Ngày 18/4, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết các phòng nghiệp vụ đã lấy mẫu cà phê tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp) để đưa đi giám định. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tạm giữ hơn 20 tấn cà phê bẩn tại cơ sở này.
“Cơ quan CSĐT đang làm rõ động cơ, mục đích đem trộn phế phẩm cà phê với nước pin, đá sỏi và cách thức tiêu thụ sản phẩm của bà Loan. Nếu vi phạm của người này đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì đơn vị sẽ thực hiện theo quy định”, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông nói.
Nguyên liệu, sản phẩm bỏ dưới đất bốc mùi nồng nặc
Cơ sở sản xuất cà phê của bà Loan nằm cách đường nhựa liên xã Nhân Đạo và Đắk Wer khoảng 50 m. Khu vực sản xuất được chia làm hai phần rộng khoảng 400 m2. Phía trước là ngôi nhà cấp 4, nơi bà Loan sinh sống còn một kho xưởng rộng khoảng 300 m2 ở sau với nhiều vật dụng để sơ chế cà phê nằm la liệt.
Theo quan sát, máy trộn hồ, bao tải, sàng cát, vỏ cà phê, pin con ó, bột đá của cơ sở này bỏ tràn xuống đất.
Nhiều sản phẩm, nguyên liệu được bỏ tràn ra đất. Ảnh: Minh Quý. |
Trên nền xi măng nhiều vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ nằm vương vãi khắp nơi. Nhiều thùng đựng nước đen ngòm từ bột than của pin bốc ra mùi nồng nặc.
Nước từ lõi pin đổ rải rác khắp nơi làm nền xi măng kho xưởng nhuốm màu đen kịt. Hàng trăm bao tải nhem nhuốc chứa nguyên liệu làm cà phê được chất đầy xung quanh tường.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, cà phê ở đây được sản xuất theo công thức vỏ cà phê trộn với bột đá, cà phê thải loại ngâm qua nước pha bột pin. Trong đó, thành phần chủ yếu là bột đá và vỏ cà phê. Bột pin ngâm nước khi trộn với cà phê tạo ra màu đen óng.
“Hiện lực lượng cảnh sát môi trường đã thu giữ 20 tấn tang vật nguyên liệu cà phê về kiểm nghiệm. Khi công an kiểm tra và bắt quả tang, có hai công nhân của cơ sở này đang dùng bột đá, vỏ cà phê, phế phẩm cà phê bỏ vào cối trộn hồ pha với nước bột pin”, vị này nói.
Xin giấy phép mua nông sản nhưng sản xuất cà phê bẩn
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Đắk Wer, cho biết theo giấy phép của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp cho bà Loan là thu mua nông sản.
Bà Loan đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 19/8/2016 (đăng ký thay đổi lần thứ 1 vào ngày 31/10/2017) với vốn kinh doanh 1 tỷ đồng.
Số "nguyên liệu" pin được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Minh Quý. |
"Tuy nhiên, cơ sở của bà Loan không thu mua nông sản và treo biển hiệu như giấy phép. Do đó, cơ quan chức năng không kiểm tra cơ sở này", ông Quân nói.
Theo ông Quân, khi bị bắt quả tang, bà Loan cho biết đã bán 3 tấn nguyên liệu của cơ sở cho một số người tại các thành phố lớn ở phía nam.
"Mỗi đợt pha bằng cối trộn hồ có khoảng 6-8 tấn phế phẩm cà phê trộn cùng khoảng 24 viên pin cũ. Bà Loan chỉ xuất trình được giấy phép thu mua nông sản do Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện cấp, chứ không hề có giấy phép chế biến nông sản”, ông Quân nói.
Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, nói theo giấy phép được cấp là thu mua nông sản nhưng bà Loan đi sản xuất cà phê là có dấu hiệu của hành vi Kinh doanh trái phép.
"Đối với hành vi pha chế các chất độc hại để bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính thì cần có giám định của cơ quan chức năng. Khi có kết luận, mới biết cà phê này độc hại và vi phạm mức độ nào về an toàn thực phẩm. Từ đó căn cứ để xử lý hành chính hay hình sự”, luật sư Tòng nói thêm.
Trước đó, ngày 16/4, từ nguồn tin báo của người dân, PC49 phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan (tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện trong xưởng của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn đã được trộn với đất, bột đá. Ngoài ra, tại cơ sở chế biến, lực lượng chức năng cũng thu giữ 2 chậu chứa pin (khoảng 35 kg) đã được đập vụn; 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10 kg); 12 tấn cà phê bột được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng lõi pin.
Để có nguồn nguyên liệu, bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… tại các đại lý.
Sau đó, chủ cơ sở mua pin thải về đập dẹp, dùng bột màu đen trong lõi pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê. Số cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường.
Bà này cho biết từ đầu năm đến nay, cơ sở đã bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn được nhuộm đen bằng lõi pin như trên.