TP.HCM và Nam bộ đang có đợt giảm mưa; nắng nóng quay trở lại toàn khu vực. Ảnh: Khương Nguyễn. |
TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận đang trải qua những ngày đầu tháng 6 với nhiệt độ khá cao, dao động 35-37 độ C. Riêng Đồng Tháp có mức nhiệt chạm ngưỡng 37,5 độ C hôm 3/6, theo ghi nhận của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đánh giá đây là đợt nắng nóng có cường độ tương đối mạnh, nhưng không kéo dài và cũng chưa nơi nào lên đến 38 độ C.
So với đợt nắng nóng kỷ lục từ tháng 2 đến tháng 5, đợt đầu tháng 6 chỉ có nắng tập trung đầu giờ chiều; bầu trời ban ngày vẫn có mây tầng thấp. Nhiệt độ những ngày qua khá cao nhưng độ ẩm không khí không thấp như đợt trước.
Mùa mưa không thoát khỏi nắng nóng
Trên thực tế, người dân TP.HCM những ngày qua cảm nhận nắng nóng lên đến 39-40 độ C dù mức nhiệt được ghi nhận thấp hơn vài độ. Tình trạng oi bức do độ ẩm không khí cao có thể góp phần gia tăng cảm giác khó chịu.
Gần 16h30, khu vực Bình Tân có mưa rào nhưng không khí trong nhà vẫn khá oi nồng. Ảnh: N.M. |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết nhiệt độ hôm 4/6 ở TP.HCM là 37 độ C. Sang đến 5/6, thời tiết TP.HCM nhiều mây, nắng không xuất hiện từ sáng sớm như hôm trước nhưng vẫn oi bức, nóng hầm hập.
Trước đó, TP.HCM được dự đoán bắt đầu bước vào mùa mưa từ 15/5, song tình hình thời tiết hiện tại khiến cư dân thành phố không khỏi thắc mắc.
Về điều này, ông Lê Đình Quyết cho biết hiện tượng nắng nóng ở TP.HCM và Nam Bộ không có gì bất thường. Nắng nóng như thế này diễn ra hàng năm, thậm chí gia tăng cường độ vào các tháng 7, tháng 8 gây ra hạn bà chằn (những đợt giảm mưa, nhiệt độ tăng ở Nam Bộ).
Cũng theo ông Quyết, sự xuất hiện của nắng nóng trong những ngày đầu tháng 6 có liên quan đến hoạt động của gió vào mùa mưa.
Thông thường, những ngày có gió mùa Tây Nam hoạt động trung bình đến mạnh sẽ mang không khí nóng ẩm từ biển vào đất liền. Mây tầng thấp hình thành và phát triển gây mưa; nhiệt độ cao nhất ngày chỉ ở mức 31-33 độ C.
Tuy nhiên, hoạt động của gió mang tính giai đoạn, tức hình thành, phát triển rồi suy yếu. "Khi gió Tây Nam yếu đi, hệ thống áp cao Tây Thái Bình Dương lập tức mạnh lên hoặc hạ trục xuống phía Nam lưỡi áp cao lấn về phía Tây. Đây là hệ thống thời tiết có tính phân kỳ, hạn chế quá trình bốc hơi nước và hình thành mây. Do đó, ban ngày ở TP.HCM trời ít mây; nắng kéo dài, cường độ mạnh kéo theo nhiệt độ tăng cao", ông Quyết lý giải.
Ngoài ra, áp thấp nóng phía Tây có xu hướng mở rộng về phía Đông Nam hoặc rãnh áp thấp phía Bắc bị nén về phía Nam cũng là những yếu tố cộng hưởng khiến thời tiết TP.HCM nắng mạnh, oi bức.
Cơn mưa trút xuống đường Lê Duẩn (quận 1) chiều 4/5. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nắng nóng kéo dài đến cuối tuần
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo thời tiết TP.HCM sắp tới có mây thay đổi đến nhiều mây. Ngày nắng gián đoạn. Chiều có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, cục bộ mưa to.
Giai đoạn này, khu vực Nam Bộ duy trì nắng nóng với mức nhiệt cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, thậm chí trên 36 độ C. Nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 8/6.
Các chuyên gia cũng lưu ý nhiệt độ dự báo trong các bản tin thời tiết và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời thường chênh lệch từ 2-4 độ C, hoặc có thể cao hơn tùy vào điều kiện khách quan như cây xanh, bê tông, đường nhựa v.v.
Riêng khoảng từ ngày 9-11/6, chiều tối trên địa bàn thành phố xuất hiện mưa rào và dông nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông, ông Quyết lưu ý người dân cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.