Có ai ngờ Luiz Felipe Scolari, đang dẫn dắt Guangzhou của Trung Quốc, suýt trở thành thuyền trưởng Barcelona. Nhưng số phận dường như không được sắp xếp để họ dành cho nhau. Hơn một thập niên trước, Barcelona lúc bấy giờ mới bỏ túi một chiếc cúp châu Âu trong bộ sưu tập từng cố gắng đưa chiến lược gia người Brazil về sân Nou Camp. Ý tưởng này nằm trong tham vọng của phó chủ tịch Sandro Rosell, đặc biệt sau khi Scolari giúp Brazil giành chức vô địch World Cup 2002. Chính nhờ kỳ công trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản quá đỗi ấn tượng đó, Sandro Rosell như bị ám ảnh bởi người bạn của mình (Scolari) đến nỗi chỉ muốn sa thải Frank Rijkaard chỉ sau một năm vị HLV này dẫn dắt CLB.
Cựu chủ tịch Sandro Rosell của Barcelona rất muốn có Scolari trên ghế chỉ đạo hơn một thập niên trước. |
17h30 ngày 17/12: Barcelona -Guangzhou Evergrande (bán kết Club World Cup)
Tuy nhiên, hai bên lại không thể có được cái bắt tay hợp tác do Scolari còn hợp đồng với tuyển Bồ Đào Nha, theo đó, ông muốn giữ chữ tín dù bản thân có thể nhận lời từ Sandro Rosell. Nhưng sự thật khiến Scolari hụt chiếc ghế ở Barcelona không chỉ nằm ở lấn cấn hợp đồng, mà còn vì sự hời hợt từ chủ tịch Joan Laporta, vốn không mặn mà trong việc thuê ông thầy người Brazil. Chủ tịch Laporta bị tác động bởi lời khuyên của Johan Cruyff cho rằng đội bóng sẽ mắc kẹt trong những vấn đề còn tệ hơn nếu đưa Scolari về xứ Catalan. Tham vọng bất thành kết hợp cùng hục hặc với chủ tịch Laporta trong xây dựng đường lối phát triển đội bóng, phó chủ tịch Sandro Rosell từ chức vào tháng 6/2005 sau khi Rijkaard cùng Barcelona lên ngôi ở La Liga cùng năm và giành tiếp Champions League ở mùa tiếp theo.
Dù thất bại trong nhiệm vụ kéo Scolari về Tây Ban Nha, nhưng Sandro Rosell chưa bao giờ thôi ý nghĩa một ngày nào đó sẽ có chữ ký vị thuyền trưởng đại tài. Thậm chí ở thời điểm hoàng kim của Barcelona với 14 danh hiệu có được dưới thời Pep Guardiola, Sandro Rosell vẫn cứ mơ về "Big Phil". Thực tế khát khao có Scolari trên ghế chỉ đạo Barcelona tưởng chừng đã thành hiện thực với Sandro Rosell khi ông trở thành chủ tịch Barcelona. Người đàn ông quyền lực nhất CLB lên sẵn kế hoạch chiêu mộ nhà cầm quân này sau World Cup 2014, thời điểm Gerardo Martino cũng chia tay “Blaugrana” trong nhiệm kỳ ngắn ngủi ở mùa giải 2013-14. Nhưng hy vọng để rồi lại thất vọng lần nữa.
Sandro Rosell từ chức chủ tịch Barcelona vào tháng 1/2014, đồng thời đặt dấu chấm hết cho những liên hệ với Scolari. Kết thúc mùa 2013-14, chủ tịch Josep Maria Bartomeu cùng giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta thống nhất trong việc chọn Luis Enrique làm HLV đội nhà và đặt ra mục tiêu giúp Barcelona trở lại đỉnh châu Âu. Như đã biết, chiến lược gia người Asturia cùng CLB giành cú ăn ba vĩ đại, còn Brazil của Scolari thảm hại muối mặt ngay tại quê nhà trước tuyển Đức ở bán kết World Cup 2014 trước đó. Hai viễn cảnh trái ngược này càng tạo ra sự tự tin cho bộ máy lãnh đạo Barcelona vì không tuyển mộ Scolari, nếu không muốn nói họ còn mừng thầm và giễu cợt nỗi ám ảnh trong tâm trí Sandro Rosell.
HLV Scolari suýt trở thành thuyền trưởng Barcelona trong quá khứ. |
Để rồi hôm nay, Scolari gặp lại Barcelona, nơi ông từng hụt chiếc ghế HLV của đội bóng xuất sắc nhất hành tinh hiện nay. Dĩ nhiên, Guangzhou Evergrande không thể so sánh với Barcelona về đẳng cấp hay nhân sự. Triết lý của hai vị HLV cũng khác nhau. Với Scolari, ông mang đến thứ bóng đá chứa đựng khát khao chiến thắng đến tàn nhẫn. Còn Luis Enrique, Barcelona được cách tân về lối chơi dựa trên nền tảng tiki-taka trứ danh. Quan trọng, Luis Enrique sở hữu ngôi sao đến từ hành tinh khác mang tên Lionel Messi và các bậc thầy xây dựng lối chơi như Andres Iniesta, Sergio Busquets, Ivan Rakitic,... Còn Scolari có mỗi Robinho đã luống tuổi và Paulinho, từng đá cho Tottenham.
Song, lý thuyết đó không có nghĩa Guangzhou hết cơ hội tạo nên bất ngờ trước đối thủ. Barcelona trở thành đội đáp chuyến bay tới Nhật Bản trễ nhất, do đó có thể chưa quen với khí hậu và môi trường ở đất nước mặt trời mọc. Yếu tố này mở ra chút hy vọng mong manh cho đại diện của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Scolari có thể đặt niềm tin vào hai ngôi sao chất lượng chưa hết thời là Robinho và Paulinho. Nhưng vấn đề với "Big Phil" nằm ở chỗ Barcelona không phải đội thích phòng ngự. Đằng này, họ có Messi và Luis Suarez và đó toàn những mũi nhọn sẵn sàng gieo rắc kinh hoàng cho bất kỳ hàng thủ nào. Ngoài ra, tuyến phòng ngự Barcelona không giống với Club America, bại tướng của Guangzhou ở trận đấu trước đó.
Dưới góc nhìn cây bút Lee Roden sinh sống tại Barcelona, HLV Scolari cần một phép mầu để ngăn Messi và Suarez im hơi lặng tiếng trong trận cầu diễn ra lúc 17 giờ 30 phút chiều nay (17/12). Nhưng nếu làm được điều đó, danh tiếng nhà cầm quân người Brazil sẽ được đánh giá lại.
Phân tích trên ESPN, cây bút Francesc Tomas bình luận vấn đề của Barcelona nằm ở sự tập trung, yếu tố vốn không được CLB duy trì ổn định trong những trận gần đây. Do đó, 90 phút sắp tới trở thành cơ hội để Luis Enrique khắc phục những điểm yếu từng mắc phải trong các trận đấu gặp Valencia, Bayer Leverkusen và gần nhất có Deportivo La Coruna. Ngoài ra, nhà vô địch Champions League cũng nên hạn chế những sai lầm cá nhân không cần thiết, đồng thời vượt qua mất mát to lớn vắng tiền đạo Neymar. Có như vậy, CLB sẽ chạm một tay vào danh hiệu thứ 5 trong năm 2015.