Ở kỳ trước, vấn đề được đặt ra là các chương trình truyền hình đang phát sóng, khán giả bắt gặp nhiều gương mặt quen thuộc từng tham gia nhiều cuộc thi trước đó.
Kỳ này, Zing.vn tìm hiểu lý do thí sinh (người thường lẫn nghệ sĩ) vẫn miệt mài chơi game show dù người xem không còn mặn mà với họ.
Thí sinh ôm mộng đổi đời sau vài cuộc thi
Sự bùng nổ của truyền hình thực tế đã hiện thực hóa con đường trở thành nghệ sĩ của không biết bao người. Không ít gương mặt lạ lẫm bỗng nổi tiếng chỉ sau một đêm như Hoài Lâm, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Hoàng Tôn, Cát Tường… Điều này đã trở thành động lực để những bạn trẻ phấn đấu.
Hiện nay, có rất nhiều trung tâm, công ty đào tạo ca sĩ. Mục đích của những nơi này là rèn luyện các bạn trẻ vài ba tháng, sau đó đăng ký cho họ tham gia những cuộc thi như The Voice, Vietnam Idol, X-Factor…
Ở lĩnh vực hài, nhiều trung tâm đào tạo diễn viên mọc lên như nấm. Sau khóa học kéo dài 2-3 tháng, các học viên thử sức ở các game show.
Mỗi mùa tuyển sinh của Vietnam Idol thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia. Ảnh: TL. |
Điều này cho thấy ước vọng đổi đời của hàng triệu bạn trẻ, họ khát khao tiến được nổi tiếng nhưng lại không đủ kiên nhẫn hay tài năng để thi vào các trường nhạc hay sân khấu. Song, con đường ngắn này không đủ giúp họ tồn tại trong môi trường có tính đào thải cao như showbiz.
Thế nên, nhiều thí sinh sau thất bại ở cuộc thi này, lại tiếp tục chinh phục cuộc thi khác với hy vọng sẽ được nổi tiếng. Một chương trình có hàng nghìn bạn trẻ tham gia nhưng chỉ một người đoạt giải quán quân, được công ty sản xuất nâng đỡ. Vậy những thí sinh còn lại lưu lạc về đâu?
Nếu người đó có tiềm lực tài chính, sau khi rời khỏi cuộc thi, họ sẽ đầu tư cho sản phẩm và nếu đủ may mắn, bài hát trở thành hit thì có cơ hội để tồn tại trong showbiz. Song, những thí sinh có điều kiện kinh tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mà thị trường nhạc Việt vốn không có sự bình ổn như hiện nay, thì việc đầu tư không khác gì chơi trò may rủi. Không ai có đủ khả năng để đầu tư lâu dài và chờ đợi sản phẩm của mình tạo được hiệu ứng.
Vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều người lại tiếp tục đăng ký tham gia cuộc thi khác. Nhưng nhà sản xuất rất khôn ngoan, họ đưa những thí sinh (đã cũ) vào chương trình với mục đích thu hút sự chú ý của đám đông, song thường chọn quán quân là những gương mặt mới.
Thế nên, dù trải qua một loạt cuộc thi, những thí sinh này không bao giờ có đủ điều kiện để đăng quang. Nhưng họ vẫn như thiêu thân lao vào lửa. Bởi, giờ bước ra ngoài, họ không có khả năng “tự bơi”. Nếu muốn thành công, phải có ê-kíp hỗ trợ từ chuyên môn đến truyền thông, nhưng điều đó đòi hỏi nguồn lực tài chính.
Một vấn đề khác là những cuộc thi tìm kiếm tài năng nở rộ, nhưng số lượng thí sinh lại không đủ đáp ứng yêu cầu. Mỗi năm, truyền hình tổ chức sản xuất trên dưới 40 cuộc thi lớn nhỏ, đủ mọi lĩnh vực, lứa tuổi với hàng triệu người tham gia.
Hết năm này qua năm khác, tài năng chưa đủ “chín” thì việc thí sinh “chạy loạn” từ cuộc thi này đến cuộc thi khác là điều dễ hiểu. Vì sự dễ dãi của nhà sản xuất mà các quán quân sau khi đăng quang cũng dần mất hút.
Có nhiều trường hợp “gặt lúa non” hoặc “tài năng” quá nhạt, không thể trụ vững trên thị trường. Khán giả còn mấy ai nhớ đến quán quân Hữu Kiên ở Vietnam’s Got Talent, Thảo My của The Voice, Minh Như X-Factor, Ngọc Thịnh - Sơn Lâm của So You Think You Can Dance, quán quân Ya Suy - Nhật Thủy Vietnam Idol, Thu Hằng quán quân Solo cùng Bolero...
Vẻ hào nhoáng không đủ cứu nội dung nhạt
Nhiều người dự đoán game show đang rơi vào tình trạng bão hòa nhưng thực tế trong năm 2017, hàng loạt chương trình lớn, nhỏ được sản xuất ồ ạt. Nhà sản xuất tận dụng tối đa nghệ sĩ có sức hút, nhằm giữ chân người xem.
Ngoài sự bảo chứng về tỷ suất người xem nhờ Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, nhà đài còn tăng cường thêm Đại Nghĩa, Thu Trang, Anh Đức, Nam Thư, Ngô Kiến Huy, Thanh Duy, Diệu Nhi, Diễm My 9X, Khả Như…
Nhà sản xuất tận dụng các gương mặt đang được yêu thích để lôi kéo người xem. |
Nhưng điều đáng nói ở đây, nhà sản xuất chỉ tập trung lôi kéo nghệ sĩ tham dự mà bỏ qua yếu tố chính là nội dung của chương trình. Hiện nay, có quá nhiều game show nhưng nội dung “vô thưởng vô phạt”. Người chơi xuất hiện và tung hứng bằng các tình huống nhạt nhòa, không để lại ấn tượng cho người xem.
Ngoài việc không chắt lọc, đầu tư nội dung, nhà sản xuất còn không khai thác được thế mạnh của nghệ sĩ. Thế nên, nhiều người ngồi vào đó cho có mà thiếu đi tính xây dựng. Không khó để nhận ra, trong khoảng thời gian danh hài Hoài Linh xuất hiện dày đặc ở các chương trình, anh thường nhận xét mang tính chung chung, không có điểm nhấn đặc biệt.
Tài năng, thông minh như Trấn Thành cũng không tránh sự lặp lại do góp mặt ở quá nhiều chương trình. Trường Giang lại một màu từ vai trò diễn viên đến MC.
Ngô Kiến Huy gần như bỏ bê vai trò của một ca sĩ để tập trung đóng phim, diễn hài và làm MC. Trước đây, “chàng Bắp” được khen duyên dáng, thông minh khi tham gia game show hài. Nhưng giờ đây, vì thiếu chọn lọc mà nam ca sĩ không còn tạo ra nét riêng cho mỗi chương trình.
Thanh Duy từng được NSƯT Hoài Linh khen ngợi bởi sự hài hước, lém lỉnh và thông minh. Song, khi nam ca sĩ xuất hiện ở quá nhiều game show, người xem chỉ còn thấy một Thanh Duy nhạt nhòa.
Thanh Duy thường "diễn trò" ở các game show. |
Giờ đây khi bật tivi, hàng loạt game show với tiếng cười “vô thưởng vô phạt” như Thách thức danh hài, Siêu sao đoán chữ, Ngạc nhiên chưa, Quý ông hoàn hảo, Đại náo thành Takeshi… Mỗi tập thường có độ dài từ 60-90 phút nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn ngồi theo dõi.
Nghệ sĩ hài Tiết Cương từng nhấn mạnh cốt lõi của diễn viên nằm ở vai diễn, tác phẩm chứ không phải bị game show “bào mòn”. Nhưng muốn có được điều đó, diễn viên phải mất nhiều năm tháng tìm tòi và trau dồi khả năng diễn xuất. Vì thế, không ít người muốn “đi tắt” nên tham gia game show để khán giả “quen mặt quen tên”.
Cuối cùng để rồi, dù họ tham gia một loạt chương trình nhưng tài năng và mức độ đầu tư có giới hạn thì sau khi game show kết thúc, khán giả cũng dần lãng quên.