Có hơn 4.800 người theo dõi trên Facebook, thầy giáo dạy tiếng Anh - Philip Veinott - thường dành vài giờ mỗi tuần để viết về đất nước mà anh thương mến gọi là nhà, sau 6 năm sinh sống ở đây.
“Việt Nam trong tâm hồn tôi”
Phil đang phụ trách truyền thông cho trang web Vietnam Is Awesome (Việt Nam tuyệt vời) mà anh cùng một người bạn gây dựng, cung cấp các trải nghiệm du lịch cho người nước ngoài đến Việt Nam.
Không khó để nhận thấy các bài viết đăng tải trên Vietnam Is Awesome và Facebook của Phil thấm đẫm tình yêu anh dành cho Việt Nam.
Philip Veinott bên chân cầu ở TP HCM. Ảnh: NVCC. |
Với giọng văn dí dỏm mà anh bảo là “viết như nói”, Phil viết về mọi thứ, từ Việt Nam tuyệt vời ra sao, đến kinh nghiệm du lịch, trải nghiệm ẩm thực, hay những chuyện rất Việt Nam như cuộc sống “làm bạn với mì gói” của sinh viên, về những cô lao công mà Phil bảo thường ít được quan tâm dù họ đáng trân trọng, cả chuyện ở Việt Nam người cao lớn quá thì bất lợi như thế nào.
Phil thường ngại khi ai đó khen anh viết hay, vì anh bảo mình viết không giỏi, chỉ đơn giản là viết ra những gì mình thấy, mình nghĩ, mình trải nghiệm...
Bài viết nổi tiếng nhất của anh là câu chuyện về lần anh gặp tai nạn, bị gãy tay và được một gia đình người Việt giúp đỡ tận tình, đưa vào bệnh viện và còn trả cả viện phí cho anh.
Bài viết được chia sẻ trên nhiều diễn đàn của người nước ngoài ở Việt Nam và nhận được hơn 50.000 like (thích).
Một trong những bài viết mà Phil tâm đắc nhất là Why Vietnam is my home (Vì sao Việt Nam là nhà của tôi). Phil nói rằng, bài viết này cho anh cơ hội để ngồi lại và suy ngẫm vì sao anh xem Việt Nam là nhà.
“Ở Việt Nam tôi có vợ sắp cưới, có chó Boo, có bạn bè, có học trò nữa. Tôi rất thân thiết với học trò của mình” - Phil khoe và cười tươi rói.
Với chàng thầy giáo ưa viết đến từ New Jersey, sự tuyệt vời của Việt Nam đến từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống, như chạy xe máy trên đường khiến anh thấy tự do tự tại, hay cùng vợ sắp cưới đi ăn ốc rồi nhìn thấy cách người Việt Nam tận hưởng cuộc sống bên những món ăn đường phố...
Nói chuyện dù chỉ một lần với Phil cũng có thể thấy tình cảm anh dành cho Việt Nam là rất tự nhiên. Bản thân Phil cũng không rõ nguyên do, chỉ biết là anh thấy “yêu là yêu thế thôi”. “Tôi có cảm giác bây giờ mình giống người Việt hơn người Mỹ, nếu có kiếp sau, tôi muốn làm người Việt Nam” - Phil tâm sự theo kiểu nhà Phật.
Giờ đây, mong muốn của Phil là có thể kết nối được với nhiều người khác để viết, để anh không chỉ là người duy nhất quảng bá Việt Nam, khen Việt Nam tuyệt vời.
“Nhiều người vẫn nói về những chuyện không tốt xảy ra ở Việt Nam, họ không nghĩ Việt Nam tuyệt vời. Tôi sống ở đây sáu năm rồi, đây là nhà tôi. Nếu bạn thật sự sống ở đây, có một gia đình tại đây, bạn sẽ thấy nơi này rất tuyệt” - Phil cam đoan.
Bén duyên nhờ Tết
Phil kể vẫn nhớ như in lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2008 thăm sếp cũ của mình - một Việt kiều, ở Bến Lức (Long An). Trước đó, anh đã nhiều lần từ chối lời mời vì chẳng biết gì về Việt Nam và không hề có ý định đến đây.
Tuy nhiên, sang đến Việt Nam, anh đã bị “hớp hồn” bởi cuộc sống quá đỗi khác biệt so với đất nước mình.
“Ở Bến Lức lúc đó không có máy lạnh, không Internet, ngủ thì phải mắc mùng, đi vệ sinh phải ra ngoài nhà, truyền hình thì toàn kênh Việt Nam, người ta thì cứ nhìn chằm chằm tôi như trong sở thú” - Phil cười to khi nhớ lại.
“Tuy nhiên sau đó mọi người bắt đầu trò chuyện, cười nói thân thiện, tôi bỗng cảm thấy có sự gắn kết mà tôi chưa hề biết đến bao giờ. Tôi tự bảo lòng sẽ quay trở lại” - Phil kể.
Nói là làm, đúng một năm sau đó, cũng vào dịp tết, Phil khăn gói đến TP HCM với ý định sống lâu dài. Thế rồi đến năm 2012, anh bỗng chán Việt Nam và quay về Mỹ vì “sau 3-4 năm, bạn sẽ thấy chán bất cứ nơi nào”.
Nhưng sau khi về nước, anh cứ ở nhà và mẹ anh phải hỏi tại sao anh không đi làm. Phil tiết lộ rất ư là... Phil: anh sợ lỡ có công việc ổn định ở Mỹ rồi sẽ... không quay lại Việt Nam được nữa! Thế là chỉ sau ba tháng, chàng trai Mỹ khăn gói quay lại Việt Nam.
Ngoài đi dạy học, viết blog, đến năm 2014 Phil còn sáng lập trang SlapDish, một dịch vụ cung cấp voucher ăn uống miễn phí của các nhà hàng, khách sạn. Doanh nghiệp cung cấp voucher, Phil “rao” trên SlapDish, mọi người chỉ việc bình luận và chia sẻ để giành cơ hội lấy được các voucher này. Đến giờ, SlapDish vẫn hoạt động như một cầu nối miễn phí liên kết mọi người với nhau.
“Điều lớn nhất mà SlapDish mang lại cho tôi chính là sự liên kết, giúp tôi biết được nhiều người hơn ở đất nước này và tôi cũng muốn liên kết mọi người với nhau” - Phil chia sẻ.
Phil tâm sự vẫn còn rất nhiều điều để làm ở Việt Nam, ngoài công việc, người vợ sắp cưới mang một nửa dòng máu là người Việt cũng là một yếu tố khiến anh thêm gắn kết với đất nước này.
“Lấy cô ấy làm vợ khiến Việt Nam trở thành một phần trong tôi, mãi mãi, một cách tự nhiên” - Phil nói, mắt long lanh.
Dù hiện tại anh cũng không dám chắc là mình có ở lại Việt Nam mãi hay không, “nhưng tôi muốn về hưu ở đây. Giờ tôi chỉ mới 30, tưởng tượng 50 năm nữa xem, lúc đó tôi thành người Việt Nam rồi, mà tôi cũng thấy mình là người Việt Nam rồi”.