Sự thay đổi hormone trong suốt cuộc đời của một người phụ nữ có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của viêm âm đạo. Hiểu được những thay đổi hormone này là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị hiệu quả viêm âm đạo.
Vai trò của nội tiết tố với sức khỏe âm đạo
Sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là sự suy giảm estrogen có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi môi trường âm đạo, hệ vi sinh vật và khả năng bảo vệ tự nhiên, từ đó làm tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm âm đạo ở phụ nữ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
Hormone đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức khỏe âm đạo ở phụ nữ. Sự cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là estrogen và progesterone, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khía cạnh của âm đạo, bao gồm độ ẩm, độ đàn hồi, độ pH và khả năng chống lại nhiễm trùng.
Estrogen là hormone sinh dục nữ chính, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sự cân bằng của môi trường âm đạo. Estrogen thúc đẩy sự phát triển của lactobacilli, vi khuẩn có lợi sản xuất acid lactic, giúp duy trì môi trường acid nhẹ trong âm đạo (pH 3,8 - 4,5). Độ acid này rất quan trọng để ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và nấm men.
Progesterone là một hormone sinh dục nữ khác, cũng được sản xuất ở buồng trứng. Progesterone chủ yếu liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ, nhưng nó cũng có vai trò nhất định đối với sức khỏe âm đạo, phối hợp với estrogen để duy trì sự ổn định của niêm mạc âm đạo.
Sự sụt giảm hormone hoặc mất cân bằng giữa estrogen và progesterone có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe âm đạo. Ví dụ, thiếu estrogen, lượng dịch tiết âm đạo giảm, gây khô rát và khó chịu. Sự thay đổi độ pH có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm men phát triển quá mức, gây viêm nhiễm. Sự thay đổi môi trường âm đạo cũng có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật bảo vệ và làm tăng nguy cơ viêm âm đạo.
![]() |
Thiếu hụt nội tiết tố là một trong những lý do gây viêm âm đạo. |
Những thay đổi nội tiết qua từng giai đoạn
- Nội tiết tố thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt: Trong chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi hormone có thể tạm thời làm thay đổi môi trường âm đạo, khiến âm đạo dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Những thay đổi do thai kỳ: Thai kỳ gây ra những thay đổi đáng kể về hormone, đặc biệt là nồng độ estrogen và progesterone tăng cao, có thể ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn âm đạo và độ pH dẫn đến nguy cơ viêm âm đạo cao hơn.
- Mãn kinh và viêm âm đạo: Trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể sản xuất estrogen giảm đáng kể. Sự giảm này có thể dẫn đến mỏng và khô thành âm đạo, được gọi là viêm teo âm đạo hoặc teo âm đạo. Tình trạng teo âm đạo kéo dài bởi sự thiếu hụt estrogen khiến môi trường bên trong âm đạo cũng thay đổi rất nhiều. Việc âm đạo khô rát, pH thay đổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tạp khuẩn, vi khuẩn, nấm... có cơ hội tấn công gây tổn thương, viêm nhiễm âm đạo.
- Thay đổi nội tiết tố sau sinh: Sau khi sinh con, nồng độ hormone đặc biệt là estrogen có thể dao động gây ảnh hưởng đến môi trường âm đạo. Những thay đổi này cùng với các mô đang lành lại có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm âm đạo. Việc cho con bú sẽ kéo dài thời gian giảm nồng độ estrogen, từ đó có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo trong thời kỳ hậu sản.
- Những thay đổi do thuốc tránh thai gây ra: Thuốc tránh thai nội tiết tố có thể làm thay đổi sự cân bằng nội tiết tố tự nhiên trong cơ thể, có khả năng ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn âm đạo. Một số phụ nữ có thể bị nhiễm nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn khi sử dụng một số thuốc tránh thai nội tiết tố.
Cần làm gì khi nghi ngờ viêm âm đạo do thay đổi nội tiết?
Dù đã thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách và có đời sống tình dục lành mạnh, nhiều chị em vẫn phải đối mặt với tình trạng viêm âm đạo. Khi chị em có bất kỳ triệu chứng nào của viêm âm đạo (khí hư bất thường, ngứa, rát, đau), hãy đến bác sĩ chuyên khoa khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Thảo luận với bác sĩ về các biện pháp quản lý nội tiết tố phù hợp với tình trạng sức khỏe và giai đoạn cuộc đời, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Trẻ em gái tuổi vị thành niên cũng có thể bị viêm âm đạo, thường liên quan đến thói quen vệ sinh kém, sử dụng các sản phẩm gây kích ứng hoặc thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì. Giáo dục trẻ em gái về cách chăm sóc bộ phận sinh dục đúng cách, các nguy cơ khi thụt rửa và tầm quan trọng của các biện pháp tình dục an toàn là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm âm đạo ở độ tuổi trẻ.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.