Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao sân khấu kịch non trẻ nhất TP HCM vẫn trụ vững?

Trong khi các sân khấu miền Nam phải đối diện với việc sụt giảm khán giả nghiêm trọng thì Thế giới trẻ vẫn là điểm giải trí hấp dẫn mỗi dịp cuối tuần.

Thành lập từ năm 2010, 6 năm qua sân khấu Thế giới trẻ đã có bước đột phá ngoạn mục trong làng kịch nói miền Nam. Vì sao sân khấu non trẻ nhất ở Sài Gòn lại có bước phát triển vững mạnh như vậy? Đạo diễn Ngọc Hùng - Giám đốc điều hành của Thế giới trẻ đã chia sẻ với Zing.vn cách làm sân khấu của những người trẻ.

Đạo diễn Ngọc Hùng. Ảnh: NVCC

Thành công nhờ tin tưởng diễn viên trẻ

- Thế giới trẻ ra đời trong khi có nhiều sân khấu đang phát triển mạnh như Idecaf, Hồng Vân. Khó khăn mà sân khấu phải đối diện trong những ngày đầu thế nào?

- Cuối năm 2009, tôi được Thế giới trẻ mời về làm đạo diễn. Để có sự thu hút, sân khấu mời những ngôi sao ca nhạc, người mẫu về diễn. Sau vài tháng hoạt động, tôi được giao nhiệm vụ quản lý, tôi thấy tình hình đó không ổn nên đã tạm dừng sân khấu. Sau hai tháng tìm diễn viên và dựng vở chắc chắn, tôi mới đưa sân khấu hoạt động. Tôi nghĩ, muốn sân khấu đi đường dài phải có diễn viên tài năng và đài từ tốt. Ca sĩ, người mẫu có thể được nhiều khán giả biết tới nhưng không thể diễn tốt trên sân khấu.

Chúng tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của những diễn viên kỳ cựu như NSUT Bảo Quốc, Đàm Loan, Tiểu Bảo Quốc và Ngọc Trinh. Sau đó, tôi mời các bạn diễn viên trẻ có khả năng về cộng tác như Thu Trang, La Thành, Diệu Nhi, Hoàng Phi... Thời điểm đó nhiều người nhìn vào lực lượng diễn viên của Thế giới trẻ băn khoăn vì không có tên tuổi hot sao bán vé? Tất nhiên, tôi có mời nhiều người nổi tiếng nhưng họ đã từ chối vì không ai tin tưởng đặt chân tới một nơi mới, tương lai không biết đi về đâu.

- Các sân khấu thường không tránh khỏi tình trạng tự bù lỗ trong thời gian khó khăn. Thế giới trẻ đối diện với chuyện này trong bao lâu?

- Rất may, thời gian bù lỗ chỉ trong vài tháng đầu. Bắt đầu từ mùa kịch Tết 2010 sân khấu đã có sự khởi sắc, đánh dấu bằng vở kịch Lầu hoang tạo được tiếng vang. Sau đó, vở Chuyện hai chàng cũng được khán giả hưởng ứng.

Để kích thích khán giả đến với mình trong buổi đầu, chúng tôi phải bán voucher giảm giá. Đỉnh điểm họ đến với sân khấu nhiều nhất là khi vở Chuyện tình BangKok ra mắt năm 2014. Nhiều người đã quay lại xem hết những vở cũ của sân khấu. Vì lẽ đó, nhiều vở kịch của sân khấu có sức sống tới 2-3 năm.

- Nói về sự thành công của Thế giới trẻ, nhiều người nhận xét do anh nhanh nhạy nắm bắt tâm lý khán giả, chọn những đề tài ăn khách như kinh dị, đồng tính. Anh nghĩ gì về điều đó?

- Là sân khấu non trẻ nên chúng tôi không thể mạo hiểm chọn những đề tài kén khán giả. Chúng tôi xác định ngay từ ban đầu là làm kịch giải trí. Khán giả đến với sân khấu để được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng nên mỗi vở diễn phải đáp ứng điều đó. Còn đề tài đồng tính chỉ là một phần nhỏ trong các vở diễn, tạo yếu tố hài hước chứ không phải nội dung xuyên suốt.

Điều Thế giới trẻ ấn tượng với khán giả có lẽ là do sức trẻ từ lớp diễn viên. Nhiều nghệ sĩ lớn khi xem nhận xét dàn diễn viên diễn ra ngoài kịch bản hơi nhiều. Bù lại, các bạn ứng biến nhanh trên sân khấu, làm chủ tình huống tốt và đặc biệt khi diễn có sự giao lưu với khán giả. 

Tuy nhiên, ngoài những vở giải trí, chúng tôi cũng dựng những vở tâm lý, có chiều sâu như Đời như ý, Cõng mẹ đi chơi. Nói là vở kịch tâm lý nhưng được dựng qua góc nhìn mới, tươi trẻ nên không bị nặng nề, căng thẳng.

- Trong khi diễn viên kịch bỏ sân khấu, chạy show ngoài nhiều, còn diễn viên của Thế giới trẻ vẫn kiên trì bám trụ sân khấu. Anh giữ chân họ bằng cách gì?

- Hơn ai hết, các bạn ấy hiểu rằng nhờ sân khấu mình mới tỏa sáng. Sân khấu là nơi đầu tiên tin tưởng và giao vai diễn cho các bạn thể hiện. Mối quan hệ của các thành viên rất tốt. Mọi người trở về sân khấu như về ngôi nhà của mình. 

Là người xếp lịch, đôi khi tôi cũng phải đau đầu vì các diễn viên chạy show ngoài. Nhưng tôi cũng rất cảm động vì các bạn cố gắng đến cùng để về diễn. Nhiều đoàn phim khó chịu khi các bạn về sớm kịp suất diễn kịch. Những điều đó là xuất phát từ tình cảm với sân khấu chứ cát-xê ở đây không thể so với bên ngoài. Diễn 1 tiểu phẩm 5-10 phút ở ngoài, diễn viên nhận 1-2 triệu đồng, trong khi đó tập sân khấu ròng rã cả tháng, diễn 2-3 giờ mới nhận được nhiêu đó. 

Ai cũng cần tiền, "có thực mới vực được đạo" nên tôi không căng thẳng chuyện chạy show của các bạn. "Có qua có lại mới toại lòng nhau" vì giữa diễn viên đâu có hợp đồng gì, làm việc trên tinh thần cộng tác mà thôi.

Đạo diễn Ngọc Hùng và các diễn viên của sân khấu Thế giới trẻ. Ảnh: NVCC

TP HCM chưa có sân khấu chuyên nghiệp

- Điều anh trăn trở nhất về sân khấu bây giờ là gì?

- Vẫn là chuyện diễn viên chạy show, khó đảm bảo lịch diễn sân khấu. Diễn viên của sân khấu Thế giới trẻ đã thành danh như Thu Trang, La Thành, Diệu Nhi khá đắt show ngoài. Điều này phải chấp nhận như sự tất yếu, không thể trách được diễn viên. Thời gian qua tôi phải tìm kiếm lực lượng diễn viên trẻ bổ sung. Có điều đến nay vẫn chưa tìm được nhân tố mới có tiềm năng.

- Theo anh, vì sao khán giả quay lưng với sân khấu nhiều đến mức báo động như thời gian qua?

- Chúng ta có nhiều lý do để đưa ra nhưng theo tôi, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Phải nhận thấy rõ chất lượng vở diễn không tốt thì khán giả quay lưng là đương nhiên. Ngoài ra, những yếu tố phụ trợ cũng rất cần được đầu tư như cảnh trí, đạo cụ, trang phục, nhạc thì sân khấu lại đang yếu và thiếu. Đến xem kịch, nội dung chưa ấn tượng, cảnh trí đơn sơ chỉ có bàn và bục thì sao thu hút? Những yếu tố hình thức đó cũng góp phần tăng cảm xúc cho diễn viên nhiều. 

- Như một vòng tròn luẩn quẩn nên vì sao sân khấu cứ giậm chân tại chỗ, không phát triển, càng khó dàn dựng một tác phẩm đỉnh cao đúng không anh?

- Đúng thế. Muốn có tác phẩm đỉnh cao thì phải có sự đầu tư lớn. Hiện nay, các sân khấu xã hội hóa ở TP HCM cơ sở vật chất tạm bợ, chủ yếu là thuê hội trường, cánh gà nhỏ hẹp, không có chỗ chứa đạo cụ, cảnh trí. Còn sân khấu của nhà nước như 5B, rạp Công nhân thì xuống cấp trầm trọng. Ở Sài Gòn, chưa có sân khấu chuyên nghiệp. Nếu có những nơi được đầu tư xây mới thì lại không hiệu quả, không sử dụng được. Các ông bầu, bà bầu vừa làm, vừa lo mặt bằng. So với cơ sở vật chất hiện đại như rạp chiếu phim thì sân khấu kịch quả là nhỏ bé vô cùng.

Cũng vì sân khấu nhỏ, thô sơ, đạo diễn không biết xoay sở thế nào trong không gian hẹp ấy. Do đó, có những nhận xét về kịch rằng, sức hút của vở diễn đều trông chờ vào diễn viên. 

Sân khấu đang trải qua thời điểm khó khăn nhưng tôi tin vẫn có sức sống lâu bền. Khán giả yêu nghệ thuật sẽ thấy được sự mới mẻ, sinh động và sự đào sâu vai diễn của các diễn viên - điều khó thấy được từ các chương trình truyền hình.


Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm