Theo Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh, sau khi đánh được quân Minh, lập nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ lưu tâm chấn chỉnh việc học. Ông mở khoa Minh kinh, bắt các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống thi kinh sử và vũ kinh, đồng thời khuyến khích những người sống ẩn dật trong chiến tranh ứng thí để chọn nhân tài.
Tuy nhiên, đây chỉ là phương sách lâm thời sau cuộc loạn. Đến đời Lê Thánh Tông, triều đình mới noi theo chế độ nhà Trần mà chỉnh đốn việc học, mở rộng nhà Thái Học ở phía sau Văn Miếu. Vua định lại phép thi hương, hội, đình và đặt lệ 3 năm mở một khoa thi.
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ trong Văn Miếu, khắc tên những người đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442.
Nguyễn Trực là trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê, đồng thời là người đầu tiên có tên trên văn bia.
Văn bia khắc tên Nguyễn Trực - trạng nguyên đầu tiên của triều Hậu Lê, trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Wikipedia.
|
Theo Danh nhân Hà Nội của giáo sư Vũ Khiêu, Nguyễn Trực (1417 – 1473), tự Công Đĩnh, hiệu Sư Liêu, là người làng Bối Khê, Thanh Oai, Hà Tây. Ông xuất thân trong gia đình khoa cử, ông nội là tiến sĩ Nguyễn Bính, cha là tiến sĩ Nguyễn Thì Trung.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trực đã nổi tiếng thông minh. 8 tuổi, ông bắt đầu đi học. 12 tuổi, tài văn thơ của ông khiến nhiều người nể phục.
Năm 1434, Nguyễn Trực tham gia kỳ thi Hương và đỗ đầu khi mới 17 tuổi.
Năm 1442, ông thi Đình, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đệ nhất danh (Trạng nguyên). Ông được nhà vua ban sắc “Quốc Tử Giám thi thư” và ban thưởng Á Liệt Khanh, đứng đầu trong số 33 tiến sĩ cùng khóa. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, vua ban mũ áo Trạng nguyên cho người đỗ cao nhất. Vua Lê Thái Tông rất tán thưởng vị tiến sĩ trẻ tuổi.
Nhưng chẳng bao lâu sau, hay tin cha mất, tân trạng nguyện phải về quê chịu tang. Dưới thời vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Trực được trọng dụng. Vua ban chức Triều nghi đại phu Hàn lâm viện học sĩ Vu kỵ úy. Ít lâu sau, ông được tuyên triệu về triều, liên tục nắm giữ những chức vụ quan trọng.
Năm 1454, mẹ mất, Nguyễn Trực về quê chịu tang. Nghe danh tiếng ông, nhiều người đến bái sư. Sau này, nhiều học trò ông đỗ đạt, cống hiến cho đất nước.
Năm 1457, triều Minh cử sứ thần Hoàng Gián sang Đại Việt. Vua Lê Nhân Tông tuyên triệu Nguyễn Trực, lúc này đã mãn tang mẹ, về triều. Tài đối đáp của ông làm rạng danh nước nhà.
Theo Kho tàng các ông trạng Việt Nam: truyện và giai thoại của Vũ Ngọc Khánh, trong một lần đi sứ Trung Quốc, gặp đúng dịp thi Đình, muốn cho triều đình nhà Minh biết tài học của dân ta, Nguyễn Trực cùng phó sứ Trịnh Khiết Tường ứng thi. Tài văn chương của hai ông bộc lộ rõ. Nguyễn Trực một lần nữa đỗ Trạng nguyên trong khi Trịnh Khiết Tường đỗ Bảng nhãn.
Triều đình và dân chúng triều Minh thán phục tài năng của vị trạng nguyên người Đại Việt, tôn xưng ông là Lưỡng quốc trạng nguyên.
Trong cuốn Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực, Nguyễn Hữu Hoa ghi: “Trở về nước, cả hai ông đều được vua phong chức Thượng thư và ban thưởng tám chữ vàng: “Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã” (Công danh cả hai nước đều hoàn thành).
Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Trực không chỉ nổi tiếng với tài văn thơ, hiểu biết sâu rộng, mà còn là vị quan khiêm nhường, liêm khiết.
Sử sách ghi lại, trong khoa thi Đình năm 1442, với đề thi “Luận về phép trị nước của các vương triều”, Nguyễn Trực khẳng định: “Vua sáng tôi hiền thì nước sẽ thịnh, vua không sáng tôi không hiền thì nước sẽ suy vong”.
Những năm làm quan, cống hiến cho đất nước của Nguyễn Trực chứng minh rằng, ông không chỉ nắm rõ mà còn một mực tuân theo đạo lý “tôi hiền”.
Ngày nay, vị Lưỡng quốc trạng nguyên lỗi lạc này được thờ tại Từ đường Trạng nguyên Nguyễn Trực – di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.