Dù 2019 mới trải qua sáu tháng, việc Disney thống trị phòng vé toàn năm là điều gần như chắc chắn. Với quãng thời gian đã qua, lần lượt Captain Marvel, Avengers: Endgame, Aladdin và Toy Story 4 đã làm rất tốt nhiệm vụ kiếm tiền của mình.
Từ giờ tới cuối năm, “nhà chuột” sẽ còn tiếp tục thu bộn với The Lion King vào tháng 7, Maleficent: Mistress of Evil vào tháng 10, Frozen II vào tháng 11, và Star Wars: Episode IX - The Rise of Skywalker vào kỳ nghỉ Giáng sinh.
Nếu như phiên bản mới của Vua sư tử và các phần tiếp theo của Frozen cùng Star Wars là những canh bạc chắc thắng, thì phần 2 của Maleficent (2014) còn gây ra nhiều hoài nghi. Tuy nhiên, đây là dự án hết sức quan trọng đối với Disney.
Liệu có thể đem tới điều mới mẻ?
Trên thực tế, Maleficent: Mistress of Evil dự kiến ra rạp từ 30/5/2020. Tuy nhiên, hồi đầu năm, Disney bất ngờ đẩy phim lên chiếu sớm ngay từ 18/10 năm nay. Chính vì thế, “nhà chuột” phải gấp rút liên tiếp tung ra trailer cho phần tiếp theo của Maleficent nhằm sớm đánh động khán giả.
Các đoạn phim quảng cáo mà đạo diễn Joachim Rønning đã mang đến cho công chúng hứa hẹn rằng Maleficent: Mistress of Evil ít nhất sẽ có phần hình ảnh - kỹ xảo hoành tráng. Kịch bản phim do Linda Woolverton từ phần trước, cùng Micah Fitzerman-Blue và Noah Harpster, xây dựng.
Maleficent có phần tiếp theo sau hơn 5 năm. Hồi 2014, bộ phim thu hơn 750 triệu USD toàn cầu. |
Khán giả kỳ vọng rằng Mistress of Evil có thể tiếp tục giải thích tại sao nhân vật của Angelina Jolie lại trở nên hắc ám. Lần này, đối thủ của Maleficent xem ra là Hoàng hậu Ingrith do Michelle Pfeiffer thể hiện. Đây là mẹ của Hoàng tử Phillip, nhưng thời mà Pfeiffer là “nữ hoàng phòng vé” cũng đã qua từ lâu.
Do đó, Maleficent: Mistress of Evil cần đưa ra thêm nhiều điều hứa hẹn hơn nếu muốn thu hút số đông, nhất là khi phần trước vốn ra mắt từ cách đây hơn 5 năm. Quãng thời gian xem ra tương đối dài, và việc tái lặp thành tích phòng vé hơn 758 triệu USD của Maleficent không phải là điều đơn giản.
Mở đầu một trào lưu mới?
Trở lại thời điểm 2014, Disney khi ấy mới manh nha thực hiện hàng loạt tác phẩm live-action (người đóng) dựa trên truyện cổ tích hoặc phim hoạt hình nổi tiếng trong quá khứ.
Nếu như Maleficent không hút khách đến vậy, kế hoạch dành cho Cinderella (2015), The Jungle Book (2016), Beauty and the Beast (2017), Aladdin (2019) hay tới đây là Mulan (2020) chưa chắc đã có thể diễn ra suôn sẻ.
Có thể coi Alice in the Wonderland (2010) mới là cái tên mở đầu trào lưu. Nhưng việc bộ phim do đạo diễn Tim Burton thực hiện thu hơn 1,025 tỷ USD thực chất là nhờ vào hiệu ứng 3D khi ấy đang lan tỏa bởi Avatar (2009). Chuyện tác phẩm bị giới phê bình ghẻ lạnh khiến kế hoạch thực hiện phần hai phải mãi tới năm 2016 mới diễn ra.
Và Alice Through the Looking Glass quả thực khiến Disney thất vọng. Bỏ ra 170 triệu USD, nhưng “nhà chuột” chỉ thu lại chưa đầy 300 triệu USD tại phòng vé toàn cầu. May mắn thay, guồng quay phim chuyển thể thành phiên bản người đóng khi ấy đã bắt đầu lăn bánh trơn tru nhờ Maleficent và Cinderella.
Nếu Mistress of Evil thành công, Disney chắc chắn tự tin làm phần tiếp theo cho chuỗi tác phẩm chuyển thể người đóng vừa qua. |
Ngoài Alice in Wonderland và Maleficent, chưa có tác phẩm chuyển thể người đóng nào của Disney có thêm phần tiếp theo. Và Maleficent: Mistress of Evil nay là bài thử giá trị đối với “nhà chuột”. Nếu bộ phim thành công vào tháng 10, đừng ngạc nhiên nếu thấy Cinderella 2 hay Beauty and the Beast 2 ra đời trong thập kỷ tới.
Điều quan trọng là Mistress of Evil cần đem tới sự mới mẻ cho khán giả. Alice Through the Looking Glass thực chất không khác Alice in Wonderland là bao, từ nội dung cho tới kỹ xảo. Đó là vấn đề chính khiến phần tiếp theo bị cả báo chí lẫn công chúng thờ ơ.
Còn nếu Maleficent: Mistress of Evil thất bại, Disney vẫn còn đó cả tá thương hiệu để kiếm tiền, như các siêu anh hùng của Marvel Studios, các phim hoạt hình từ Pixar, hay Chiến tranh giữa các vì sao. Bộ phim của Angelina Jolie giờ là bài thử để hãng phim có thể biến từng tác phẩm chuyển thể từ cổ tích hoặc hoạt hình thành thương hiệu riêng hay không.
Về lâu dài, Disney đến giờ vẫn đang loay hoay tự tạo ra một thương hiệu mới, bởi cái tên thành công nhất do bản thân họ sáng tạo trong thế kỷ XXI là Pirates of the Caribbean - Cướp biển vùng Caribbean đến nay cũng đã đi vào ngõ cụt.
Trong lúc Artemis Fowl rất khó làm nên chuyện sau khi mới đổi lịch từ tháng 8 năm nay sang đúng vị trí mà Maleficent: Mistress of Evil để lại vào 2020, Tiên hắc ám của Angelina Jolie có khả năng là chiếc chìa khóa quan trọng để đưa Disney bước sang thập kỷ mới.