Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao tòa án trả hồ sơ vụ dùng nhục hình ở miền Tây?

Cho rằng mình không có tên trong chuyên án điều tra vụ giết người nên Hưng - nguyên đại úy bị truy tố tội dùng nhục hình - gửi đơn kêu oan và bác lại cáo buộc của VKSND tối cao.

TAND tỉnh Sóc Trăng vừa trả hồ sơ vụ án Dùng nhục hình và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao để điều tra bổ sung.

Gần 2 tháng trước, VKSND tối cao truy tố 3 bị can liên quan đến vụ án là Nguyễn Hoàng Quân (38 tuổi), Triệu Tuấn Hưng (34 tuổi, cùng tội Dùng nhục hình) và Phạm Văn Núi (57 tuổi, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Trong đó, nguyên thiếu tá Quân và đại úy Hưng từng là điều tra viên của Công an tỉnh Sóc Trăng; ông Núi là nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng.

Theo hồ sơ tố tụng, trong quá trình điều tra vụ án giết người xảy ra ngày 6/7/2013, tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), Quân và Hưng đã được huy động tham gia chuyên án 713TĐ. Hai người này đã có hành vi dùng nhục hình đối với anh Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc, để ép buộc họ phải khai nhận có giết ông Lý Văn Dũng.

Trong đó, Quân dùng nhục hình với anh Sóc và Đở tại PC45. Hưng dùng nhục hình với Đở và Phách cũng tại PC45, bằng cách dùng khóa số 8 treo tay người bị tình nghi vào khung sắt cửa sổ, chỉ để 2 đầu bàn chân chạm sàn nhà.

1
Anh Phách kể lại chuyện bị Hưng dùng nhục hình. Ảnh: Việt Tường.

Sau đó, nguyên đại úy Hưng được cho là dùng tay đánh, thúc đầu gối vào bụng anh Đở để ép người này khai nhận có giết ông Dũng. Quân cũng treo tay nghi can như đồng nghiệp của mình, rồi đấm, đá anh Đở.

Cáo trạng còn cho rằng, Hưng không chỉ treo tay anh Phách bằng khóa số 8, mà còn dùng dùi cui cao su đánh mạnh vào chân anh này. Sáng 20/7/2013, nghi can tiếp tục bị Hưng treo hai tay và nguyên đại úy này dùng khăn lau bàn gói cục nước đá lạnh, đặt vào bộ phận sinh dục của anh Phách, khiến nạn nhân đau đớn.

Theo ông Triệu Minh Cường (cha Hưng), con trai ông đã viết đơn kêu oan sau khi nhận được cáo trạng. Hưng không đồng ý với cáo buộc của cơ quan công tố vì cho rằng, bị can không thực hiện hành vi dùng nhục hình và không có tên trong chuyên án 713TĐ.

"Con tôi từng tuyệt thực 20 ngày trong trại tạm giam ở TP HCM, khiến sức khỏe suy kém. Gia đình liên hệ với trại để tìm hiểu thì biết Hưng tuyệt thực để phản đối việc bị bắt oan", ông Cường nêu trong đơn kêu cứu cho con.

Để đảm bảo tính khách quan của vụ án, TAND tỉnh Sóc Trăng trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra VKSND tối cao làm rõ vai trò của Hưng trong chuyên án 713TĐ. Việc điều tra bổ sung này nhằm xác định chủ thể của tội Dùng nhục hình đối với bị can và làm rõ thêm chi tiết từng hành vi của Hưng.

Theo một luật sư, Hưng không phải là chủ thể của tội dung nhục hình vì hành vi của anh này không phải thực hiện khi đang tiến hành hoạt động tư pháp. 

"Giữa Hưng với người bị dùng nhục hình không có mối quan hệ nào về mặc tư pháp, dù họ là nhân viên trong bộ máy tư pháp", luật sư này nêu quan điểm.

Quá trình điều tra theo chuyên án 713TĐ, Công an Sóc Trăng bắt oan 7 người là Thạch Sô Phách, Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc, Thạch Mươl về hành vi Giết người và Nguyễn Thị Bé Diễm về hành vi Không tố giác tội phạm.

Trong lúc vụ án giết ông Dũng sắp kết thúc điều tra, ngày 18 và 21/11/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (15 tuổi, ngụ Kiên Giang) và Phan Thị Kim Xuyến (17 tuổi, ngụ huyện Trần Đề) đến cơ quan điều tra tự thú, khai nhận đã giết anh Dũng để cướp tài sản. Lời khai của hai cô gái này phù hợp với hiện trường vụ án và các chứng cứ khác, nên Công an Sóc Trăng khởi tố Xuyến về tội Giết người và Cướp tài sản. Đối với Duyên, khi phạm tội chưa đủ 14 tuổi, nên được đưa vào trường giáo dưỡng.

Cuối năm 2014, Xuyến bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên 12 năm tù. 7 người bị oan sai được VKSND tỉnh Sóc Trăng bồi thường gần nửa tỷ đồng.

Điều tra viên dùng nhục hình bằng nước đá

Không có tên trong ban chuyên án, nhưng Hưng được đội trưởng phân công làm việc với nghi can. Nguyên đại úy này đã đặt nước đá vào "vùng kín" của Thạch Sô Phách.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm