Mỗi khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ kích hoạt tiết ra hormone adrenaline nhằm chống lại cảm giác lo lắng, theo Women's Health. Lúc đó, cơ thể cũng giải phóng glucose, hoặc đường vào máu. Khi adrenaline cạn kiệt và lượng đường trong máu giảm xuống, hormone cortisol được sản sinh giúp cung cấp nhiều năng lượng hơn để đối phó với tình trạng căng thẳng.
Cortisol kích thích giải phóng insulin, cũng như tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tăng cân.
Không chỉ khiến bạn đói, cortisol còn góp phần làm chậm quá trình trao đổi chất. Theo The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, cortisol cũng có thể làm giảm khối lượng cơ nạc. Việc giảm khối lượng cơ, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm cũng làm vấn đề cân nặng trở nên khó kiểm soát.
Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến mức cortisol, nó còn thúc đẩy dẫn đến các hành vi kém lành mạnh khiến cân nặng gia tăng.
Áp lực tinh thần, stress là nguyên nhân gây tăng cân phổ biến. Ảnh: Get Fit With Paige. |
1. Ăn uống theo cảm xúc
Bác sĩ nội khoa chuyên về giảm cân Adrienne Youdim ở Beverly Hills, California (Mỹ) cho biết: "Khi gặp căng thẳng hoặc mang cảm xúc khó khăn, khoảng trống về tâm lý, chúng ta tìm kiếm những gì mang lại sự vui vẻ".
Một số người nhận thấy tiêu thụ thực phẩm là một trong những cách xoa dịu cảm xúc tiêu cực. Đó là do tác động của hormone dopamine hay còn gọi là cảm giác sảng khoái có được khi ăn các loại thức ăn ngon miệng.
Ăn uống theo cảm xúc có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, thậm chí vào ban đêm. Điều này hoàn toàn không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như dễ tạo ra mỡ thừa.
2. Ăn đồ ăn nhanh
Hormone căng thẳng cortisol làm chúng ta thèm ăn. Khi đó, những loại đồ ăn được chế biến nhanh chóng nhưng rất ngon là gợi ý hàng đầu. Tuy nhiên, các lựa chọn thức ăn nhanh thường không tốt cho sức khỏe.
Thức ăn nhanh, bánh ngọt mang lại cảm giác ngon miệng. Vì vậy, nhiều người chọn các loại đồ ăn này để giải tỏa căng thẳng. Ảnh: The Sun. |
Bác sĩ Adrienne Youdim nói: "Thức ăn nhanh được làm ngon miệng bằng cách thêm nhiều muối, chất béo và thậm chí cả đường. Đường, chất béo kích hoạt não bộ tạo ra cảm giác thoải mái, dễ chịu. Đó là lý do thức ăn nhanh mang lại cho bạn lượng dopamine lớn hơn so với một miếng bông cải xanh".
Thức ăn nhanh có thể làm mất cân bằng dinh dưỡng. Các loại thực phẩm chiên, nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn thúc đẩy tăng cân, tăng mỡ thừa.
3. Uống nhiều rượu hơn
Kết thúc một ngày làm việc nhiều căng thẳng, uống một ly cocktail là một trong những thói quen thư giãn của nhiều người. Rượu cũng giải phóng hormone dopamine mang đến cảm giác vui vẻ, hưng phấn.
Tuy nhiên, lạm dụng rượu để giải tỏa căng thẳng gây nên nhiều tác hại. Tiêu thụ nhiều bia, rượu dẫn đến chứng viêm, bệnh gan và các vấn đề sức khỏe khác. Rượu ngăn chặn quá trình đốt cháy chất béo và calories, từ đó lưu trữ dưới dạng mỡ bụng.
"Mặc dù rượu có tác dụng an thần hoặc làm dịu ban đầu, nó cũng kích thích tạo nên lo lắng, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ", bác sĩ Adrienne Youdim giải thích.
Đồ uống có cồn và những món ăn nhiều chất béo thúc đẩy cơ thể tích tụ mỡ và tăng cân nhanh. Ảnh: Men's Health. |
4. Các thói quen kém lành mạnh
Lúc căng thẳng, tâm trạng chán nản, chúng ta cũng dễ dàng bỏ bữa, tập thể dục và ngủ ít hơn. Bỏ bữa vào ban ngày khiến bạn đưa ra lựa chọn kém dinh dưỡng, nhiều năng lượng vào cuối ngày. Đồng thời, cơ thể có xu hướng ăn rất nhiều khi ở trạng thái quá đói.
Tập thể dục rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, xây dựng cơ bắp và giữ cho xương khỏe mạnh. Tập luyện gia tăng sức bền giúp đốt cháy nhiều calories, giảm tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Căng thẳng làm giảm động lực, hiệu suất tập luyện. Từ đó, lợi ích sức khỏe nhận được từ việc tập thể dục bị giảm đi.
Stress cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây khó ngủ và mệt mỏi vào ngày hôm sau. Khi đó, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực thực hiện các hành vi lành mạnh trong ngày, ví dụ tập thể dục và chuẩn bị bữa ăn.