Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao thả cá chép để cúng ông Công ông Táo

Theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Loài vật này sẽ hóa rồng, đưa ông Táo về trời và đem lại thành công, thịnh vượng cho gia chủ.

Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm, mọi gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo. Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo lên Ngọc Hoàng những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Chia sẻ với Zing.vn, tiến sĩ văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết nguồn gốc việc cúng cá chép trong ngày này là vì cá chép là một trong 3 thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý. Đồng thời, quan niệm dân gian cho rằng cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Rồng có khả năng gọi mưa, rất cần cho cư dân nông nghiệp lúa nước.

cung ong cong ong tao anh 1

Mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.

Còn theo chia sẻ của GS.TS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam), Tết ông Công ông Táo là một Tết riêng, nhưng thực chất nó lại mở đầu cho Tết Nguyên đán.

Theo quan niệm, ông Công ông Táo ở trong mỗi gian bếp của gia đình, do đó những việc tốt, xấu, hòa thuận hay không của gia đình đó ông Công ông Táo đều nắm rõ.

Giáo sư Đức Thịnh cho rằng ý nghĩa giáo dục của ngày này là mọi người sống như nào để khi Táo quân về chầu trời sẽ nói những điều tốt đẹp về gia đình đó. Từ đó các quan thần linh thổ địa sẽ phù hộ cho gia chủ.

Cũng theo sách Việt Nam phong tục, người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình. Phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời, có nơi gọi là "Tết ông Công". Lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng cá này hóa rồng, đưa ông Táo về trời.

Cách chọn cá chép cúng ông Công ông Táo

Ngoài cúng ông Công ông Táo bằng cá chép sống, có một số gia đình còn dùng cá chép giấy để thay thế. Theo quan niệm dân gian, nếu đã cúng cá chép giấy thì thôi cá chép sống và ngược lại, song việc cúng cá chép sống có ý nghĩa phóng sinh.

Cá chép sống dùng để cúng ông Công ông Táo thường được chọn mua là cá chép đỏ. Sau khi mua về nhà, nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm một cọng rêu nhỏ vào bát nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Khi cúng bát (chậu) cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng. Cúng ông Công ông Táo cần 3 con cá chép đỏ.

cung ong cong ong tao anh 2

Mỗi gia đình thường chuẩn bị con chá chép đỏ để cúng Táo Quân. Ảnh: Lê Hiếu.

Những con cá để dâng lên Táo quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy. Để thử độ khỏe mạnh của cá, người mua có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.

Khi đi phóng sinh cá cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên thiên đình.

Cặp vợ chồng được Châu Kiệt Luân bất ngờ trả toàn bộ tiền ăn

Tình cờ gặp mặt Châu Kiệt Luân tại nhà hàng, cặp vợ chồng người Singapore bất ngờ được thần tượng đề nghị chi trả tiền bữa ăn.

Kiều Trang

Bạn có thể quan tâm