Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao trẻ hay chảy máu mũi?

Vì sao thời tiết nóng quá hay lạnh quá đều khiến con tôi (5 tuổi) chảy máu mũi?

Với thắc mắc này, TS.BS Phạm Kiên Hữu tư vấn:

Chảy máu mũi (CMM) thường xảy ra vào mùa lạnh và ở những địa phương có độ ẩm thấp, làm khô niêm mạc mũi. Trẻ từ 3-8 tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất. Nguyên nhân CMM được chia làm hai nhóm tại chỗ và toàn thân.

- Các yếu tố tại chỗ: Chấn thương (ngoáy mũi), dị vật (chảy dịch thối một bên cộng với CMM), phẫu thuật mũi xoang hay mắt, phản ứng viêm (ví dụ nhiễm trùng đường hô hấp, viêm xoang mạn tính, các kích thích do môi trường), các thuốc xịt (cocaine), u trong hốc mũi lành hay ác tính (ở trẻ em hay gặp polyp mũi, thoát vị màng não, hay u thần kinh đệm), độ ẩm thấp (nhất là trong mùa đông lạnh), khí dung (steroids)…

- Các yếu tố toàn thân: Các bệnh nhiễm trùng, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh Willebrand (một bệnh chảy máu có tính di truyền), bệnh rối loạn đông máu (hemophilia), u ác tính, các bệnh gan, giảm tiểu cầu, hóa trị, thiếu máu, suy tim, thiếu sinh tố C và K, dùng thuốc aspirin, warfarin, các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống dị ứng…

Điều trị gồm CMM trước và CMM sau:

CMM trước: Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước, ở một bên mũi. Trường hợp này, người bệnh có thể bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm mại, không bóp trên phần xương sống mũi). Với biện pháp này, đa số trường hợp sẽ có thể làm ngưng chảy máu sau 10-12 phút.

Bệnh nhân có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy máu. Nếu đã dùng các biện pháp trên, nhưng mũi vẫn chảy máu, nên đến cơ sở tai mũi họng gần nhất để được khám và xử lý thích hợp.

CMM sau: Máu mũi chảy ra sau, lượng máu chủ yếu đi xuống họng; CMM hai bên; máu mũi chảy lượng nhiều; khi bác sĩ chỉ định sai bệnh và nhét bấc mũi trước (dù đã làm đúng kỹ thuật, máu vẫn chảy).

Bệnh nhân sẽ được nhét bấc mũi sau. Thủ thuật nhét bấc mũi sau gây triệu chứng đau và khó chịu nhiều hơn và có thể gây nhiều tai biến như:

- Suy hô hấp tuần hoàn do hạ oxy máu.

- Sẹo xơ, hẹp họng sau hoại tử nhiều mô mềm do bị chèn ép bởi bấc mũi sau.

- Hoại tử cánh mũi hoặc vách ngăn do bấc mũi sau gây tình trạng thiếu máu nuôi.

- Viêm xoang do tắc nghẽn phức hợp lỗ thông mũi xoang cùng bên.

- Hội chứng sốc nhiễm độc.

- Viêm phổi hít.

Trong một số trường hợp, sau khi nhét bấc mũi sau, nếu tình trạng chảy máu mũi nặng vẫn tiếp diễn, bệnh nhân sẽ được hồi sức tích cực, bù lượng máu mất.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh/vi-sao-tre-hay-chay-mau-mui/a142636.html

Theo TS.BS Phạm Kiên Hữu/Báo Phụ Nữ TP HCM

Bạn có thể quan tâm