Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao vedette Việt mãi thiếu chuyên nghiệp?

Ý thích chơi nổi của một số vedette hay thậm chí là của chính NTK đã đẩy thời trang Việt cứ một mình một hướng, khác xa với chuẩn quốc tế.

Vì sao vedette Việt mãi thiếu chuyên nghiệp?

Ý thích chơi nổi của một số vedette hay thậm chí là của chính NTK đã đẩy thời trang Việt cứ một mình một hướng, khác xa với chuẩn quốc tế.

Vedette là những người nắm giữ vị trí quan trọng trong một show diễn thời trang. Trong bất kỳ buổi trình diễn nào, kể cả trong nước lẫn quốc tế, các NTK đều sử dụng vedette như con át chủ bài để thu hút truyền thông, báo giới và công chúng chú ý vào BST của mình. Tuy nhiên, cách sử dụng vedette trong nước và nước ngoài khác nhau “một trời một vực”. Chính sự khác biệt này đã khiến cho ngành thời trang cũng như người mẫu Việt mãi “vẫy vùng” trong cái vỏ bọc nghiệp dư và càng xa vời hơn với mốc chuyên nghiệp.

Vedette thích chơi nổi

Khi theo dõi các tuần lễ thời trang quốc tế, người mẫu kỷ luật bao nhiêu thì các chân dài Việt lại “bát nháo” bấy nhiêu. Ở các sàn diễn quốc tế, người mẫu bắt buộc phải diễn trong khuôn khổ, mạch lạc, lạnh lùng để tôn vinh thông điệp của toàn bộ tác phẩm NTK. Theo quy chuẩn quốc tế, người mẫu phải giữ tư thế lưng thẳng, nâng cằm, eo cong, vai mở. Tuy nhiên, sàn catwalk Việt lại tấp nập những vedette trình diễn dưỡn dẹo, uốn éo. Họ còn tập cho mình những tư thế "lạc loài" trên sân khấu như tung váy, múa, đánh mắt, đưa hông, đẩy ngực… Thay vì tôn vinh các thiết kế, trang phục thì sàn catwalk Việt lại tôn vinh vedette, cổ súy cho lối diễn nghiệp dư trong nước. Chính việc làm đó đã khiến cho nhiều vedette trước đây từng được xem là chuyên nghiệp với lối diễn lạnh lùng, nay bỗng chơi nổi với nhiều “chiêu trò” khó hiểu và hoàn toàn lạc tông trên sân khấu.

Trang Nhung vừa đi vừa múa
Trương Thị May sáng tác điệu múa chim công trên sàn catwalk
Hoàng Yến tung váy

NTK thiếu tính toán khi chọn vedette

Phải nói rằng, việc tính toán người giữ vị trí vedette của các NTK Việt còn thua xa so với các NTK nước ngoài. Ở nhiều quốc gia có ngành thời trang phát triển, NTK thường mời ca sĩ, diễn viên hoặc những minh tinh có tiếng vào show diễn nhằm hướng khán giả chú ý đến ý tưởng bao quát của toàn bộ tác phẩm. Ví như Thierry Mugler sử dụng nữ ca sĩ lập dị Lady Gaga để lăng xê những mẫu thiết kế độc, dị và khác người của ông. Trong khi đó, một số NTK Việt mời diễn viên, ca sĩ diễn catwalk chỉ để… làm cảnh. Bởi trong rất nhiều show diễn thời trang Việt, trang phục mà vedette “ngoại đạo” mặc chẳng liên quan gì đến ý tưởng bao trùm trong tác phẩm.

Ở một góc nhìn khác, nếu những “kẻ ngoại đạo” ở nước ngoài đã chấp nhận lấn sân sang làm vedette thời trang, họ đều buộc phải trang điểm, làm tóc theo yêu cầu của NTK, chưa kể trước đó còn phải tập đi đứng rất vất vả để có thể diễn theo chuẩn của người mẫu trên sàn catwalk. Còn ở Việt Nam, việc ca sĩ, diễn viên tung tẩy, diễn lạc tông với cả đội hình mẫu là… chuyện thường ở huyện. Không ít người am hiểu thời trang nhận rõ được điểm yếu chuyên môn rõ rệt khi một số Hoa hậu, Á hậu, ca sĩ cũng như diễn viên, thậm chí MC khi họ tập tành diễn catwalk.

Diễn viên Nguyệt Ánh vụng về trên đường băng
Trương Quỳnh Anh cũng tập tành động tác tung váy
Thanh Lam làm vedette với dáng đứng... có một không hai
Hoa hậu Thùy Dung không chỉ phô điểm yếu chuyên môn là không làm chủ được cơ mặt, lệch trọng tâm mà còn thường xuyên vấy váp trên sân khấu

Vedette mang tiếng oan vì ý tưởng NTK

Không chỉ các người mẫu, các NTK cũng thích chơi nổi trên sân khấu. Một số NTK còn “đạo ý tưởng” một cách máy móc chỉ để phục vụ cho nhu cầu chơi nổi đến quá lố của mình. Trong show thời trang thu đông 2011 của thương hiệu lừng danh Louis Vuiton, siêu mẫu Kate Moss được mời làm vedette. Dường như để bày tỏ sự nổi loạn, cá tính trong những mẫu thiết kế, Marc Jacobs đã yêu cầu Kate Moss phì phèo thuốc lá trên sàn diễn (ngay trong ngày thế giới không thuốc lá) như một lời thách thức, khiêu khích, cũng như chính ý tưởng thiết kế mà anh muốn hướng đến trong BST. Ngay sau đó, NTK Đỗ Mạnh Cường cũng "bê" ngay hình ảnh này vào show diễn của mình, anh yêu cầu Thanh Hằng hút thuốc lá trên sân khấu, trong khi hành động đó chẳng hề dính líu đến những mẫu váy sexy, nữ tính của anh. Đó là chưa kể sau show diễn này, Thanh Hằng cũng bị lên án vì việc cổ xúy hút thuốc lá trên sàn diễn.

Nếu như ở các quốc gia yêu chuộng động vật, người ta thường ưu ái tổ chức những show thời trang riêng dành cho những chú cún cưng thì ở nước mình, các vedette cũng dùng cún làm bạn diễn, nhưng dường như những con vật nuôi đáng yêu này chỉ phục vụ cho mục đích... chơi nổi. Thế mới biết, chiêu trò của showbiz Việt không chỉ xuất hiện trên sân khấu ca nhạc mà còn trên sàn diễn thời trang, nơi cần sự nghiêm túc, lạnh lùng, phong cách trình diễn mạch lạc và chuyên nghiệp.

Thanh Hằng bị gắn mác vedette thích chơi nổi vì hút thuộc và ôm cún lên sàn catwalk

Hình thể cách xa so với chuẩn quốc tế

Các NTK nổi tiếng trên khắp thế giới đều yêu chuộng sử dụng những người mẫu có số đo hạn chế để không làm ảnh hưởng tới sản phẩm của họ. Hàng loạt những vedette có tiếng như Kate Moss, Heidi Klum, Rosie Huntington, Liu Wen, Carmen Kass… đều có các số đo 3 vòng khiêm tốn. Trong khi đó, nếu để ý các show thời trang trong nước, các vedette hầu như là những tín đồ của vòng 1 "khủng", vòng 3 "hút mắt"… Cứ thế, sàn catwalk nước nhà như ngập lụt trong những vòng 1 căng cứng ngắc, những vòng 3 độn silicon cong veo hay những chiếc eo nhăn nhúm, hậu quả của việc ăn kiêng nhưng thiếu kiên trì luyện tập.

Thời trang Việt "ngập lụt" với những vedette ngực "khủng" mông cong

Tạm kết

Bấy nhiêu nguyên nhân ấy để thấy rằng lỗi thiếu chuyên nghiệp của vedette trong nước chẳng của riêng ai. Không chỉ vì vedette thích chơi nổi mà cũng vì tài năng của NTK chưa tới, nhiều NTK cũng thích chạy theo sự hiếu kỳ của một bộ phận khán giả và thiếu tập trung vào chuyên môn. Vô tình, họ bị cuốn theo lối phát triển đi ngược với thế giới. Một số NTK mới nổi cũng thích đánh bóng tên tuổi qua chiêu trò của vedette. Hậu quả là, vedette nói riêng và người mẫu nói chung đang cố tình hoặc cả vô ý tự biến mình thành những người làm nghề thiếu chuyên nghiệp và đẳng cấp thực thụ.

Hạ My

Theo Infonet

Hạ My

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm