Vì sao Tử Cấm Thành 'bất chấp' động đất, tồn tại suốt mấy trăm năm?
Thứ hai, 18/3/2019 18:08 (GMT+7)
18:08 18/3/2019
Nằm ở trung tâm Bắc Kinh, Tử Cấm Thành là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất Trung Quốc. Nơi đây có lịch sử hơn 500 năm cùng nhiều đặc điểm thú vị, độc đáo, thậm chí bí ẩn.
1. Vị vua nào đã cho xây Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh?
Minh Thành Tổ
Thanh Thành Tổ
Đường Thành Tổ
Hán Thành Tổ
Khi quyết định chuyển thủ đô từ Nam Kinh đến Bắc Kinh, Minh Thành Tổ, vị vua thứ 3 của nhà Minh, đã cho xây Tử Cấm Thành làm cung điện Hoàng gia. Công trình kiến trúc tráng lệ này được xây dựng trong 14 năm, từ năm 1406 đến năm 1420. Tử Cấm Thành trở thành nơi ở, điều hành đất nước của 24 đời vua, là trung tâm quyền lực tối cao của hai triều Minh - Thanh tại Trung Quốc suốt hơn 500 năm. Ảnh: TripSavvy.
2. Tử Cấm Thành trở thành Bảo tàng Cung điện (The Palace Museum), mở cửa cho công chúng tham quan từ năm nào?
1905
1915
1925
1935
Sau 5 thế kỷ "kín cổng cao tường", năm 1925, Tử Cấm Thành trở thành Bảo tàng Cung điện, mở cửa chào đón công chúng. Với quần thể kiến trúc tráng lệ cùng hàng loạt bộ sưu tập tranh, thư pháp, gốm sứ, cổ vật... quý báu của Hoàng gia, nơi đây là một trong những bảo tàng uy tín nhất thế giới để phục vụ cộng đồng, nghiên cứu học thuật. Ảnh: CGTN.
3. Bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện hiện có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật?
Hơn 1.800
Hơn 18.000
Hơn 180.000
Hơn 1,8 triệu
Bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện ngày nay vốn bắt nguồn từ bộ sưu tập của nhà Thanh, bao gồm gốm sứ, tranh vẽ, thư pháp, đồng hồ, ngọc thạch, sách cổ, tư liệu lịch sử, đồ dùng Hoàng gia... Sau khi thành lập bảo tàng, bộ sưu tập này tiếp tục được tăng cường với nhiều nỗ lực khác nhau. Theo thống kê của Bảo tàng Cung điện, hiện tổng số tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập ở đây đã vượt quá 1,8 triệu, có cả những bảo vật quốc gia. Ảnh: The Palace Museum.
4. 4 mặt tường bao quanh Tử Cấm Thành có những cổng nào?
Ngọ Môn
Thần Vũ Môn
Đông Hoa Môn, Tây Hoa Môn
Tất cả các cổng trên
Theo số liệu của Bảo tàng Cung điện, Tử Cấm Thành rộng hơn 720.000 m2, được bao quanh bởi những bức tường cao 10 m và hào nước rộng 52 m. 4 mặt tường có 4 cửa, gồm Ngọ Môn ở phía nam, Thần Vũ Môn ở phía bắc, Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn ở 2 phía đông - tây. Lối trung tâm của Ngọ Môn chỉ dành riêng cho nhà vua. Ảnh: Shizhao.
5. Thống kê cho thấy, chỉ tính từ năm 1960, đã có hơn 120 trận động đất lớn, nhỏ được ghi nhận ảnh hưởng đến khu vực Tử Cấm Thành. Vì sao phức hợp công trình này vẫn "bất chấp" động đất, tồn tại suốt mấy trăm năm?
Nhờ vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép hiện đại
Nhờ "đấu củng", một kỹ thuật xây dựng truyền thống ở Trung Quốc
Nhờ công trình được trang trí với hoa văn, họa tiết đẹp mắt
Tất cả các yếu tố trên
Theo South China Morning Post, loạt nghiên cứu của Đại học Công nghệ Bắc Kinh gần đây kết luận rằng nhờ kỹ thuật xây dựng truyền thống ở Trung Quốc là đấu củng (dougong), các tòa nhà bằng gỗ trong Tử Cấm Thành có tính linh hoạt cao, cho phép "đứng vững" suốt hàng thế kỷ dù chịu ảnh hưởng của động đất. Hiểu đơn giản, đấu củng là hệ thống khung gỗ gồm các khối "đấu", "củng" lồng khít vào nhau mà không cần đinh hay keo dán để đỡ mái, giúp phân bổ đồng đều trọng lượng mái lên toàn bộ cấu trúc theo nguyên tắc như thân với cành cây, tức khi thân "rung rinh" thì các cành cũng "lắc lư", song vẫn giữ độ ổn định cần có. Ảnh: Sinophile.
6. Tòa nhà hiện tại của Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành được xây dựng dưới thời vua nào?
Phổ Nghi
Ung Chính
Khang Hy
Gia Khánh
Nằm ngay đường trục trung tâm của Tử Cấm Thành, Điện Thái Hòa là cung điện rộng lớn nhất, trang nghiêm nhất ở đây. Công trình vốn hình thành từ đầu thế kỷ 15, trải qua một số tên gọi khác nhau. Điện Thái Hòa như hiện tại được xây dựng lại dưới thời Khang Hy, cuối thế kỷ 17. Công trình đặt trên 3 tầng đá cẩm thạch trắng, lấy hình tượng rồng làm chủ đạo trong trang trí cả ngoại thất lẫn nội thất. Ảnh: Thousand Wonders.
7. Có bao nhiêu cây cầu bắc qua sông Nội Kim Thủy ở quảng trường trước Thái Hòa Môn?
3
5
7
9
Có 5 cây cầu bằng đá cẩm thạch bắc qua Nội Kim Thủy, dòng sông uốn cong như hình cánh cung ở quảng trường trước Thái Hòa Môn. Cây cầu chính giữa chỉ dành riêng cho vua, nên lan can được trang trí hình ảnh rồng, mây. Cặp cầu cạnh cầu trung tâm dành cho hoàng tử, hoàng thân. Cặp cầu ngoài cùng dành cho quan lại, tướng lĩnh... Ảnh: The Palace Museum.
Ngoài bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam với hàng chục tiêu bản rắn quý hiếm, tỉnh này còn có nhiều điểm đến thú vị khác mang đậm dấu ấn sông nước miền Tây Nam Bộ, hấp dẫn du khách.
Thu hút du khách từ thời La Mã cổ đại cách đây 2.000 năm, Como là hồ lớn thứ 3 ở Italy, cũng là một trong những vùng nước sâu nhất châu Âu, sở hữu cảnh quan cùng khí hậu tuyệt vời.
Vạn Lý Trường Thành là công trình nổi tiếng mang tính biểu tượng của Trung Quốc, được UNESCO công nhận di sản thế giới. Đây cũng nằm trong số các điểm đến hút khách nhất nước này.