Phong cách thời trang thập niên 80 là gì?
Nhắc đến phong cách thời trang vào những năm 1970-1980, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến những chiếc áo cầu vai lớn, blazer oversized hay quần ống loe. Thực ra, phong cách thời trang thập niên 80 còn phong phú hơn thế. Đây là thập kỷ của phong cách táo bạo nổi bật về màu sắc, kích thước hay những đường cắt xẻ và không ngần ngại thử nghiệm những cái mới.
Phong cách thời trang những năm 80 thế kỷ trước đề cao sáng tạo và đột phá trong thiết kế. Ảnh: Pinterest. |
Độc đáo, sôi nổi và thú vị là những tính từ để diễn tả thời trang ở những năm 80. Ranh giới thời trang nam và nữ ở giai đoạn này cũng mờ nhạt hơn khi tất cả đều tập trung vào sự sáng tạo và phá cách. Các chi tiết như cầu vai, tay áo, ống quần, trang sức… đều được làm với kích thước lớn. Thậm chí, tóc cũng được uốn sóng lọn to và chải phồng phần mái.
Những năm 1980 là thời kỳ phát triển rực rỡ của thời trang
Với các xu hướng như quần jeans rách, quần da, áo khoác oversized, phụ kiện hạt cườm nhiều màu cùng các biểu tượng thời trang từ Joan Jett đến Joan Collins, những năm 1980 là một trong những giai đoạn thăng hoa sáng tạo nhất. Phong cách thời trang ở thời kỳ này cũng được phản ánh rõ nét qua các tác phẩm điện ảnh và truyền hình.
Một ví dụ điển hình là bộ phim The breakfast club (1985) của đạo diễn John Hughes. Năm nhân vật chính trong phim với các tính cách khác nhau, đến từ tầng lớp khác nhau mang đến năm phong cách khác nhau. Điều này chứng minh sự đa dạng, sáng tạo trong xu hướng thời trang của thời kỳ đó.
Bộ phim The breakfast club phản ánh phong cách thời trang đa dạng của thập niên 80. Ảnh: Pinterest. |
Ba chàng trai có những set đồ nhất định, khắc họa cá tính và câu chuyện riêng của cả ba. Brian xuất hiện với những chiếc áo len trơn, quần chino, những đôi giày sneakers đơn giản. Anh trông tuềnh toàng, tùy hứng gần giống với phong cách normcore chỉ mới xuất hiện trên bản đồ thời trang từ năm 2013.
Andrew lại là chàng trai thể thao với những chiếc áo thun ba lỗ, áo khoác bóng chày, quần jeans và những đôi giày chạy bộ năng động.
Nhân vật Bender lại có phong cách thời trang nổi loạn với những item như áo sơ mi caro, áo khoác da, giày bốt và cả những đôi khuyên tai. Chiếc găng tay xỏ ngón và chiếc quần jeans rách của diễn viên Judd Nelson vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến những thiết kế ngày nay.
Trong khi đó, hai cô gái lại mang hai phong cách hoàn toàn trái ngược nhau. Allison là cô gái có thời trang hơi hướm goth với trang phục tối màu và kín đáo cùng kiểu tóc bù xù. Đối lập hoàn toàn với Allison được xem là “thảm họa thời trang” là một Claire “công chúa” với mái tóc đỏ bồng bềnh, chiếc áo màu hồng kẹo ngọt và váy midi cùng đôi bốt cổ cao. Tất cả đều là những item thời thượng của thời đó.
Những điểm đặc sắc của thời trang trong giai đoạn này được mang vào những tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Ảnh: Pinterest. |
Cho đến ngày nay, những trào lưu của thập niên 80 vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao thời trang giai đoạn này lại phát triển rực rỡ như vậy?
Thị trường thời trang rộng mở và khuyến khích sáng tạo
Thời trang châu Âu thời đó có sự phát triển và thay đổi lớn. "ME-ISM" (chủ nghĩa vị kỷ) lên ngôi, mọi người đều cố gắng để nổi bật trong đám đông, thể hiện cái tôi khác biệt với những người khác. Thời trang chính là một phương diện để họ làm điều đó. Các nhà thiết kế tự do sáng tạo, mạnh dạn thử nhiều màu sắc và hoa văn khác nhau. Các chất liệu trang phục và phụ kiện cũng có sự sáng tạo vượt bậc.
Khi Franco Moschino trình làng bộ sưu tập đầu tiên của mình vào năm 1983, ông đã để người mẫu mặc đầm dạ hội bằng lụa, chân mang đôi giày sneakers vải. Sự kết hợp đột phá và kỳ lạ đó nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ. Ông đã mở ra một con đường khác cho những người không thích trang phục thời thượng, xa xỉ mà hướng đến sự phá cách, tự do.
Nhà mốt Franco Moschino mang lại làn gió mới cho nền thời trang thập niên 80s. Ảnh: Pinterest. |
Cùng với sự phục hồi kinh tế và sự khác biệt của các tầng lớp xã hội, quần áo trở thành một phương tiện quan trọng để mọi người thể hiện cá tính của họ. Vào thời điểm đó, đế chế thời trang cao cấp vẫn chưa lớn mạnh như ngày nay. Prada còn là một thương hiệu nhỏ ở châu Âu, Dior và Chanel là những thương hiệu may đo riêng cao cấp, nhắm đến một nhóm nhỏ cụ thể.
Từ đó một loạt các thương hiệu thời trang khác nhau xuất hiện. Tại Paris, London và Milan thời này, nhiều cửa tiệm và công ty nhỏ trỗi dậy, mang lại sự đa dạng cho thời trang. Khi thị trường phát triển mạnh mẽ và không có sự độc quyền mà tự do cạnh tranh, các thương hiệu đã phá vỡ các quy tắc thời trang và bắt đầu đổi mới.
Điện ảnh và âm nhạc tác động mạnh mẽ đến thời trang
Sự phát triển của thời trang không thể tách rời khỏi sự phát triển của truyền thông đại chúng Mỹ và văn hóa đại chúng vào những năm 1980.
Vào những năm 1980, với sự trỗi dậy của ngành công nghiệp điện ảnh và âm nhạc, nhiều thương hiệu thiết kế mới thu hút sự chú ý của công chúng và được săn lùng. Phong cách thời trang của các nhân vật xuất hiện trong phim truyền hình hay chương trình giải trí đã thúc đẩy sự phát triển của thời trang. Một ví dụ điển hình là những bộ vest của Armani gây nên tiếng vang khi được Richard Gere diện trong phim truyền hình American Gigolo (1980).
Diễn viên Richard Gere diện vest Armani trên sóng truyền hình. Ảnh: Sohu. |
Ngoài ra, những item được người nổi tiếng mặc cũng tạo ra trào lưu mạnh mẽ trong giới trẻ. Ngôi sao thời trang số một của những năm 80 không ai khác là "ông hoàng nhạc pop" Michael Jackson. Những chiếc áo khoác da màu đỏ trong MV Beat it hay Thriller đã trở thành biểu tượng, đại diện cho phong cách thời trang thời kỳ đó.
"Ông hoàng nhạc pop" Michael Jackson không những để lại những di sản âm nhạc to lớn mà còn tạo nên dấu ấn thời trang kinh điển. Ảnh: Getty Image. |
Thời trang thể hiện cái tôi và bình đẳng nam nữ
Giá trị tinh thần cốt lõi của thập niên 80 là thể hiện tính cá nhân và xóa mờ ranh giới nam nữ.
Sau giai đoạn suy thoái vào những năm đầu 1980, nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại, kích thích nhu cầu thời trang của người tiêu dùng. Bện cạnh đó, âm nhạc hip hop xuất hiện vào cuối những năm 1970 - đầu 1980 đã phản ánh các vấn đề xã hội và những khát vọng của người Mỹ gốc Phi. Điều đó đã khơi dậy sự quan tâm của các tên tuổi thời trang, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thiết kế của các thương hiệu lớn.
Giai đoạn 1980 đánh dấu sự ra đời của định nghĩa người phụ nữ hiện đại: make-up tinh tế, suit sành điệu, giày cao gót mũi nhọn, nước hoa... Hình ảnh này vẫn là chuẩn mực cho đến ngày nay và được thể hiện trong phần cuối cùng của The devil wears Prada. Giorgio Armani sau đó đã thiết kế mẫu trang phục mạnh mẽ và quyền lực với cầu vai lớn, màu trung tính, chất liệu vải sang trọng, cả nam và nữ đều có thể mặc.
Tạo hình của diễn viên Meryl Streep (phải) trong The devil wears Prada được xem là vẻ ngoài chuẩn mực của người phụ nữ hiện đại. Ảnh: Pinterest. |
Đây là thời đại mà phụ nữ và đàn ông bắt đầu theo đuổi sự bình đẳng. Vào thời điểm đó, phụ nữ muốn có địa vị cao hơn trong xã hội, và với sự phát triển của thể thao, họ đi tập thể dục, từ phụ nữ độc thân đến nội trợ đều muốn duy trì vóc dáng khỏe mạnh.
Chính vì vậy mà Claude Montana đã thiết kế những trang phục có phần cầu vai và cổ áo lớn, tạo thành một đường viền hình tam giác quanh cổ giúp người mặc cảm thấy mạnh mẽ và quyền lực.
Những thiết kế của Claude Montana thập niên 80s. Ảnh: Pinterest. |
Với một loạt tên tuổi thời trang cao cấp cùng những thương hiệu thời trang nhanh, người tiêu dùng đang có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết. Đây là một cơ hội lẫn thách thức đối với các nhà thiết kế, và sự sáng tạo của thời trang thập niên 80s có thể là nguồn cảm hứng bất tận. Bởi thời trang luôn có tính xoay vòng, và những trào lưu xưa cũng có thể trở lại thời vàng son sau vài chục năm.