Các nguyên tắc cổ đại của Trung Quốc và Ayurvedic đã định nghĩa về lập bản đồ khuôn mặt. Theo đó, vị trí mụn trên mặt có thể liên quan đến những gì đang xảy ra bên trong cơ thể bạn.
Lập bản đồ khuôn mặt liên kết vùng da với các cơ quan nội tạng khác nhau. Cách đây hàng nghìn năm, khi phương pháp này lần đầu tiên được phát triển lần, vị trí của nốt mụn đã giúp các bác sĩ chẩn đoán được vấn đề sức khỏe bên trong.
Ngày nay, cách làm này vẫn được sử dụng thường xuyên nhằm giúp loại bỏ các yếu tố liên quan đến sức khỏe hoặc lối sống không hợp lý gây ra mụn.
Bạn có thể hiểu được sức khỏe tổng thể của mình dựa trên vị trí nổi mụn trên gương mặt. Ảnh: boa forma. |
Trán
Tiến sĩ Amanda Doyle - bác sĩ da liễu tại New York, Mỹ - cho biết vị trí nổi mụn ở trán thường liên quan đến hệ tiêu hóa. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp khó khăn trong việc phân hủy thức ăn hoặc các vấn đề về gan.
Ngoài ra, mụn trên trán có thể là kết quả của căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc thiếu ngủ. Hãy thử cắt giảm đường và thực phẩm chế biến sẵn khỏi thực đơn hàng ngày, hạn chế thức khuya cũng như tìm cách giải tỏa căng thẳng.
Nổi mụn ở trán là biểu hiện của các bệnh liên quan đến vấn đề tiêu hóa. Ảnh: gettotext. |
Nếu bạn để tóc mái, mụn ở trán sẽ xuất hiện nhiều vì dầu thừa và vi khuẩn bị mắc kẹt dưới tóc. Hơn nữa, các cô gái có xu hướng chạm tay vào mặt suốt cả ngày để điều chỉnh tóc. Điều này khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
Bạn nên sử dụng sản phẩm tẩy da chết hóa học nhẹ nhàng 1-2 lần/tuần để loại bỏ dầu thừa tích tụ, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.
Mũi
Đây là điểm nổi mụn phổ biến vì tập trung nhiều tuyến dầu dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông. Bạn nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có công thức nhẹ dịu, phù hợp với làn da để tiết chế lượng dầu.
Bạn cần thường xuyên tẩy da chết và dùng miếng lột mụn cho vùng mũi. Ảnh: Sohu. |
Má
Bác sĩ da liễu Amanda Doyle cho biết mụn ở vùng má có thể là dấu hiệu của việc cơ thể bạn tiêu thụ nhiều đường. Bạn cần hạn chế đồ ngọt và thay đổi chế độ ăn hợp lý.
Theo Top Doctors, mụn trên má còn do lối sống của mỗi người gây ra. Ở nam giới, kem cạo râu là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này. Trong khi kem nền hoặc mỹ phẩm là "thủ phạm" khiến mụn xuất hiện trên má phái nữ.
Nếu bạn nổi mụn liên tục trên má, đó có thể là kết quả của việc để da tiếp xúc với vỏ gối bẩn hoặc màn hình điện thoại. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học London tiết lộ rằng hầu hết bề mặt điện thoại đều bị nhiễm vi trùng.
Vì vậy, hãy thay vỏ gối ít nhất một lần/tuần và lau điện thoại thường xuyên bằng khăn khử trùng. Thêm nữa, bạn không nên mang điện thoại vào phòng tắm hoặc nhà vệ sinh.
Mụn ở má xuất phát từ các thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Ảnh: flora health. |
Cằm và đường viền hàm
Mụn trứng cá quanh cằm và đường viền hàm là kết quả của biến động nội tiết tố. Phụ nữ có nhiều khả năng nổi mụn ở khu vực này hơn nam giới. Sự bùng phát xảy ra khoảng 7-10 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt của phái nữ. Những hormone này kích thích các tuyến dầu và gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Mọi người cần tránh sữa, đồ ăn chế biến sẵn và đường vì những thực phẩm này ảnh hưởng đến lượng hormone, làm trầm trọng thêm tình trạng mụn.
Uống đủ nước mỗi ngày là cách đơn giản để có làn da đẹp hơn. Ảnh: herworld. |
Xung quanh miệng
Nổi mụn xung quanh miệng do bạn dị ứng với son hoặc cặn thức ăn bám lại trên da. Thêm nữa, các nang lông ở môi bị tắc nghẽn bởi dầu và da chết cũng là nguyên nhân phổ biến.
Nếu bị mụn tái phát xung quanh đường viền môi, hãy tẩy trang sạch lớp son trước khi ngủ và lau miệng sau khi ăn. Ngoài ra, bạn nên tạo thói quen tẩy da chết cho môi với các sản phẩm từ thiên nhiên như dầu dừa, cà phê... 2 lần/tuần.
Vị trí xung quanh miệng khá nhạy cảm. Vì vậy, phái nữ nên chú ý trong việc chăm sóc. Ảnh: Elle. |
Chân tóc
Vị trí này chủ yếu do các sản phẩm chăm sóc tóc gây ra. Nếu tóc bạn chưa được gội sạch, dầu sẽ đọng lại trên chân tóc, làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
Thực tế, mụn xuất hiện do các sản phẩm dùng để nhuộm tóc và tạo kiểu chứa nhiều chất hóa học gây kích ứng da.