Vì sao thầy giáo có người hâm mộ khủng hơn ngôi sao
Không phải là diễn viên, ca sĩ nhưng thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên đại học Sư phạm TP.HCM lại sở hữu lượng người hâm mộ khổng lồ, thậm chí vượt mặt những người nổi tiếng - 270.000 người.
Là một trong những thầy giáo đi tiên phong sử dụng mạng xã hội làm công cụ giảng dạy, tác giả bộ ảnh ủng hộ hôn nhân đồng tính gây sốt vừa qua, điều gì độc đáo ở thầy khiến nhiều người “bị” hấp dẫn đến vậy?
Bỏ ra 60 triệu đồng để làm clip dạy học sinh
Một giảng viên đại học với đồng lương chỉ đủ sống, lại phải đứng ra gồng gánh cả gia đình, nuôi em gái học đại học nhưng không ngần ngại bỏ tiền túi ra làm clip cho học sinh chỉ vì: clip ấy có thể sẽ giúp nhiều em phòng tránh được những sai lầm ở tuổi mới lớn, biết đâu cứu mạng được một người. Đó là lý do để fanpage (trang người hâm mộ) của anh trên mạng xã hội có hơn 270.000 người hâm mộ cùng vô số fanpage với tên gọi Hội những người phát cuồng vì thầy giáo Khắc Hiếu được lập ra.
Giải thích thêm lý do làm clip, Hiếu cho biết: “Trên bục giảng, mỗi lần tôi chia sẻ chỉ có 30-40 sinh viên nghe, còn đi tư vấn học đường, nhiều lắm cũng 1.000 học sinh. Nhưng nếu làm clip, ai ai cũng có thể vào xem và rút ra những bài học đắt giá cho mình”.
Những tưởng làm clip đơn giản nhưng để có một đoạn clip chỉn chu, thu hút người xem, số tiền thầy giáo trẻ đầu tư cũng không ít. “Cứ mỗi lần quay clip, tôi phải bỏ tiền túi ra lo toàn bộ các khâu. Clip đắt nhất là Bộ luật tình yêu, kinh phí lên đến 60 triệu đồng, vì dùng máy quay chuyên nghiệp, những clip khác thì 10 triệu hoặc 20 triệu đồng. Đó là chưa kể, mỗi lần quay cũng phải mất 2-3 ngày. Trong đó, tôi là người phụ trách nghĩ ra kịch bản ý tưởng, nhờ các em sinh viên của mình tham gia diễn xuất”.
Để có đủ số tiền thực hiện các ý tưởng, Hiếu cũng tích cực giảng dạy kỹ năng sống tại các trường và huấn luyện kỹ năng mềm cho doanh nghiệp. “Vui hay buồn không nằm ở số tiền bỏ ra bao nhiêu, mà nằm ở chỗ nó giúp được những gì cho bạn trẻ...”.
Thầy giáo nên biết lên mạng để dễ gần gũi với học trò
- Mái tóc nhuộm hớt cao một bên, quần áo phong cách trẻ trung, khó có thể tin anh là giảng viên đại học sư phạm?
- Chẳng có điều luật nào cấm giảng viên không được nhuộm tóc, cạo đầu hoặc ăn mặc “xì-tin” cả. Nhuộm tóc không xấu, da tôi hơi tối nên muốn nhuộm màu nâu nâu cho mặt sáng hơn. Nếu tôi còn không dám sống đúng với cá tính của mình thì làm sao dạy được bọn trẻ? Mà đôi khi thay đổi màu tóc một tí lại giúp cho bạn trẻ nào đó thấy tự tin hơn vào chính mình thì điều đó chẳng tuyệt vời sao!
- Nhưng nếu các em học theo nhuộm tóc và có em nhuộm 5-6 màu tóc trên đầu thì sao?
- Cái gì cũng có chừng mực. Tôi khuyến khích nhuộm tóc để đẹp hơn, tự tin hơn chứ không phải để chứng tỏ mình khác người. Tôi không tin những em học sinh nhuộm 5-6 màu tóc trên đầu, đi ra đường bị người ta xì xầm chỉ trỏ mà tự tin được. Việc nhuộm 5-6 màu tóc cũng không phải thể hiện sự cá tính mà là sự cá biệt!
- Nhiều người sẽ không ủng hộ anh bởi phong cách của anh đang đi ngược lại hình ảnh quen thuộc của thầy giáo là uy nghi, nghiêm nghị và chững chạc?
- Tôi công nhận hình tượng thầy giáo cũ có nhiều điểm tốt, nhưng không còn phù hợp với tâm lý giới trẻ thời nay nữa. Thí dụ đơn giản như chuyện thầy hiệu trưởng sinh hoạt dưới cờ, lúc nào cũng nghiêm nghị, uy nghi, khuyên các em nên làm thế này, nên làm thế kia. Nhưng những ai đã trải qua một thời đi học đều biết, đa phần thầy đứng ở trên nói, các em ngồi ở dưới nói chuyện riêng hoặc lấy sách báo ra đọc. Đơn giản vì thầy và trò không cùng tần số. Với tôi, thầy phải đánh đúng tâm lý học trò, phải xì-tin, biết nói ngôn ngữ xì-tin, thậm chí còn biết lên mạng để dễ gần gũi với học trò.
Thời này, cái gì càng cấm học sinh càng thích làm. Thay vì cấm các em lên mạng, hãy thâm nhập vào thế giới đó, tìm hiểu xem các em muốn gì rồi nghĩ ra cách định hướng ngay trong chính thế giới của chúng. Có những điều mình nói trên lớp các em không thèm nghe, không thèm thấm, vì có tâm lý “phải học, bị học”, nhưng khi ghi lên mạng xã hội, các em lại vào đọc một cách tự nguyện và dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ. Ngoài ra, nếu biết cách tìm hiểu học sinh qua mạng xã hội, mình sẽ hiểu rõ học trò hơn và dễ dàng tìm cách tháo gỡ những chuyện “khó đỡ” cho các em.
- Giả sử anh là thầy hiệu trưởng đứng nói dưới cờ, anh làm gì để học sinh chú ý?
- Nếu phê bình hay la mắng học sinh thì các em sẽ đóng cửa tâm trí lại, vì chẳng ai thích bị nghe mắng cả. Ví dụ, thay vì ta bảo xả rác là vi phạm nội quy... thì hãy cầm bọc nylon, giấy vụn để vương vãi vào chỗ học sinh ngồi, rồi hỏi các em cảm giác thế nào? Hoặc bắt gặp học sinh công khai tình tứ trong trường học, thay vì ra rả mắng các em không được làm thế thì ta đặt câu hỏi: hôm qua có hai học sinh “giết người cướp môi” trong nhà vệ sinh trường mình, các em thấy hành động đó là tốt hay xấu, ai nghĩ xấu thì giơ tay. Rồi hỏi tiếp rằng: “Vì sao lại xấu?”. Lúc đó, các học sinh tự nói cho nhau nghe, hiệu quả sẽ cao hơn là thầy đứng nói.
- Với các học sinh cá biệt, anh làm cách nào để “thuần phục những con ngựa” khó bảo đó?
- Hồi đi tham vấn cho một trường học ở quận 4 (TP.HCM), tôi gặp cậu học sinh hay làm loạn trong lớp nên bị thầy cô đuổi ra ngoài. Tôi mời cậu lên phòng giám thị. Tâm lý học trò khi bị mời lên phòng giám thị là sẽ bị “nghe chửi” nên luôn tự vệ. Vừa bước vào mặt cậu đã xị một đống, tôi rót nước trà mời uống thì nhìn ly nước trà như ly thuốc độc, mời ăn bánh men, cậu nhìn đĩa bánh dè chừng. Tôi ăn trước, uống trước, thế là cậu cũng uống theo. Tôi bắt đầu nhẹ nhàng thăm hỏi thì được cậu đáp trả cộc lốc: Nhà con ở đâu? quận 4. Con ở đường nào? Tôn Đản! Con ở với ai? Với mẹ! Con thích học môn nào? Không thích môn nào hết! Con ghét môn nào? Môn nào cũng ghét.
Sau khi cậu ấy đã quen, tôi hỏi tiếp mới biết ở nhà vì cậu phải giúp mẹ chở thịt ra chợ bán nên hay đi học trễ và bị thầy giám thị phạt. Tôi khen: “Con hiếu thảo quá!”. Thằng bé nghe xong im lặng, tôi nghĩ đó chắc là lần đầu tiên được một người thầy khen. Tôi bảo cậu lần sau bị đuổi ra khỏi lớp thì lên đây chơi với thầy. Những lần cậu bị đuổi tôi đều nhờ thầy giám thị dắt lên gặp. Tôi cũng rót trà mời cậu ăn bánh và trò chuyện như hai người bạn.
Một hôm, tôi cá cược với cậu, nếu ngày mai con dám phát biểu thì thầy thua con nửa ký bánh men. Hôm sau cậu giơ tay phát biểu thật. Cả lớp chưng hửng, cô giáo cho điểm cộng vì tinh thần xung phong của cậu. Hôm sau nữa, cậu lên đòi tôi bánh men, tôi đưa bánh xong rồi lại cược tiếp: “Ngày mai nếu con dám xung phong trả bài thì thầy thua 3kg bánh men”. Hôm sau cậu xung phong trả bài thật, mặc dù đúng chỉ một nửa nhưng giáo viên cũng cho 8 điểm. Trưa hôm ấy, cậu bé lên gặp tôi như đã hẹn. Tôi bảo để tôi đưa cậu 3kg bánh như đã hứa, nhưng cậu bảo: “Dạ khỏi thầy!”. Lúc đó, tôi biết niềm vui của cậu không phải là bánh men nữa mà là niềm vui khi được điểm tốt, được bạn bè, thầy cô công nhận.
Bởi vậy, những học sinh càng cá biệt càng cần sự quan tâm, nếu mình cương thì chỉ gãy, phải tiếp xúc để biết hoàn cảnh của mỗi em và đến với các em bằng sự đồng cảm. Phương pháp phê bình hay trách phạt không thể áp dụng cho tất cả học trò được. Dạy học trò cũng như may đo, mỗi học trò có một size (cỡ) của nó.
- Có bao giờ học trò tìm đến nhờ tháo gỡ những bế tắc mà ngay cả anh cũng không biết làm cách nào?
- Có chứ, nhưng tôi quan niệm rằng, không có gì là bế tắc cả, chỉ có mình nghĩ bế tắc mà thôi. Chưa tháo gỡ được thì phải tìm cho ra cách. Có lần, một em học sinh tìm đến tôi và nói: “Con là gay, ba mẹ con không chấp nhận, thầy chỉ cách con nói làm sao để ba mẹ con chấp nhận đi”. Thực ra, bản thân em thuyết phục sẽ rất khó thành công. Do đó, em có thể nhờ những đồng minh như cô chú hay những người thân đứng về phía mình để nói cho ba mẹ hiểu và đưa cho em một số tài liệu liên quan đến đồng tính để em gửi ba mẹ đọc.
Cái gì thì sợ, chứ tin đồn giới tính cứ thoải mái
- Vừa qua, dư luận vô cùng quan tâm đến bộ ảnh đồng tính anh thực hiện. Lý do gì anh ủng hộ hôn nhân đồng tính khi pháp luật nước ta chưa công nhận?
- Những ai học tâm lý đều biết, đồng tính không phải là bệnh và không thể chuyển từ đồng tính thành dị tính. Nhiều người bảo, “gay là xấu vì gay thường đàn bà hơn cả đàn bà” nên họ đâm ra kỳ thị người đồng tính. Quan điểm của tôi, ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu ủng hộ kết hôn đồng tính con họ sẽ bị hư. Nhưng hư là hư thế nào, nếu nhìn một cặp đồng tính kết hôn mà con họ trở thành đồng tính luôn thì có lẽ tất cả người đồng tính chỉ cần dự đám cưới của một cặp đôi dị tính nào đó là không còn đồng tính nữa ư?
- Nhưng nhiều người cho rằng kết hôn đồng tính là vi phạm thuần phong mỹ tục?
- Nhiều người bảo thế nhưng đâu ai chỉ ra được vi phạm thuần phong mỹ tục ở điểm nào. Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon cũng từng nói “Đừng có lấy truyền thống văn hóa để ngụy biện cho sự kỳ thị”. Người ta thương nhau thì nên ủng hộ người ta, tôn trọng quyền con người của mỗi người đó mới là nhân nghĩa, là mỹ tục. Kỳ thị và ném đá thì không có trong mỹ tục.
- Nếu ủng hộ hôn nhân đồng tính, nhiều cặp đồng tính muốn có con phải dùng phương pháp sinh thuê đẻ mướn sẽ gây hệ lụy về sau?
- Hiện tại pháp luật chưa cho đẻ thuê đẻ mướn, nhưng không thể ngăn chặn sinh thuê đẻ mướn bằng cách cấm người ta kết hôn được. Mà đâu phải ai kết hôn đồng tính cũng đi tìm sinh thuê đẻ mướn. Những người đồng tính muốn có con thì nên cho họ xin con nuôi. Ở Mỹ đã nghiên cứu những cặp đồng tính nuôi con, con vẫn có sự phát triển bình thường, thậm chí là tốt.
- Làm về đồng tính, anh có sợ bị người ta dị nghị mình cũng thuộc giới này?
- Ồ, cái gì thì sợ, chứ tin đồn về giới tính cứ thoải mái. Giới tính đâu có gì xấu, đâu có gì tội, nam - nữ - gay - les - lưỡng tính - hoán tính đều là người cả.
Theo Mốt & Cuộc Sống