USD và còn được làm thủ công".
Bên trái là chiếc túi xách Chanel Classic có giá 10.200 USD và bên phải là hàng nhái có giá 390 USD. |
Trong đại dịch Covid-19, Amy X. Wang, biên tập viên của The New York Times, đã đưa tin về ngành công nghiệp superfake. "Mua hàng giả thực sự không phải là một quá trình bí mật. Nó dễ dàng đến mức đáng thất vọng", Wang nói.
Wang đã phát hiện một hệ sinh thái trực tuyến gồm các túi xách nhái song song với các thương hiệu xa xỉ, khiến hàng giả dễ dàng tiếp cận khách hàng. Trên các diễn đàn Reddit như “r/Wagoonladies”, người mua quan tâm có thể tìm thấy hướng dẫn mua hàng chi tiết, đánh giá kỹ lưỡng của khách hàng và danh sách liên hệ của người bán chủ yếu ở Trung Quốc.
Ở Pháp, quốc gia tự hào là nơi sản sinh ra rất nhiều thương hiệu thời trang cao cấp, hình phạt dành cho việc sử dụng hàng giả rất nghiêm khắc. Nếu mang hàng giả đến nước này và bị phát hiện, du khách có thể bị phạt số tiền cao gấp đôi giá trị thật của món đồ đó và đối mặt với án tù 3 năm. Nếu nằm trong đường dây buôn bán hàng giả, có thể nhận án tù lên đến 10 năm.
Thế nhưng, Susan Scafidi, người sáng lập Viện Luật Thời trang, nói rằng những quy định pháp luật chỉ giải quyết được một phần của vấn đề vì miễn là hàng giả được chấp nhận, được mong muốn thì nó sẽ luôn tồn tại. "Điều mà chúng tôi chưa tìm ra là khía cạnh xã hội. Bạn cần đấu tranh thông qua tòa án pháp luật, nhưng cũng phải thông qua cả tòa án dư luận".
Davis, người sáng lập Fashionphile, cũng đồng ý với quan điểm này. Theo bà, lý do hàng giả đang phát triển mạnh một phần là vì thái độ của người tiêu dùng. "Đã có lúc không ai thừa nhận mình từng mua hàng giả. Nhưng bây giờ, trong một số mạng xã hội, nó không còn được coi là tiêu cực, mà gần như trở thành một vụ hack".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.