Cuối tuần qua, bộ phim siêu anh hùng có Vin Diesel đóng chính chỉ thu 9,3 triệu USD sau ba ngày đầu ra rạp tại Bắc Mỹ. Toan tính mở ra vũ trụ điện ảnh mới dựa trên các đầu truyện tranh của Valiant lập tức bị đặt dấu hỏi lớn.
Ban đầu, Bloodshot tiêu tốn của Sony khoảng 45 triệu USD để thực hiện. Nhiều người cho rằng tình hình dịch bệnh lan nhanh tại Mỹ đã gây ảnh hưởng tới doanh thu bộ phim. Điều đó đúng, song, tác phẩm thực tế còn mắc phải nhiều vấn đề khác.
Dự đoán ảm đạm từ ban đầu
Cách đây khoảng một tháng, khi dịch Covid-19 chưa gây ảnh hưởng sâu rộng ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, chính hãng Sony đưa ra dự đoán dè dặt đến không ngờ về Bloodshot. Họ cho rằng bộ phim chỉ có thể thu hơn 10 triệu USD nội địa sau ba ngày đầu trình chiếu.
Do đó, con số thực tế 9,3 triệu USD xem ra rất sát với những gì chính nhà sản xuất tiên đoán, và thậm chí có lẽ còn cao hơn mức dự đoán cuối cùng vào thời điểm cả Hollywood nín thở vì virus corona.
Bloodshot không được báo chí ủng hộ, và chính nhà phát hành Sony cũng không tự tin về bộ phim. Ảnh: Sony. |
Chất lượng của Bloodshot không tốt. Trên chuyên trang Rotten Tomatoes, chỉ hơn 30% bài đánh giá về bộ phim là tích cực. Tác phẩm siêu anh hùng bị phàn nàn là rập khuôn, tẻ nhạt, ít tình tiết bất ngờ. Có vài điểm sáng về mặt kỹ xảo, nhưng Bloodshot khó có thể tỏ ra hoành tráng với mức kinh phí sản xuất kém xa nhiều dự án cùng loại.
Về cá nhân Vin Diesel, đa số tờ báo nhận định anh chưa cho thấy sự đột phá trong diễn xuất. Nam diễn viên tiếp tục đảm nhận kiểu vai thuần cơ bắp, ít biểu cảm, trong khi nhân vật Bloodshot ở nguyên tác truyện tranh vốn phức tạp hơn vậy.
Càng gần ngày phim khởi chiếu, “bóng ma” Covid-19 càng hiện lên rõ hơn. Đầu tuần trước, chính Vin Diesel vẫn còn trả lời báo chí rằng lịch chiếu Fast & Furious 9 khó lòng thay đổi, để rồi tới hôm 13/3, Universal tuyên bố dời bom tấn sang 2021.
Tài tử hành động vốn rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, nhưng cả anh lẫn Bloodshot chưa biết đến bao giờ mới có cơ hội đặt chân tới quốc gia tỷ dân Đông Á. Với bộ phim, Sony rõ ràng đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới. Nhưng dịch bệnh phức tạp kể từ cuối tháng 1 đã khiến mọi chuyện thay đổi.
Hay vấn đề nằm ở chính Vin Diesel?
Sau nhiều năm lăn lộn trên các phim trường, Vin Diesel trở thành gương mặt quen thuộc trong mắt đại chúng, đặc biệt qua loạt phim hành động - tốc độ Fast & Furious. Anh luôn biết lấy lòng khán giả qua những thông điệp giàu cảm xúc trên trang cá nhân, và tạo ra cho mình hình ảnh dễ mến ngoài đời.
Song, nếu điểm lại sự nghiệp của Vin Diesel trong vòng 20 năm qua, ngoài Fast & Furious, anh thực tế không tạo ra nhiều “cú hit” khi sắm vai chính. Trở lại năm 2001, The Fast and the Furious - tập phim mở ra thương hiệu - gây bất ngờ khi thu 207 triệu USD toàn cầu, so với kinh phí sản xuất khoảng 38 triệu USD.
Thành công trong những năm qua của Vin Diesel chủ yếu nằm ở thương hiệu Fast & Furious. Ảnh: Universal. |
Nhưng sau bộ phim, giữa Vin Diesel và Universal xảy ra tranh cãi về vấn đề thù lao. Anh muốn nhận 27 triệu USD cho phần tiếp theo, nhưng hãng phim không thể đáp ứng. Do đó, tới 2 Fast 2 Furious (2003), khán giả chỉ còn được gặp lại Brian O’Conner do tài tử quá cố Paul Walker thể hiện.
Trong quãng thời gian đó, Vin Diesel đóng chính một phim hành động ăn khách khác là xXx (2002). Bộ phim được gọi là "007 của thế kỷ XXI" do Sony thực hiện mang về 277 triệu USD, so với kinh phí 89 triệu USD. Kế đó, The Pacifer (2005) - một bộ phim hài hước nhắm đến đối tượng gia đình của Disney của tài tử - thu 198 triệu USD, so với kinh phí 56 triệu USD.
Universal rốt cuộc cũng chịu “làm hòa” với Vin Diesel và mời anh trở lại từ Tokyo Drift (2006) trong vai trò khách mời. Từ đây, nam diễn viên đồng thời sắm vai trò nhà sản xuất, bắt đầu với Fast & Furious 4 (2009). Nếu nhìn lại, đây giống như phần hậu truyện trực tiếp của tập đầu tiên; còn 2 Fast 2 Furious cùng Tokyo Drift là hai phần ngoại truyện, giúp xây dựng vũ trụ điện ảnh.
Cuối cùng, Fast & Furious trở nên bùng nổ với Fast Five vào mùa hè 2011. Bộ phim quy tụ gần như toàn bộ nhân vật từng xuất hiện trong thương hiệu, và có thể so sánh như The Avengers (2012) của MCU.
The Last Witch Hunter thuộc nhóm dự án gây thất vọng về mặt doanh thu của Vin Diesel. Ảnh: Lionsgate. |
Nhưng cũng từ đây, bên ngoài thương hiệu Fast & Furious, Vin Diesel tỏ ra “mất thiêng”. Anh gắng xây dựng một thương hiệu hành động khác về nhân vật Riddick, nhưng kết quả không đi tới đâu. Tài tử hóa thân thành thợ săn phù thủy cuối cùng trong The Last Witch Hunter (2015), nhưng phim chỉ thu 146 triệu USD toàn cầu, so với kinh phí 90 triệu USD.
Kế đó, Vin Diesel lại trở về thương hiệu xXx thông qua tập phim xXx: Return of Xander Cage (2017). Nhưng nếu không có 164 triệu USD từ Trung Quốc, phim đã trở thành “bom xịt”. Tại Bắc Mỹ, tác phẩm hành động chỉ thu khoảng 45 triệu USD.
Có thể thấy Vin Diesel cũng mắc phải vấn đề mà nhiều ngôi sao của Vũ trụ Điện ảnh Marvel đang vướng phải. Bước chân ra khỏi một thương hiệu lớn, họ không thể đảm bảo thành công cho dự án mà mình đóng chính.
Nam diễn viên 52 tuổi dự tính khép lại Fast & Furious ở phần 10, hoặc có thể là phần 11 nếu như tập cuối được “bẻ đôi”. Trong trường hợp câu chuyện về Dominic Toretto thực sự kết thúc, vị thế ngôi sao của Vin Diesel chắc chắn trở nên lung lay dữ dội kể từ đó.