Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Trà Giang, Như Quỳnh… được mời làm người mẫu?

Chia sẻ với Zing.vn, NTK Minh Hạnh cho biết, áo dài và những biểu tượng nhan sắc Việt một thời như NSND Như Quỳnh, NSND Trà Giang… gặp nhau ở một điểm, đó là sự thanh cao!

NTK Minh Hạnh đã có những chia sẻ với phóng viên trước thềm Lễ hội Áo dài 2016.

NTK Minh Hạnh. Ảnh: Tuổi trẻ

Xưa nay, áo dài vốn là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt: vừa duyên dáng, vừa gợi cảm; vừa truyền thống, vừa hiện đại. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, áo dài cũng mang trên mình những biến động của thời cuộc. Đã có rất nhiều sự biến tấu dành cho áo dài. Thậm chí còn xuất hiện cả những "thảm họa áo dài"... Quan điểm của chị về những biến tấu trên áo dài hiện nay?

- Chiếc áo dài cũng là hiện thân của lịch sử, qua bao năm tháng đã thay đổi với những thời điểm đáng ghi nhớ và chính áo dài làm nên lịch sử trang phục Việt Nam.

Sự thay đổi để thích nghi với thời đại là điều bắt buộc nếu muốn đồng hành cùng sự văn minh. Trong sự thay đổi tích cực luôn luôn có những giai đoạn “quá độ”. Có rất nhiều phong cách áo dài để chọn lọc là sự tích cực nhưng phong cách nào làm mất đi vẻ đẹp vĩnh cửu đã được hình thành từ lịch sử thì sẽ không thể tồn tại vì thẩm mỹ luôn luôn có quy luật.

-  Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay muốn chiếc áo dài góp phần vào công cuộc... phô diễn cơ thể. Họ không ngại mở cổ áo rộng hơn, dùng chất liệu siêu mỏng... Có ý kiến cho rằng, ứng xử với quốc phục là cách để nhà thiết kế nói lên tài năng, sự tâm huyết cũng như trình độ, sự hiểu biết của mình. Ý kiến của chị?

- Một NTK khi “chạm” đến áo dài cần chuẩn bị cho mình một tâm thế thuần khiết và để thích nghi được với sự phát triển quá nhanh như hiện nay thì NTK cần có nội lực. Việc áo dài phát triển lệch ra khỏi quỹ đạo của thẩm mỹ sẽ nói lên sự lạc hậu của con người sống trong xã hội ấy. Chọn truyền thống trong thiết kế thời trang là một con đường khó nhưng “chánh đạo” chính là sự bền vững.

Họa tiết in ấn trên áo dài cũng từng gây tranh cãi, khi họa tiết đó có thể là biểu tượng tôn giáo của một quốc gia. Ý kiến của chị về sự công phu, cẩn thận khi thiết kế một tà áo dài, những biểu tượng, họa tiết in ấn trên đó...?

- Áo dài không phải là chiếc áo thời trang, đó là một chiếc áo truyền thống. Khi áo dài cần chuyển tải một ý tưởng nào đó thì điều quan trọng nhất là NTK cần hiểu được linh hồn của trang phục và cảm nhận được văn hóa của một đất nước nào đó. Chúng ta có thể nối kết vẻ đẹp mang tính bản sắc của những quốc gia khác bằng chính tri thức thời đại chứ không phải chỉ bằng màu sắc và hình ảnh.

NSND Như Quỳnh sẽ là người mẫu trình diễn áo dài tại Lễ hội Áo dài 2016. Ảnh: Người lao động

-  Vì sao Lễ hội Áo dài 2016 mời những giai nhân nổi tiếng của điện ảnh một thời làm người mẫu, ví dụ như: NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSƯT Thanh Tú, NSND Ngọc Lan...?

-  Những nghệ sĩ đã ghi dấu sâu đậm trong trái tim của người Việt, chính tâm đức và tài năng  của họ đã tạo ra được vẻ đẹp này. Và cho đến ngày hôm nay, họ đã là U80, U70…họ vẫn còn sức hút kỳ lạ bởi những gì họ đã cống hiến bắt nguồn từ trái tim trong sáng và nghị lực của một người phụ nữ Việt Nam.

Vẻ đẹp của những cái tên kể trên như Trà Giang, Như Quỳnh, Thanh Tú... từng nức tiếng màn ảnh một thời. Những vẻ đẹp ấy sẽ tôn vinh áo dài, hay chính những tà áo dài sẽ tôn vinh họ, theo chị?

-  Vẻ đẹp của họ và áo dài gặp nhau tại một điểm, đó là: sự thanh cao!

-  Trong một chia sẻ với báo chí, chị từng bày tỏ, vẻ đẹp của chiếc áo nói lên vẻ đẹp tâm hồn, trình độ thẩm mỹ của người mặc nó. Hẳn, chị sẽ rất khó tính trong việc lựa chọn người mẫu trình diễn các BST áo dài lần này?

- Việt nam có câu: “Y phục xứng kỳ đức”, và phương Tây có câu: “You are what you wear”. Trang phục là một “phương tiện” hữu hiệu để mọi người nhìn được tâm hồn và trình độ của bạn.

Lễ hội Áo dài mời NSND Trà Giang trình diễn. Ảnh tư liệu

-  Lễ hội Áo dài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có kịch bản như thế nào để tôn vinh áo dài Việt Nam sau cả chặng đường lịch sử nhiều thay đổi?

-  Không gian của Văn Miếu được thắp sáng từ cổng chính vào đến giếng Thiên Quang bằng đèn lồng và nến. 50 cô gái đến từ Học Viện Phụ nữ trong tà áo dài chào đón và tặng cho khách tham dự là những bông hoa sen tươi. Những làn điệu âm nhạc dân gian  của nhóm nhạc Cỏ Lạ sẽ dẫn dắt khách mời đến Khuê Văn Các và Giếng Thiên Quang. Đây sẽ là không gian biểu diễn chính.

-  Điểm nhấn lớn nhất, cũng như thông điệp lớn nhất BTC muốn gửi gắm qua lễ hội này, là gì?

- Lễ hội Áo dài 2016 được tổ chức nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, chính vì thế 19 NTK trong cả nước thống nhất chọn ý tưởng từ hoa. Mỗi loài hoa có ý nghĩa riêng và ngụ ý của các NTK mượn lời hoa để dâng tặng đến những người phụ nữ Việt Nam những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Lần đầu tiên Lễ hội Áo dài được tổ chức tại thủ đô Hà nội, tại một địa điểm mà tất cả người dân Việt Nam tôn kính, đó là Văn Miếu. Đối với một thành phố có bề dày lịch sử như Hà Nội thì những hoạt động văn hóa chuyên nghiệp cần được tổ chức thường niên.






Hiền Hương – Hà Thu

Bạn có thể quan tâm